Người khởi kiện là gì? Quyền khởi kiện vụ án? Người khởi kiện rút đơn khởi kiện ở phiên tòa sơ thẩm tố tụng dân sự? Trường hợp rút đơn khởi kiện trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm?
Trong
Luật sư
1. Người khởi kiện là gì?
Theo bộ Luật tố tụng dân sự 2015, nguyên đơn được hiểu là “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”. Từ khái niệm trên, chúng ta có thể rút ra 2 đặc trưng tiêu biểu của nguyên đơn, đó là:
– Nguyên đơn là người khởi kiện hoặc người được người khác khởi kiện thay
– Nguyên đơn là người cho rằng quyền và hợp pháp của mình bị xâm phạm
2. Quyền khởi kiện vụ án?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Người khởi kiện rút đơn khởi kiện ở phiên tòa sơ thẩm tố tụng dân sự
Việc rút yêu cầu khởi kiện được quy đinh trong các giai đoạn như sau:
– Giai đoạn trước khi thụ lý vụ án, được qui định: Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện khi xét thấy yêu cầu rút đơn của người khởi kiện tại điểm g, khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Như vậy, trước khi thụ lý vụ kiện mà người khởi kiện rút đơn thì được trả lại đơn và trong trường hợp này do Thẩm phán được phân công thực hiện.
– Giai đoạn sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, thì việc người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện của đương sự sẽ được Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án theo Điểm c, khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
– Giai đoạn đang xét xử sơ thẩm thì Bộ luật tố tụng dân sự qui định cụ thể như sau: “Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút ( khoản 2 Điều 244 BLTTDS).
– Giai đoạn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm thì khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Hội đồng xét xử phải hỏi bị đơn và nếu bị đơn đồng ý thì Hội đồng xét xử ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (điểm b, khoản 1 Điều 299 BLTTDS). Trong trường hợp này, tại khoản 2 Điều 299 BLTTDS có qui định là nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án (theo thủ tục chung do BLTTDS quy định).
Như vậy, qua các trường hợp nêu trên, có thể thấy chỉ một hành vi rút đơn khởi kiện, nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau của vụ án thì BLTTDS cũng có qui định khác nhau cho từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, vấn đề chúng ta cần quan tâm là không phải lúc nào rút đơn khởi kiện cũng đều được kiện trở lại, nếu muốn. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp do không biết pháp luật nên đã rút đơn khởi kiện và sau đó mất luôn quyền khởi kiện. Bài này xin đề cập vấn đề rút đơn khởi kiện, hậu quả của nó và những vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện quyền rút đơn khởi kiện.
Về hậu quả pháp lý của rút đơn khởi kiện:
Hậu quả của việc rút đơn khởi kiện xét theo tùy theo từng giai đoạn mà Tòa án có thể ra những quyết định phù hợp khi rút đơn khởi kiện, cụ thể: Khi chưa thụ lý thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện; sau khi thụ lý rồi thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án; khi vụ án đang được xét xử sơ thẩm, nếu rút một phần hay toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án đình chỉ một phần hay toàn bộ yêu cầu của đương sự; giai đoạn xét xử phúc thẩm thì Tòa án hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước phiên tòa sơ thẩm dân sự:
– Nếu không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập thi Tòa án chấp nhận việc rút đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút.
– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu phản tố của bị đơn đã rút.
– Người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền và lợi ích liên quan đã rút.
– Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án dân sự.
Trường hợp đương sự rút đơn khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm:
– Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút. Khi đó, bị đơn trở thành nguyên đơn.
– Nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn cũng rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn.
4. Trường hợp rút đơn khởi kiện trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm
“1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:
a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;
b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Bộ luật này quy định.”
– Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Khoản 2 Điều 73 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn như thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập quy định tại Điều 71 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo BLTTDS thì vai trò của người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng tương tự như nguyên đơn. Từ
đó, chúng ta nhận thấy rằng:
Trong vụ án không có người có yêu cầu độc lập, thì:
+ Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo thì Tòa án căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 269 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là hợp pháp và đúng đắn.
+ Nếu người kháng cáo là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền đình chỉ giải quyết vụ án
Trong vụ án có người có yêu cầu độc lập, thì:
+ Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện; bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo và người có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án căn cứ vào Điểm b khoản 1 Điều 269 ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là hợp pháp và đúng đắn.
+ Nếu người kháng cáo là nguyên đơn hoặc bị đơn, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đồng thời rút đơn khởi kiện và bị đơn đồng ý rút đơn kháng cáo; người có yêu cầu độc lập tuy không kháng cáo nhưng không đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án được.
+ Căn cứ vào Điều 269 thì trường hợp này thỏa mãn các điều kiện mà Điểm b khoản 1 Điều 269 yêu cầu là “trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện” và “bị đơn đồng ý” nên Hội đồng xét xử phải chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và ra quyết định đình chỉ.
Như vậy, đối với những vụ án có người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án cần phải hỏi người có yêu cầu độc lập có đồng ý rút yêu cầu độc lập của họ hay không. Chỉ khi nào người có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu độc lập của mình thì Tòa án mới có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án được.