Quyền bầu cử được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật, theo đó công dân có quyền được lựa chọn người đại biểu mà mình tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì người chưa được xóa án tích có được bầu cử hay không?
Mục lục bài viết
1. Người chưa được xóa án tích có được bầu cử không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ có quyền bầu cử và công dân trong độ tuổi từ đủ 21 tuổi trở lên sẽ có quyền ứng cử vào Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có quy định về những trường hợp không được ghi tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri trong hoạt động bầu cử. Bao gồm các trường hợp sau đây:
-
Cá nhân là người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án hoặc theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, cá nhân là người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án tử hình, người đang chấp hành án phạt tù tuy nhiên không được hưởng án treo trên thực tế, người mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ không được ghi tên vào danh sách cử tri;
-
Cá nhân thuộc một trong những trường hợp nêu trên nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại toàn bộ tự do hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận rằng không còn đang trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ vẫn tiếp tục được bổ sung vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri căn cứ theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015;
-
Trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết công khai tính đến thời điểm bắt đầu thực hiện thủ tục bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã, phường nơi đã được ghi tên trong danh sách cử tri theo quy định của pháp luật sẽ được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú trước đó và đồng thời được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để tiếp tục tiến hành thủ tục bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quận, cấp xã, cấp phường; những người chuyển đến tạm trú ở đơn vị hành chính cấp xã khác mà mình đã ghi tên trong danh sách cử tri ban đầu, nay có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì sẽ được quyền xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để tiếp tục thực hiện thủ tục bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp quận, cấp huyện;
-
Cử tri được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do trên thực tế hoặc đã hết thời gian phải chấp hành biện pháp giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc thì sẽ được xóa tên trong danh sách cử tri ở trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và đồng thời được bổ sung tên trong danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để tiếp tục thực hiện hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp quận, cấp huyện, cấp xã; hoặc được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký tạm trú để tiếp tục thực hiện hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp quận, cấp huyện;
-
Người đã có tên trong danh sách cử tri nhưng tính đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị cơ quan có thẩm quyền đó là Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù hoặc được xác định là người mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã cần phải xóa tên người đó ra khỏi danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì người chưa được xóa án tích không thuộc một trong những đối tượng bị xóa tên khỏi danh sách cử tri hoặc không được ghi tên trong danh sách cử tri.
Hay nói cách khác, người chưa được xóa án tích vẫn sẽ có quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
2. Người chưa được xóa án tích có được ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân không?
Quyền ứng cử được xem là một trong những quyền cơ bản của công dân khi công dân đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có quy định về những trường hợp không được thực hiện thủ tục ứng cử vào đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Bao gồm các trường hợp sau:
-
Cá nhân là người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
-
Người đang chấp hành hình phạt tù;
-
Cá nhân là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
-
Người đang bị khởi tố;
-
Người đang trong quá trình chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;
-
Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích;
-
Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì người đã chấp hành xong bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án tuy nhiên chưa thực hiện thủ tục xóa án tích thì sẽ không được quyền ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân.
3. Ai có thẩm quyền lập danh sách cử tri trong quá trình bầu cử?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 có quy định về thẩm quyền lập danh sách cử tri trong hoạt động bầu cử. Theo đó:
-
Danh sách cử tri do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường lập theo từng khu vực bỏ phiếu. Đối với cấp quận, huyện không có đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu;
-
Danh sách cử tri trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do Chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu đổi đơn vị vũ trang đội đóng quân. Quân dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương gần khu vực đóng quân của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận, ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia hoạt động bỏ phiếu ở nơi thường trú của mình. Trong quá trình cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân cần phải ghi vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang bên cạnh tên người đó cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi cư trú”.
Như vậy, thẩm quyền lập danh sách cử tri trong hoạt động bầu cử được quy định như sau:
-
Ủy ban nhân dân cấp xã;
-
Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện lập danh sách cử tri đối với trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn;
-
Chỉ huy đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân lập danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân đó.
THAM KHẢO THÊM: