Nghĩa vụ đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trách nhiệm thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc về ai? Cơ quan nào?
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt:
Quyền được giáo dục của trẻ em có cơ sở vững chắc trong pháp luật quốc tế về quyền con người thông qua việc được ghi nhận trong những văn kiện quyền con người quốc tế và khu vực. Nghĩa vụ thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em đã được xác định rõ trong Bình luận chung số 13 của Ủy ban Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đó là bốn yếu tố: tính sẵn có, tính có thể tiếp cận, tính có thể chấp nhận được và tính thích ứng. Bốn yếu tố này, cụ thể trong quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt càng cần được làm rõ nhằm đảm bảo việc tiếp cận giáo dục phù hợp và có chất lượng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, bốn nội dung này cũng xác lập nghĩa vụ với các quốc gia phải tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Một số yêu cầu trong giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần đạt được như: giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí; giáo dục trung học sẵn có và có thể tiếp cận được.
Yếu tố bắt buộc nhằm nhấn mạnh một thực tế là cả cha mẹ, người giám hộ hay nhà nước đều không có quyền lựa chọn trong việc quyết định xem liệu trẻ có nên tiếp cận giáo dục tiểu học hay không. Yếu tố này cũng quy định nghĩa vụ đặt lên vai mỗi cá nhân, dưới hình thức một nghĩa vụ ngầm định là phải tham gia học tập. Mục đích của sự bắt buộc cũng như của nghĩa vụ này là cải thiện địa vị của cá nhân trong xã hội; do đó, bản chất bắt buộc của học tập cũng có thể được coi là sự bảo vệ cá nhân, trong trường hợp này thường là bảo vệ trẻ em, vì nó có nghĩa vụ là cha mẹ không thể ngăn cản việc học tập của con trẻ. Như vậy, không có bất cứ lý do nào là hợp lý, kể cả khó khăn về kinh tế hay tình trạng khuyết tật của trẻ, được phép đưa ra để cản trở trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tiếp cận với giáo dục.
Bản chất của yêu cầu miễn phí rất rõ ràng. Yếu tố miễn phí cần phải được hiểu là không thu phí, nhưng nó cũng có thể được hiểu rộng hơn, nói một cách khác là việc cung cấp từ phía nhà trường phải là miễn phí. Các loại phí do quy định của các chính phủ, chính quyền địa phương hay trường học và những chi phí gián tiếp khác tạo ra rào cản ngăn trở việc thụ hưởng quyền này và có thể làm nguy hại đến việc thực thi quyền này. Các loại chi phí này cũng thường có tác dụng ngược lại. Vấn đề loại bỏ các chi phí này phải được đưa vào Kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục tiểu học. Các chi phí gián tiếp, ví dụ như các khoản phí bắt buộc với phụ huynh (đôi khi các khoản phí này được mô tả là tự nguyện nhưng trong thực tế thì không), hay quy định phải mặc đồng phục tương đối đắt tiền có thể coi là những loại chi phí cần phải loại bỏ. Bởi đây chính là một rào cản lớn với những trẻ em sống trong đói nghèo với hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.
1.1. Tính sẵn có:
Khía cạnh “sẵn có” yêu cầu các nhà nước đảm bảo sự tồn tại về mặt pháp lý, tức là sự công nhận trong pháp luật với một lợi ích được thụ hưởng và sự tồn tại trong thực tế của lợi ích được thụ hưởng ấy. Với quyền được giáo dục thì đó là sự tồn tại của các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục với đội ngũ giáo viên được trả lương cạnh tranh và có trang thiết bị dạy học.
Tính sẵn có thể hiện ở chỗ có đủ số lượng trường tiểu học với đủ lớp học và giáo viên đáp ứng nhu cầu học học sinh. Các cơ sở vật chất như nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, khu vực vui chơi cũng cần được đáp ứng. Việc không có đủ trường học, lớp học hay giáo viên dẫn đến tình trạng quá nhiều học sinh trong một lớp học và quá nhiều lớp học trong một trường học và chất lượng học tập không được đảm bảo. Tệ hơn nữa là trẻ em không được đi học vì không có trường lớp hay giáo viên. Lương giáo viên tiểu học quá thấp cũng là một rào cản cho việc đạt được giáo dục có chất lượng.
Bình luận chung số 13 năm 1999 của Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) giải thích rằng mọi hình thức giáo dục phải có được đặc tính sẵn có. Các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục vận hành đầy đủ về số lượng trong phạm vi tài phán của các quốc gia thành viên. Những điều kiện để những cơ sở và chương trình giáo dục này có thể vận hành tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện phát triển của môi trường. Ví dụ, tất cả các cơ sở và chương trình giáo dục có thể đều cần có trường lớp, cơ sở vật chất tiếp cận với trẻ em khuyết tật, giáo viên được đào tạo để dạy trẻ em khuyết tật và được trả lương cạnh tranh.
1.2. Tính có thể tiếp cận:
Khía cạnh “có thể tiếp cận” có nền tảng là nguyên tắc không phân biệt đối xử hay là mọi người đều có khả năng tiếp cận, được Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa diễn giải qua bốn yếu tố liên kết với nhau: i) không phân biệt đối xử; ii) tiếp cận được về mặt thể chất; iii) tiếp cận được về mặt tài chính (mọi người đều có khả năng chi trả); iv) tiếp cận được về mặt thông tin (mọi người đều có thể tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin về quyền được thụ hưởng đó).
Thứ nhất, các lợi ích được thụ hưởng từ các quyền trong Công ước, cụ thể ở đây là trường học, chương trình học, đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học, phải là tiếp cận được với tất cả mọi người và không có sự phân biệt đối xử, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương.
Thứ hai, tính chất “tiếp cận được về mặt thể chất” bao gồm hai khía cạnh: các quyền lợi cần phải phù hợp về mặt thể chất với mọi người, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.
Thứ ba, yếu tố “tiếp cận được về mặt tài chính” nghĩa là mọi người đều có khả năng chi trả chi phí để tiếp cận các quyền lợi được thụ hưởng mà không phải đánh đổi những nhu cầu tối thiểu khác, hay chi phí của các dịch vụ cơ bản không trở thành rào cản hoặc gánh nặng tài chính của trẻ em, nhất là với những trẻ dễ bị tổn thương như trẻ em trong các gia đình nghèo, gia đình di cư. Đặc biệt, với vấn đề giáo dục thì giáo dục tiểu học phải là miễn phí với mọi trẻ em và các quốc gia có nghĩa vụ từng bước làm cho giáo dục trung học trở thành miễn phí.
Thứ tư, “tiếp cận về mặt thông tin” có nghĩa là mọi trẻ em đều có quyền tìm kiếm, thu thập và truyền bá thông tin về các chương trình giáo dục và quyền được giáo dục của trẻ em.
1.3. Tính chấp nhận được:
Với quyền về giáo dục, “chấp nhận được” là về mặt chất lượng của cả hình thức, nội dung và phương pháp giáo dục. Chương trình và phương pháp giảng dạy phải chấp nhận được, nghĩa là, phù hợp, chấp nhận được về mặt văn hóa và có chất lượng tốt với học sinh, và trong các trường hợp cần thiết, với cha mẹ học sinh. Chấp nhận được về mặt văn hóa cũng là một tiêu chuẩn định tính được sử dụng khi giải thích nội hàm của quyền về giáo dục. Vừa tôn trọng khía cạnh văn hóa và giá trị phi vật chất gắn liền với những dịch vụ giáo dục, đồng thời bảo vệ các quyền con người. Nguyên tắc này liên quan đến quyền được lựa chọn loại hình giáo dục phù hợp với bản thân trẻ và trẻ được tự do không bị bắt buộc học những nội dung không phù hợp với tín ngưỡng của mình. Nguyên tắc này áp dụng với mục tiêu và mục đích của giáo dục quy định trong Điều 13 khoản 1 và với tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu mà các quốc gia thành viên có thể thông qua theo Điều 13 (3) và (4) ICESCR. Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng với trẻ em trong những gia đình di cư bởi sự thay đổi nơi sinh sống, làm việc.
1.4. Tính thích ứng:
Tính thích ứng hay là thích nghi được yêu cầu giáo dục phải linh hoạt để có thể thích nghi với những biến đổi của xã hội và cộng đồng, và đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong các hoàn cảnh đa dạng về xã hội và văn hóa của họ. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội ngày càng nhiều biến động, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng rộng, trẻ em dễ bị tổn thương càng gặp nhiều rào cản trong cuộc sống và cả tiếp cận giáo dục. Các nhà nước cần nhiều nỗ lực hơn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cơ bản của những trẻ em này.
Việc diễn giải và áp dụng các đặc tính sẵn có, có thể tiếp cận, chấp nhận được và thích nghi được phải dựa trên nguyên tắc căn cứ vào lợi ích tốt nhất của người học. Bốn đặc tính này yêu cầu các nhà nước phải cam kết và nỗ lực trong việc tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo và thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
2. Nghĩa vụ thực hiện quyền được giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam:
Năm 1982, Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Với tư cách là một quốc gia thành viên của công ước, nghĩa vụ của Việt Nam về quyền giáo dục, theo giải thích của CESCR tại Bình luận chung số 13, bao gồm nghĩa vụ tức thời bảo đảm không có sự phân biệt dựa trên bất kỳ cơ sở nào trong việc thực thi quyền về giáo dục và liên tục cải thiện việc hiện thực hóa quyền này một cách đầy đủ. Ủy ban cũng lưu ý rằng việc thực hiện từng bước quyền về giáo dục không có nghĩa là các quốc gia thành viên có thể trì hoãn nghĩa vụ này, mà phải “xúc tiến nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể”, và bất kỳ sự thoái lui nào trong việc thực thi quyền này đều khiến các quốc gia thành viên phải chứng minh rằng biện pháp thoái lui đã cân nhắc kỹ lưỡng với tất cả các phương án có thể, trên cơ sở cân bằng với các quyền khác và với tối đa mọi nguồn lực sẵn có. Đồng thời, cũng giống như tất cả các quyền con người khác, quyền về giáo dục xác định ba mức nghĩa vụ của các quốc gia thành viên về tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.
Nghĩa vụ tôn trọng trong quyền giáo dục đòi hỏi Việt Nam tránh ban hành và thực hiện các chính sách cản trở việc thụ hưởng quyền về giáo dục. Nghĩa vụ bảo vệ trong quyền về giáo dục đòi hỏi Việt Nam phải có biện pháp không cho bên thứ ba ngăn trở việc thụ hưởng quyền này. Nghĩa vụ hỗ trợ yêu cầu Việt Nam phải cung cấp các quyền thụ hưởng về giáo dục như quy định trong các Điều 13 và 14 ICESCR.
Các nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia thành viên, bao gồm Việt Nam, trong quyền về giáo dục, theo giải thích của CESCR, gồm có: i) Nghĩa vụ bảo đảm hệ thống giáo dục và chương trình giáo dục hướng đến mục tiêu của giáo dục như nêu trong khoản 1 Điều 13 ICESCR, bao gồm việc thiết lập và vận hành một hệ thống minh bạch và hiệu quả để giám sát việc định hướng theo mục tiêu này; ii) Nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện theo bốn yếu tố quan trọng của giáo dục (sẵn có, tiếp cận được, chấp nhận được và thích nghi được theo quy định ở khoản 2 Điều 13 ICESCR), ví dụ như tôn trọng tính sẵn có của hệ thống tư giáo dục tư nhân bằng cách không đóng cửa trường tư; bảo vệ người học không bị ngăn cản không cho đi học của bên thứ ba (bao gồm cả cha mẹ và người sử dụng lao động); không ngăn cản trẻ em gái đi học và thực hiện các biện pháp tích cực như cung cấp cơ sở vật chất và nhân lực cho giáo dục (tính sẵn có), nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục của mọi người, hay cải thiện chất lượng, tính phù hợp và tính thích nghi được của giáo dục; (iii) Theo điểm a khoản 2 Điều 13 ICESCR, nghĩa vụ thiết lập hệ thống giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí; (iv) Theo điểm b, d khoản 2 điều 13 ICESCR, nghĩa vụ xây dựng và thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia với những định hướng cụ thể cho giáo dục trung học, giáo dục đại học và giáo dục cơ sở theo nguyên tắc của Công ước, chiến lược này phải có những chỉ số và dấu mốc cụ thể để có thể đo đếm việc liên tục thực hiện từng bước tiến đến thực thi đầy đủ quyền về giáo dục; v) Nghĩa vụ thiết lập hệ thống học bổng để hỗ trợ những nhóm thiệt thòi nhất theo khoản 2 điều 13 ICESCR; vi) Nghĩa vụ thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu theo khoản 3 và 4 điều 13 ICESCR; vii) Nghĩa vụ bảo đảm rằng cộng đồng và gia đình không phụ thuộc vào lao động trẻ em; và vii) Nghĩa vụ với quyền về giáo dục trong hợp tác và hỗ trợ quốc tế. Trong đó, các nghĩa vụ cơ bản tối thiểu của các quốc gia thành viên đó là: 1) Đảm bảo quyền được tiếp cận với các cơ sở và chương trình giáo dục công trên cơ sở không phân biệt đối xử; ii) Đảm bảo mục tiêu giáo dục phù hợp với những mục tiêu được nêu ở khoản 1 Điều 13; iii) Đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí; iv) Thông qua và thực hiện chiến lược giáo dục quốc gia bao gồm việc đảm bảo và các cấp giáo dục trung học, bậc cao và căn bản; v) Đảm bảo tự do lựa chọn giáo dục mà không có sự can thiệp của nhà nước hoặc bên thứ ba, miễn là phù hợp với những tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu được quy định tại khoản 3 và 4 Điều 13 ICESCR
Một số vi phạm với Điều 13 được Ủy ban đưa ra ví dụ như: Việc ban hành hoặc không loại bỏ các quy định pháp luật có tính phân biệt đối xử với các cá nhân hoặc các nhóm trong lĩnh vực giáo dục dựa trên bất kỳ cơ sở nào; thất bại trong việc thực hiện các biện pháp giải quyết tình trạng phân biệt đối xử về giáo dục trong thực tế; sử dụng chương trình học không nhất quán với các mục tiêu đưa ra trong khoản 1 điều 13 ICESCR; thất bại trong việc duy trì một cơ chế minh bạch và hiệu quả để giám sát theo khoản 1 điều 13 ICESCR; thất bại trong việc áp dụng, như một ưu tiên, phổ cập giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí với mọi người; thất bại trong việc thực hiện các biện pháp được cân nhắc kỹ lưỡng, cụ thể và có trọng tâm để từng bước thực hiện giáo dục trung học, đại học và giáo dục căn bản theo điểm b đến d khoản 2 điều 13 ICESCR. CRC yêu cầu các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, phải ưu tiên xem xét, giải quyết lợi ích của trẻ em trong mọi hoạt động trực tiếp và gián tiếp liên quan đến trẻ, bao gồm cả các hoạt động hoạch định chính sách, lập pháp, hành pháp và tư pháp (Điều 9, 18, 20 và 21 Công ước). CRC cũng nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải huy động tối đa các nguồn lực sẵn có để bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của trẻ em, cũng như phải huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội vào việc đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
CRC cũng quy định một cơ chế giám sát thực thi công ước mà các quốc gia đều phải tuân thủ. Theo đó, các quốc gia sẽ phải trình báo cáo về việc thực thi Công ước cho Ủy ban quyền trẻ em sau 2 năm kể từ khi ký kết Công ước, và tiếp theo là theo định kỳ 5 năm.