Trên thực tế, trong trường hợp cần giám định hoặc giám định, giám định bổ sung khi nạn nhân đã qua đời thì sẽ tiến hành giám định thông qua hồ sơ, có thể là hồ sơ bệnh án trước khi nạn nhân tử vong, lời khai, biên bản khám nghiệm tử thi. Vậy người đã chết thì giám định thương tật như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Người đã chết thì giám định thương tật như thế nào?
Giám định thương tật hay còn gọi là giám định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể theo quy định thì được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT, cụ thể:
– Giám định để nhằm xác định tỷ lệ % TTCT phải được thực hiện trên người cần giám định, trừ trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều này.
– Giám định để xác định về tỷ lệ % TTCT được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Khi thực hiện việc giám định trên hồ sơ, tỷ lệ % TTCT sẽ được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ % TTCT.
– Tỷ lệ % TTCT sẽ được xác định tại thời điểm giám định.
Căn cứ theo quy định nêu trên, trong trường hợp nạn nhân đã chết thì sẽ giám định để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể dựa trên hồ sơ đã thu thập được trước đó.
2. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể như sau:
– Tổng tỷ lệ % TTCT của một người sẽ phải nhỏ hơn 100%.
– Mỗi bộ phận cơ thể sẽ bị tổn thương chỉ được tính tỷ lệ % TTCT một lần. Đối với trường hợp bộ phận này bị tổn thương nhưng gây biến chứng, di chứng sang bộ phận thứ hai đã được xác định thì sẽ tính thêm tỷ lệ % TTCT do biến chứng, di chứng tổn thương ở bộ phận thứ hai.
– Nếu trường hợp nhiều TTCT là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được ghi trong các Bảng tỷ lệ % TTCT thì tỷ lệ % TTCT được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó.
– Khi tính tỷ lệ % TTCT thì chỉ lấy đến hai chữ số hàng thập phân, ở kết quả cuối cùng thì sẽ làm tròn để có tổng tỷ lệ % TTCT là số nguyên (nếu số hàng thập phân bằng hoặc lớn hơn 0,5 thì làm tròn số thành 01 đơn vị).
– Khi tính tỷ lệ % TTCT của một bộ phận cơ thể mà có tính chất đối xứng, hiệp đồng chức năng mà một bên bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đã được xác định, thì tính cả tỷ lệ % TTCT đối với bộ phận bị tổn thương hoặc bệnh lý có sẵn đó.
Ví dụ: Một người đã bị cắt thận trái trước đó, nếu lần này bị chấn thương phải cắt thận phải thì tỷ lệ % TTCT được tính là mất cả hai thận.
– Khi giám định, căn cứ vào tổn thương thực tế và mức độ ảnh hưởng của tổn thương đến cuộc sống, nghề nghiệp của người cần giám định, giám định viên đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khung tỷ lệ tương ứng với Bảng tỷ lệ % TTCT.
– Đối với trường hợp các bộ phận cơ thể đã bị mất chức năng, nay bị tổn thương thì tỷ lệ % TTCT được tính bằng 30% tỷ lệ % TTCT của bộ phận đó.
– Trường hợp trên cùng một người cần giám định mà vừa phải giám định pháp y lại vừa phải giám định pháp y tâm thần (thực hiện theo quyết định trưng cầu/yêu cầu), thì tổ chức giám định sẽ phải thực hiện giám định sau tổng hợp (cộng) tỷ lệ % TTCT của người cần giám định theo phương pháp xác định tỷ lệ % TTCT quy định tại Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT.
3. Giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể trong tố tụng hình sự có phải trưng cầu giám định không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có 6 trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định bao gồm:
– Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi người đó có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
– Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để tiến hành xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
– Nguyên nhân đến chết người;
– Tính chất thương tích và mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
– Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ,chất độc, chất phóng xạ, chất cháy, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
– Mức độ về ô nhiễm môi trường.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì trường hợp khi cần xác định lại tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân thì sẽ bắt buộc trưng cầu giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
4. Phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định về phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể như sau:
– Việc xác định tỷ lệ % TTCT được tính theo phương pháp cộng như sau:
Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +…+ Tn; trong đó:
+ T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này).
+ T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai:
T2 = (100 – T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100;
+ T3: là tỷ lệ % của TTCT thứ ba:
T3 = (100-T1-T2) x tỷ lệ % TTCT thứ 3/100;
+ Tn: là tỷ lệ % của TTCT thứ n:
Tn = {100-T1-T2-T3-…-T(n-1)} x tỷ lệ % TTCT thứ n/100.
+ Tổng tỷ lệ % TTCT sau khi được làm tròn số là kết quả cuối cùng.
Ví dụ:
Thứ nhất: Một đối tượng có nhiều tổn thương:
Ông Phan Mạnh A được xác định có 03 tổn thương:
– Cụt 1/3 giữa cánh tay trái, khung tỷ lệ % TTCT từ 61 – 65%;
– Mù mắt phải chưa khoét bỏ nhãn cầu, tỷ lệ % TTCT là 41%;
– Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT từ 21 – 25%.
Áp dụng phương pháp nêu trên, tổng tỷ lệ % TTCT của ông Phan Mạnh A được tính như sau:
– T1 = 63% (tỷ lệ % TTCT quy định tại Thông tư này từ 61-65%, giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT là 61%, 62%, 63%, 64% hoặc 65%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ TTCT là 63%).
– T2 = (100 – 63) x 41/100% = 15,17%.
– T3: Nghe kém trung bình hai tai mức độ I, tỷ lệ % TTCT được quy định trong Thông tư này từ 21% – 25%. Giám định viên có thể đánh giá, xác định tỷ lệ % TTCT trong khoảng từ 21% đến 25%. Ví dụ trường hợp này giám định viên lấy tỷ lệ % TTCT là 22%, thì tỷ lệ % TTCT của ông A được tính là:
T3 = (100 – 63 – 15,17) x 22/100% = 4,80%
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Phan Mạnh A là : 63% + 15,17 % + 4,80% = 82,97%, làm tròn số là 83%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Phan Mạnh A là 83%.
Thứ 2: Một người cần phải giám định tại hai tổ chức: (1) Giám định pháp y và (2) Giám định pháp y tâm thần:
Ông Nguyễn Văn A đã được tổ chức giám định pháp y giám định với kết luận tổng tỷ lệ % TTCT là 45% (T1).
Sau đó ông A đến giám định tại tổ chức giám định pháp y tâm thần, tổ chức này kết luận tỷ lệ % TTCT là của ông A là 37%, tổ chức giám định pháp y tâm thần này tổng hợp tổng tỷ lệ % TTCT của ông A như sau:
T1 đã được xác định là 45%; T2 được xác định như sau:
T2 = (100 – 45) x 37/100 = 20,35%.
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông A là = (T1+T2).
Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là: 45% + 20,35% = 65,35%.
Kết luận: Tổng tỷ lệ % TTCT của ông Nguyễn Văn A là 65%.’
Như vậy, phương pháp xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được quy định như trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
– Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
THAM KHẢO THÊM: