Khi sử dụng lời khai của người làm chứng, cán bộ lấy lời khai cần có sự tính toán, trao đổi, bàn bạc cụ thể về kế hoạch bảo vệ người làm chứng đó, đề phòng họ bị trả thù, trù dập. Lời khai của người làm chứng nếu đã được thẩm tra, xác minh có giá trị sử dụng phục vụ cho quá trình điều tra và xét xử vụ án hình sự.
Mục lục bài viết
1. Người làm chứng:
1.1. Định nghĩa:
Người làm chứng là người biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án hình sự, được cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai theo đúng trình tự Luật tố tụng hình sự quy định.
Như vậy bất kỳ người làm chứng nào cũng phải có hai đặc trưng sau đây:
– Họ phải là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án.
– Phải là người được cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai theo trình tự luật Tố tụng hình sự quy định.
Những người sau đây không được làm chứng:
– Người bào chữa của bị can, bị cáo.
– Người do có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết của vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn (theo khoản 2 điều 66 BLTTHS 2015).
1.2. Các loại người làm chứng:
Căn cứ vào độ tuổi có thể phân chia người làm chứng ra ba loại:
– Người làm chứng là trẻ em (dưới 14 tuổi ).
– Người làm chứng chưa thành niên (từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi).
– Người làm chứng từ 18 tuổi trở lên.
Căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ và quốc tịch có thể chia người làm chứng thành:
– Người làm chứng là công dân Việt nam.
– Người làm chứng là người nước ngoài.
– Người làm chứng là công dân Việt nam nhưng không biết tiếng phổ thông.
Căn cứ vào nguồn hiểu biết của người làm chứng có thể chia làm hai loại:
– Người làm chứng có sự hiểu biết trực tiếp: Người làm chứng có sự hiểu biết trực tiếp là người trực tiếp tri giác một phần hay toàn bộ các tình tiết có liên quan tới vụ án và bị can khi các sự kiện tình tiết ấy đang xảy ra.
– Người làm chứng nghe thuật lại: Người làm chứng nghe thuật lại là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án là do được người khác thuật lại cho.
Căn cứ vào sự liên quan hay không liên quan tới tội phạm mà chia người làm chứng thành hai loại:
– Người làm chứng không liên quan tới tội phạm: Người làm chứng không liên quan tới tội phạm là người do điều kiện, hoàn cảnh nào đó mà họ ngẫu nhiên được biết sự kiện phạm tội hoặc những tình tiết khác của vụ án và bị can của vụ án.
– Người làm chứng có liên quan tới tội phạm: Người làm chứng có liên quan tới tội phạm là người mà trong vụ án đó họ có hành vi phạm pháp nhưng cơ quan điều tra chưa hoặc không khởi tố bị can. Do đó trong thời điểm lấy lời khai thì họ đang ở vị trí người làm chứng.
Căn cứ vào mối quan hệ xã hội với bị can hay người bị hại mà chia người làm chứng ra làm hai loại;
– Người làm chứng có quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc với bị can hay người bị hại.
– Người làm chứng không có quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc với bị can hay người bị hại.
Căn cứ vào đặc điểm thể chất, tinh thần của người làm chứng có thể chia thành hai loại:
– Người làm chứng bình thường về thể chất, tinh thần.
– Người làm chứng có khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.
Căn cứ vào trình độ học vấn và nghề nghiệp của người làm chứng có thể chia thành hai loại:
– Người làm cứng bị mù chữ.
– Người làm chứng có trình độ học vấn hoặc nghề nghiệp nhất định.
1.3. Những yếu tố ảnh hưởng tới sự hiểu biết và lời khai của người làm của người làm chứng:
Những yếu tố khách quan sau đây làm ảnh hưởng không thuận lợi đến sự hiểu biết và lời khai của người làm chứng:
+ Khoảng thời gian người làm chứng nhận biết, tri giác sự kiện, hiện tượng diễn ra quá ngắn.
+ Thời gian từ khi tri giác đến khi trình bày với cơ quan điều tra quá lâu.
+ Khoảng cách quá xa giữa người làm chứng và đối tượng cần tri giác.
+ Điều kiện thời tiết xấu cho việc nhận biết, trị giác (có mưa to, nắng nóng, sương mù… ).
+ Tính phức tạp của sự kiện, hiện tượng hoặc lượng thông tin mà người làm chứng cần nhận biết, tri giác và ghi nhớ quá lớn.
+ Kẻ phạm tội có sự ngụy trang vấn đề mà người làm chứng đã nhận biết, tri giác.
+ Người làm chứng có mối quan hệ trước hoặc sau khi vụ án xảy ra với người bị hại hoặc kẻ phạm tội.
Những yếu tố chủ quan sau đây làm ảnh hưởng không thuận lợi đến sự hiểu biết và lời khai của người làm chứng:
+ Các giác quan của người làm chứng kém nhạy bén hoặc có khuyết tật.
+ Tình trạng sức khỏe kém của người làm chứng khai nhận biết, tri giác sự kiện, hiện tượng.
+ Người làm chứng không chú ý, không quan tâm đến vấn đề cần nhận biết, tri giác.
– Người – làm chứng không hiểu biết, không có kiến thức về lĩnh vực của vấn đề mà họ quan sát thấy.
2. Lấy lời khai của người làm chứng:
2.1. Nhiệm vụ của lấy lời khai người làm chứng:
Việc lấy lời khai người làm chứng phải giải quyết tốt hai nhiệm vụ:
1. Lấy được lời khai đầy đủ, chính xác và khách quan từ người làm chứng về những tình tiết của vụ và bị can của vụ án đó mà họ biết.
2. Phát hiện thêm tài liệu mới, tình tiết mới để phục vụ cho việc mở rộng công tác điều tra và phòng ngừa tội phạm.
2.2. Phương pháp lấy lời khai của người làm chứng:
a/ Nghiên cứu tổng hợp mọi tin tức, tài liệu có liên quan tới vụ án:
– Yêu cầu cần đạt được khi nghiên cứu :
+ Nắm vững diễn biến của vụ án một cách chi tiết, đầy đủ và chính xác trên cơ sở tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã có.
+ Xác định được những vấn đề cần phải có người làm chứng.
+ Xác định được diện người làm chứng của vụ án và người làm chứng cụ thể cho từng vấn đề cần phải có người làm chứng.
– Chú ý: Cán bộ lấy lời khai phải đi sâu nghiên cứu hồ sơ vụ án và tình hình bên ngoài có liên quan đến vụ án. Đồng thời dựa vào những tình huống đã xảy ra ở hiện trường, nghiên cứu phân tích tài liệu, dấu vết và vật chứng thu được, thu thập tin tức rộng rãi trong quần chúng để xác định diện .
b/ Chọn và nghiên cứu người được chọn làm chứng.
– Hướng dẫn người làm chứng :
+ Chọn người nào hiểu biết những tin tức, tình tiết quan trong, nắm được vấn đề một cách sâu sắc, đầy đủ, chính xác và để khai báo. Thường là chọn người được biết trực tiếp và có khả năng phản ánh sự hiểu biết của mình một cách tốt nhất.
+ Nếu nhiều người có thể làm chứng nhưng sự hiểu biết của mỗi người lại ở nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề cần phải chứng minh thì ta chọn người làm chứng biết nội dung của vấn đề theo trình tự thời gian hoặc theo diễn biến sự việc xảy ra.
+ Đối với các vụ án hình sự có để lại hiện trường cần tìm những người có mặt tại hiện trường, những người ở gần, người tham gia bảo vệ hiện trường, tham gia cấp cứu nạn nhân, khắc phục hậu quả hoặc truy bắt thủ phạm.
+ Phải tùy trường hợp cụ thể mà cán bộ lấy lời khai phải lựa chọn và tổ chức lấy lời khai ngay đối với những người làm chứng mà lời khai của họ xác định được nhiều người biết việc liên quan đến vụ án hoặc có giá trị chứng minh trực tiếp hoặc làm cơ sở để khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, hoặc xác định nơi ẩn náu của kẻ phạm tội, xác định được người và địa điểm cất giữ vật chứng.
– Việc nghiên cứu người được lựa chọn làm chứng phải được tiến hành trên các mặt: Lai lịch, trình độ, tâm lý, các mối quan hệ của họ với bị can, người bị hại, với vụ án. Cần chú trọng nghiên cứu nắm vững những gì có thể làm ảnh hưởng đến sự trình bày của họ (như tâm lý sợ thù oán, sợ liên lụy, sợ phiền phức, sĩ diện cá nhân, mê tín dị đoan…).
c/ Bố trí địa điểm lấy lời khai, chọn hình thức gặp người làm chứng:
Địa điểm lấy lời khai người làm chứng có thể là trụ sở cơ quan điều tra hay các nơi tiến hành điều tra khác, nơi người làm chứng cư trú, sinh hoạt, công tác, học tập… Khi bố trí địa điểm lấy lời khai cần chú ý:
+ Địa điểm đó đảm bảo không lộ bí mật nội dung cuộc lấy lời khai.
+ Không gây ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt, đi lại, sản xuất công tác của người làm chứng.
+ Không để ảnh hưởng xấu về mặt chính trị, tinh thần thái độ khai báo của người làm chứng.
+ Nếu tiến hành lấy lời khai của nhiều người làm chứng cùng một lúc, phải bố trí địa điểm lấy lời khai riêng cho từng người và cần phải có biện pháp ngăn ngừa những người làm chứng tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.
Để gặp người làm chứng ngoài trường hợp người làm chứng tự đến cơ quan để cung cấp, khai báo những tin tức cần thiết thì có thể triệu tập người làm chứng đến cơ quan điều tra hoặc đến tận nơi người làm chứng có mặt để lấy lời khai.
Chọn hình thức gặp người làm chứng là tùy thuộc vào từng vụ án cụ thể, từng người làm chứng cụ thể. Cán bộ hỏi cung phải căn cứ vào yêu cầu của việc hỏi cung, đặc điểm tâm lý, điều kiện đi lại, sinh hoạt, công tác… của người làm chứng để quyết định triệu tập hay đến tận nơi họ có mặt để lấy lời khai, sao cho đạt yêu cầu lấy lời khai và phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra đặt ra.
d. Vạch kế hoạch lấy lời khai chung và kế hoạch cụ thể đối với từng người làm chứng.
– Mục đích của việc vạch kế hoạch lấy lời khai chung của vụ án là đảm bảo nhanh chóng lấy được tất cả lời khai của những người làm chứng trong vụ án, giúp cho cán bộ hỏi cung hình dung tổng quát khối lượng công việc phải thực hiện, từ đó đề ra phương pháp hay cách thức tổ chức hỏi cung một cách hợp lý, triệt để và phục vụ kịp thời yêu cầu điều tra đặt ra. Bản kế hoạch này thường có một số nội dung sau.
+ Những yêu cầu điều tra cần được làm rõ bằng việc lấy lời khai của người làm chứng.
+ Danh sách người làm chứng cho từng vấn đề cụ thể cần phải được làm rõ và yêu cầu cần đạt được khi lấy lời khai của họ
+ Cách thức tổ chức lấy lời khai người làm chứng.
+ Dự kiến những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra.
+ Những cán bộ tham gia tiến hành lấy lời khai của người làm chứng trong vụ án đó.
Kế hoạch này có thể được bổ sung trong quá trình điều tra khi phát hiện những vấn đề mới của vụ án cần phải lấy lời khai của người làm chứng.
– Kế hoạch lấy lời khai với từng người làm chứng cụ thể phải dựa vào kế hoạch hỏi cung chung, dựa vào nội dung vấn đề cần họ làm chứng, dựa vào đặc điểm tâm lý của họ..
Thông thường một bản kế hoạch này có những nội dung sau:
+ Xác định mục đích lấy lời khai đối với người làm chứng đó.
+ Những nội dung cần thu thập qua lấy lời khai của người làm chứng đó.
+ Phương pháp, chiến thuật lấy lời khai cho từng bước, từng loại việc cụ thể. Những câu hỏi chủ yếu đặt ra yêu cầu người làm chứng trả lời.
+ Địa điểm lấy lời khai, hình thức gặp người làm chứng.
+ Cán bộ được phân công lấy lời khai, thời gian tiến hành và thời gian kết thúc.
+ Dự kiến những khó khăn phức tạp có thể xảy ra và biện pháp giải quyết.
2.3. Trình tự lấy lời khai người làm chứng:
– Thiết lập quan hệ tâm lý tin cậy giữa cán bộ lấy lời khai và người làm chúng.
Mục đích của việc làm này nhằm tạo ra một bầu không khí bình thường mà ở đó cán bộ lấy lời khai và người làm chứng tôn trọng lẫn nhau, đưa người làm chúng vào trạng thái tâm lý thoải mái, tin tưởng ở pháp luật và cơ quan điều tra, dễ dàng trình bày hết sự hiểu biết của mình về vụ án và bị can vụ án đó.
Để thiết lập quan hệ tâm lý với người làm chúng trước hết cán bộ lấy lời khai phải có thái độ đúng mực, lịch sự, tế nhị, phân tích có lý có tình, lập luận sắc sảo, chặt chẽ, ăn mặc gọn gàng, cán bộ lấy lời khai có thể phổ biến cho người làm chứng biết trình tự buổi lấy lời khai.
Không có thái độ thờ ơ hoặc biểu lộ thái độ hoài nghi, hay đặt người làm chứng ở trạng thái tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh không cần thiết, không có lợi cho việc khai thác sự hiểu biết của họ.
Xác định rõ nhân thân người làm chứng một lần nữa trước khi tiến hành lấy lời khai của họ. Mục đích là để kiểm tra xem họ có đúng là người mà ta cần gặp hay không, đồng thời tìm hiểu thêm tin tức về nhân thân, đặc điểm tâm lý của người làm chứng để kịp thời bổ sung vào kế hoạch lấy lời khai.
Thông thường cách xác định nhân thân người làm chứng ở giai đoạn này là xem giấy triệu tập, giấy chứng minh hoặc giấy chứng nhận do đơn vị công tác của họ cấp hoặc giấy tờ tùy thân khác. Khi làm việc này phải tế nhị, khéo léo. Cán bộ lấy lời khai niên nghiêng về dạng trò chuyện trao đổi. Không nhất thiết phải hỏi theo thứ tự giống các đề mục trong biên bản lấy lời khai của người làm chứng.
Nói rõ lý do triệu tập, giải thích quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm chứng.
Tùy theo trường hợp cụ thể mà giải thích quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm chứng. Khi giải thích cần chú ý không nên nhấn mạnh về pháp luật mà coi nhẹ thuyết phục, không nhấn mạnh về nghĩa vụ trách nhiệm mà coi nhẹ giải thích quyền lợi, nhấn mạnh về nguyên tắc mà coi nhẹ tình cảm.
– Tiến hành khai thác sự hiểu biết của người làm chứng về những tình tiết có liên quan đến vụ án và bị can của vụ án đó.
Thông thường có các cách đặt câu hỏi như sau:
+ Đặt câu hỏi chung để họ kể lại toàn bộ sự việc mà họ biết.
+ Đặt câu hỏi cụ thể để họ trả lời, qua đó dần dần nắm được toàn bộ sự hiểu biết của họ về vấn đề cần làm rõ.
+ Nêu những yêu cầu cụ thể để người làm chứng viết bảng trình này hay báo cáo.
Áp dụng 1 hay cả 3 cách đặt câu hỏi đó là tùy thuộc thái độ của người làm chứng và nội dung cũng như tính phức tạp cần làm rõ.
Về nội dung hỏi, có thể hỏi tất cả những gì có liên quan đến vụ án và bị can mà người làm chứng biết như : Diễn biến của sự việc cần làm rõ, nhân thân bị can và người bị hại, mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can và người bị hại hoặc với vụ án. Cần phải hỏi rõ cả nguồn gốc những tin tức mà họ đã khai báo, những căn cứ có thể đảm bảo cho nội dung họ khai báo là đúng sự thật.
Yêu cầu khi đặt câu hỏi phải ngắn gọn, mạch lạc dễ hiểu nhưng không lộ ý định, lộ bí mật, không làm cho người làm chứng lo sợ. Cần chú ý không nên vặn hỏi, hỏi dồn dập làm cho họ lúng túng. Khi họ trình bày, cán bộ lấy lời khai phải chú ý lắng nghe những điều mà họ nói, thận trọng khéo léo khi phải cắt ngang lời họ, không phủ nhận những gì mà họ khẳng định một cách vội vàng, không có căn cứ. Trường hợp họ nói dài dòng, lạc ý thì cần khéo léo hướng họ trả lời vào nội dung chính của câu hỏi. Nếu họ khai báo lúng túng, lầm lẫn hoặc bị lãng quên, thì phải động viên họ và khéo léo gợi ý để họ nhớ lại mà khai đúng sự thật.
– Lập biên bản lấy lời khai người làm chứng.
Khi lập biên bản phải đảm bảo những yêu cầu sau:
+ Biên bản phải phản ánh đầy đủ quá trình khai thác sự hiểu biết của người làm chứng. Những điều được ghi vào biên bản phải phản ánh trung thực, chính xác nội dung lời khai của người làm chứng. Không phản ánh nội dung nào khác, kể cả ý kiến và kết luận của cán bộ lấy lời khai.
+ Khi ghi chép mỗi sự kiện mà người làm chứng khai, cần phải ghi rõ vì sao họ biết được sự kiện đó, biết trực tiếp hay nghe thuật lại, bao giờ, ở đâu..
+ Ngôn ngữ sử dụng trong biên bản phải phù hợp với văn phong của người làm chứng. Không nên dùng những từ mà họ không hiểu.
+ Đối với những câu hỏi và câu trả lời có tính chất đấu tranh vạch mâu thuẫn, xác định thái độ khai báo không tốt của người làm chứng, hoặc những câu hỏi và những câu trả lời có liên quan đến việc đưa người làm chứng xem tài liệu, vật chứng… thì cần được ghi rõ ràng riêng biệt.
+ Cần tránh lối ghi cẩu thả, ghi miên man, dài dòng. Có thể viết nháp để ghi nhận kịp thời thông tin, sau đó sử dụng bản nháp vào việc lập biên bản.
3. Một số chiến thuật lấy lời khai người làm chứng:
a/ Sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng để vạch trần thái độ khai báo không tốt của người làm chứng.
– Phải hỏi thật sâu, thật kỹ vào từng chi tiết, thời gian cụ thể của sự việc họ trình bày.
– Có thể hỏi nhiều lần về cùng một vấn đề và trong những khoảng thời gian khác nhau để phát hiện mâu thuẫn .
Nếu hết thấy cần thiết, yêu cầu họ ký xác nhận dưới tuổi câu trả lời để khi ta vạch mâu thuẫn thì họ không thể chối cãi.
– Nên đưa ra những câu hỏi về các mâu thuẫn và ít dụng chạm đến quyền lợi của người làm chứng. Sau đó mới dần dần chuyển sang những mâu thuẫn nghiêm trọng hơn, có ý nghĩa xác định rõ sự thật của vấn đề cần làm rõ, kết hợp với giải thích, thuyết phục và động viên người làm chứng trình bày lại.
b/ Sử dụng chứng cứ để vạch trần mâu thuẫn buộc người làm chứng phải khai báo đúng sự thật.
– Khi thấy lời khai của người làm chứng mâu thuẫn với chứng cứ, cán bộ lấy lời khai nên đặt câu hỏi về vấn đề đó để người làm chứng trả lời nhằm củng cố một lần nữa lời khai của họ. Nếu họ vẫn khẳng định nội dung lời khai đó là đúng thì đưa ra những chứng cứ cần thiết, yêu cầu họ giải thích sự mâu thuẫn đó.
– Khi sử dụng chứng củ, cần chú ý đến việc đặt ra câu hỏi, sao cho các câu hỏi đặt ra trong một trình tự logic và mang tính “trói buộc” người làm chứng, đưa họ đến câu trả lời cuối cùng đúng sự thật.
– Cần kết hợp chặt chẽ giữa thuyết phục, giáo dục tư tưởng với việc vạch rõ sai trái của họ, làm cho họ thấy không thể giấu điểm được, mà phải tôn trọng sự thật.
– Nếu xét thấy cần thiết có thể đưa người làm chứng ra đối chất với những người làm chứng khác hoặc đối chất với bị can.
c/ Tác động tâm lý trực tiếp đối với người làm chứng nhằm giúp họ nhớ lại những sự việc, hiện tượng đã trị giác được nhưng đã bị lãng quên, khắc phục những thiếu sót chủ quan khi trình bày.
– Trước hết, cán bộ lấy lời khai phải bình tĩnh không vội vàng yêu cầu người làm chứng trình bày ngay vào sự việc cần làm rõ.
– Hướng dẫn người làm chứng bình tĩnh, suy nghĩ và hồi tưởng lại những vấn đề xảy ra trước sự kiện cần điều tra về mặt thời gian.
– Có thể nêu ra một chi tiết nào đó đã được xác định có liên quan đến sự kiện cần nhớ lại, hoặc đưa ra những vật chứng, ảnh nơi xảy ra sự kiện mà họ đã nhận biết, tri giác (nếu có).
– Nếu thấy cần thiết có thể cùng người làm chứng đến địa điểm nơi xảy ra sự kiện cần hỏi.
– Nếu vấn đề mà người làm chứng lãng quên là tên một cơ quan, một cá nhân hoặc một địa danh nào đó… Ta có thể đưa cho họ danh sách liệt kê những vấn đề đó để họ dựa vào mà nhớ lại.
Trường hợp người làm chứng khó khăn trong việc trình bày nhận thức, suy nghĩ của mình và khó khăn trong việc kể lại sự kiện thì cần nêu những câu hỏi cụ thể, ngắn gọn và rõ ràng hơn, kiên nhẫn lắng nghe những câu trả lời, hướng lời khai của họ đi vào trọng tâm với trạng thái tâm lý bình tĩnh.
Những vấn đề cần chú ý khi giải quyết một số trường hợp cụ thể:
– Trường hợp người làm chứng khai không đúng sự thật : Cán bộ lấy lời khai không vội vàng tỏ ra phản ứng ngay mà phải thận trọng tìm nguyên nhân. Việc phát hiện và khắc phục nguyên nhân người làm chứng khai không đúng sự thật là vấn đề rất quan trọng. Nguyên nhân khai không đúng sự thật ở người làm chứng có thể là do sợ trả thù, có ác cảm với người bị hại, bị can hoặc ngược lại do muốn giữ tốt quan hệ với những người đó, do lợi ích cá nhân khác, do người làm chứng muốn che giấu hành vi có liên quan đến tội phạm hoặc hành vi vi phạm đạo đức xã hội nào đó của chính bản thân mình… Cũng có thể người làm chứng sợ trách nhiệm hoặc có tư tưởng, quan điểm trái với tư tưởng, quan điểm của Đảng, từ đó dẫn đến việc khai không đúng sự thật.
Ứng với một nguyên nhân khai dối và tùy từng trường hợp cụ thể đề ra biện pháp khắc phục tương ứng. Chẳng hạn có thể giải thích ý nghĩa của lời khai thật của người làm chứng đối với việc điều tra làm rõ vụ án, hoặc chỉ cho người làm chứng rõ việc né tránh khai thật có thể dẫn đến chỗ thủ phạm thoát được sự trừng phạt của pháp luật, nó lại có điều kiện tiếp tục thực hiện tội phạm. Như vậy người làm chứng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo theo điều 241, 242 BLHS, người làm chứng vẫn cố tình khai báo không đúng sự thật, làm cản trở điều tra, cán bộ lấy lời khai có thể áp dụng chiến thuật sử dụng những mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng hoặc chứng cứ để vạch trần mâu thuẫn buộc người làm chứng phải khai báo đúng sự thật. Xét cần thiết có thể khởi tố họ với tư cách bị can.
Phần đông người làm chứng nói không đúng sự thật thường là loại người có liên quan đến tội phạm hay có quan hệ xã hội, quan hệ gia đình thân thuộc với bị can, với người bị hại, hoặc họ là những bị can đã thành án của vụ án khác. Vì vậy cán bộ lấy lời khai cần phải vận dụng chiến thuật lấy lời khai một cách linh hoạt, sáng tạo mới có thể lấy được lời khai thật, đầy đủ, chính xác và khách quan ở người làm chứng.
– Trường hợp người làm chứng trẻ em: Bao gồm những người có độ tuổi dưới 14, nói chung trẻ em còn ít tuổi, trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên đa số chưa có đủ khả năng để nhận thức đúng hành vi của mình. Các em thường dễ bị kích động, tình cảm, lời nói không vững vàng, tâm trạng thay đổi đột ngột… Khi cơ quan có thẩm quyền lấy lời khai thường các em không dám nói hoặc nói không đầy đủ.
Để việc lấy lời khai người làm chứng loại này đạt kết quả, ngoài những vấn đề chung khi tiến hành lấy lời khai của một người làm chứng, cán bộ lấy lời khai cần phải làm rõ thái độ của em đó đối với bố mẹ, với thầy, cô giáo, tư cách khi ở nhà, ở trường, địa phương… Cần có thái độ nghiêm túc, vừa nhẹ nhàng, thoải mái với hình thức trò chuyện với các em, cán bộ lấy lời khai phải chú ý đến hình thức câu hỏi khi đưa ra để các em trả lời, câu hỏi phải được những hình ảnh có liên quan đến sự việc đã xảy ra để các em nhớ lại và trình bày cho khách quan. Sau khi các em trình bày, cán bộ lấy lời khai cần hỏi các em đã kể lại việc đó cho những ai nghe, có trao đổi cho những người trong gia đình hoặc bạn bè không và những người đó đã có những ý kiến gì về vấn đề đó… Việc làm này giúp cho cán bộ lấy lời có thể hiểu rõ hơn em đó đã khai những gì theo trình tự tri giác, nhận biết của nó và những gì là lời khai của người khác.
Cán bộ lấy lời khai cần chú ý đến đặc điểm tâm lý của các em, không hỏi tập trung lâu vào một vấn đề cần làm rõ với một vấn đề khác tạo điều kiện cho các em khuây khỏa, nghỉ ngơi. Nên chọn địa điểm lấy lời khai là nơi quen thuộc với các em.
Người làm chứng là trẻ em khi tham gia tố tụng không có sự ràng buộc của pháp luật về nghĩa vụ. Khi lấy lời khai, cần có sự có mặt của người giám hộ (có thể là bố mẹ, thầy cô giáo, bà con hàng xóm… ). Chọn ai là người giám hộ là vấn đề mang tính chiến thuật nhằm thu được lời khai ở các em một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác. Thực tiễn cho thấy nên mời những người nào được em đó kính trọng, và tin cậy làm người giám hộ.
Cán bộ lấy lời khai phải chú ý động viên, giáo dục khéo léo, tạo được sự tin cậy của các em vào cán bộ lấy lời khai. Không được có thái độ đe dọa, làm cho các em lo sợ, hoặc không được mớm để các em nói theo ý muốn của cán bộ lấy lời khai.
– Đối với người làm chứng có quan hệ thân thuộc bị can hay người bị hại : Khi lấy lời khai của cán bộ điều tra cần chú ý :
+ Loại trừ yếu tố tiêu cực của mối quan hệ thân thuộc phụ thuộc của người làm chứng với bị can hay người bị hại.
+ Phải nhanh chóng tổ chức lấy lời khai của họ để ngăn ngừa sự ảnh hưởng của mối quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc đó đến lời khai của người làm chứng.
+ Chú ý tính toán nghiên cứu lợi dụng quan hệ thân thuộc hoặc phụ thuộc đó để tác động, thúc đẩy người làm chứng khai báo đúng sự thật.
– Đối với người làm chứng có khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần:
+ Trong trường hợp có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức và khai báo đúng đắn về những tình tiết vụ án của người làm chứng thì bắt buộc phải đưa đi TCTĐ pháp y tâm thần (khoản 1 điều 449 BLTTHS).
+ Trường hợp xét thấy khuyết tật đó không làm ảnh hưởng đến nhận thức của người làm chứng mà chỉ làm hạn chế khả năng trình bày, cán bộ lấy lời khai phải tạo mọi điều kiện giúp đỡ họ khắc phục để họ có thể trình bày đầy đủ nhận thức về tình tiết của vụ án và bị can mà họ ghi nhớ được.
+ Cần hết sức kiên trì, tránh nôn nóng và phải khắc phục mặc cảm về khuyết tật của họ.
4. Kiểm tra và sử dụng lời khai người làm chứng:
Người làm chứng khai báo đến đâu ta phải kiểm tra tài liệu họ cung cấp, cần có kế hoạch và biện pháp lấy lời khai thêm.
Các biện pháp kiểm tra lời khai người làm chứng gồm:
– Đối chiếu lời khai trước với lời khai sau, lời khai của người làm chứng này với lời khai của người làm chứng khác.
– Đối chiếu lời khai của người làm chứng với tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án, và với tình hình thực tế của vụ án đã xảy ra mà ta đã biết qua nguồn khác (như khám nghiệm hiện trường, giám định chuyên môn…).
Sử dụng các biện pháp điều tra khác theo luật Tố tụng hình sự tự quy định (TNĐT, nhận dạng đối chất … ) để xác minh lời khai của người làm chứng khi cần thiết và có đủ điều kiện.
Ngoài ra có thể áp dụng biện pháp kiểm tra lời khai tại hiện trường, phương pháp khẳng định sự có mặt của người làm chứng trong thời gian xảy ra sự kiện, điều tra xác minh về nhân thân người làm chứng.
Các biện pháp kiểm tra trên hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tùy trường hợp cụ thể mà linh hoạt vận dụng, phải luôn luôn lấy sự kiện thực tế làm cơ sở để xác định đúng, sai, tránh vội tin ngay vào lời khai của người làm chứng hay kiểm tra qua loa, đại khái.