Đánh bạc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên bất chấp quy định của pháp luật, nhiều trường hợp vẫn tạo ra những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho người khác đánh bạc. Vậy người chia bài hộ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Mục lục bài viết
1. Người chia bài hộ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Đánh bạc và hỗ trợ đánh bạc là một trong những tệ nạn xã hội cần phải được loại trừ, bởi vì đánh bạc gây ra tình trạng mất an ninh trật tự an toàn xã hội, khiến cho đời sống của người dân lâm vào tình trạng bế tắc. Mặc dù pháp luật đã quy định nghiêm cấm đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, tuy nhiên hiện tượng này vẫn đang xảy ra vô cùng phổ biến.
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định cụ thể về đồng phạm như sau:
– Đồng phạm được xem là trường hợp có từ 02 người trở lên cố tình thực hiện hành vi phạm tội;
– Phạm tội có tổ chức được xem là hình thức đồng phạm phù hợp, cấu kết chặt chẽ với nhau giữa những người cùng thực hiện tội phạm;
– Đồng phạm bao gồm nhiều người, trong đó có thể kể đến như người tổ chức, người xúi giục, người thực hành và người giúp sức trong quá trình phạm tội. Trong đó, người thực hành được xem là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế. Người tổ chức được xem là người cầm đầu phải lên kế hoạch thực hiện tội phạm và chủ mưu điều khiển quá trình thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người thúc đẩy, dụ dỗ, kích động để người khác thực hiện hành vi phạm tội. Còn người giúp sức là những người tạo điều kiện mọi mặt, đó có thể là điều kiện về vật chất hoặc điều kiện về tinh thần cho người thực hiện tội phạm;
– Đồng phạm sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi vượt quá của người thực hành.
Như vậy có thể nói, có thể xếp người chia bài hộ nhưng không tham gia trực tiếp vào hoạt động đánh bài là người giúp sức căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Bộ luật hình sự năm 2015. Bởi vì theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay có quan niệm người giúp sức là những người tạo ra điều kiện thuận lợi cho người thực hành dễ dàng thực hiện tội phạm. Căn cứ vào hành vi khách quan thì người giúp sức có thể là người giúp sức về vật chất hoặc người giúp sức về tinh thần. Cụ thể trong trường hợp này, người chia bài hộ được xem là người giúp sức về vật chất.
Giúp sức về vật chất là hành vi cung cấp công cụ, phương tiện phạm tội, khắc phục những khó khăn trở ngại đối với quá trình thực hiện phạm tội, để từ đó giúp cho người thực hành có thể thực hiện tội phạm một cách dễ dàng và thuận lợi. Cụ thể trong trường hợp này, hành vi chia bài hộ người đánh bài là một trong những hành vi giúp sức thể hiện dưới hình thức vật chất, cụ thể là dưới dạng hành động. Thông thường trên thực tế, thời điểm người giúp sức thực hiện hành vi giúp sức là trước khi tội phạm xảy ra và trước khi tội phạm được thực hiện. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp hành vi giúp sức xảy ra khi việc thực hiện tội phạm đang diễn ra trên thực tế. Trong trường hợp chia bài hộ người khác là hành vi giúp sức thực hiện khi tội phạm đang được diễn ra.
Về mặt chủ quan, hành vi giúp sức chia bài hộ người khác mặc dù không tham gia vào quá trình đánh bạc được thực hiện với lỗi cố ý. Thể hiện ở những quan điểm sau đây: Người giúp sức nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, người giúp sức nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi giúp sức của mình đối với người đồng phạm, tuy nhiên vẫn cố tình thực hiện, thấy trước hậu quả phạm tội chung nhưng vẫn mong muốn và chấp nhận cho hậu quả của tội phạm chung đó xảy ra.
Theo đó thì có thể nói, người chia bài hộ người khác hoàn toàn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về đồng phạm của tội đánh bạc. Đồng thời, tội đánh bạc hiện nay đang được quy định cụ thể tại Điều 321 của Bộ luật hình sự năm 2015.
2. Quyết định hình phạt đối với người chia bài hộ nhưng không tham gia đánh bài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm. Cụ thể như sau:
– Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm trong vụ án có đồng phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án cần phải xem xét đến tính chất, mức độ tham gia tội phạm của từng người đồng phạm nhất định;
– Các tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết tăng nặng, các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với những người đồng phạm đó.
Căn cứ để phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm để có thể xác định hình phạt cho từng người đó là:
– Tính chất tham gia, tức là vai trò đối với hoạt động của nhóm tội phạm;
– Mức độ tham gia, tức là phần đóng góp thực tế và quá trình thực hiện tội phạm;
– Mức độ lỗi;
– Các tình tiết về nhân thân có ý nghĩa đối với quá trình quyết định hình phạt của tòa án.
Như vậy có thể nói, hành vi chia bài hộ người khác mặc dù không tham gia vào quá trình đánh bạc ăn tiền trái phép vẫn có thể được xem là người giúp sức, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho quá trình người đánh bạc thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Vì vậy cho nên, người chia bài hộ người khác mặc dù không tham gia vào quá trình đánh bạc cũng sẽ bị coi là đồng phạm về tội đánh bạc với vai trò là người giúp sức theo như phân tích nêu trên. Do đó, người thực hiện hành vi chia bài hộ người khác hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Đồng thời, trong quá trình quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm của tội đánh bạc, cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét đến Điều 58 của Bộ luật hình sự năm 2015, đồng thời cần phải xem xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của những người đồng phạm đó. Tuy nhiên cần phải lưu ý, các tình tiết giảm nhẹ, các tình tiết tăng nặng vào loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì sẽ chỉ áp dụng riêng đối với những người đồng phạm đó. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chia bài hộ là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được quy định cụ thể như sau:
– 05 năm đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng;
– 10 năm đối với loại tội phạm nghiêm trọng;
– 15 năm đối với loại tội phạm rất nghiêm trọng;
– 20 năm đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng thời phải vấn đề phân loại tội phạm sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó, tội phạm nghiêm trọng được xem là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội ở mức lớn phải với khung hình phạt cao nhất do pháp luật hình sự quy định đối với tội danh ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
Như vậy có thể nói, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc và người chia bài hộ sẽ căn cứ tùy thuộc vào từng khung hình phạt khác nhau của tội đánh bạc tại Điều 321 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).