Nghị quyết 58/NQ-CP năm 2017 đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ tư pháp do chính phủ ban hành
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN CƯ THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TƯ PHÁP
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Giao Bộ Tư pháp căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua tại Điều 1 Nghị quyết này, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều 3. Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp khó khăn, vướng mắc của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN CƯ THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ)
NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA
LĨNH VỰC LÝ LỊCH TƯ PHÁP
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
a) Bỏ bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam).
b) Bổ sung việc nộp bản sao thẻ căn cước công dân khi thực hiện thủ tục (trường hợp người có yêu cầu cấp Phiếu là công dân Việt Nam lựa chọn thẻ căn cước công dân khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu).
c) Tại
– Bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Giới tính; Quốc tịch; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Họ tên cha: …….Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên mẹ: ……..Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên vợ/chồng: ………….. Ngày, tháng, năm sinh” đối với người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam.
– Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Họ tên cha: ………….. Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên mẹ: ………….. Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên vợ/ chồng: ………….. Ngày, tháng, năm sinh” đối với người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
– Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào trường thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”.
d) Tại Mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (dùng cho cá nhân trong trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cá nhân là cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2) – Mẫu số 04/2013/TT-LLTP:
– Đối với phần khai dành cho người được ủy quyền: Bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Giới tính; Địa chỉ” trong trường hợp người được ủy quyền là công dân Việt Nam và bỏ thông tin về “Nơi sinh” trong trường hợp người được ủy quyền là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
– Đối với phần khai dành cho người ủy quyền: Bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Giới tính; Quốc tịch; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú” trong trường hợp người ủy quyền là công dân Việt Nam và bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú” trong trường hợp người ủy quyền là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
– Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào trường thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”.
đ) Bổ sung lựa chọn xuất trình thẻ căn cước công dân bên cạnh Giấy CMND/Hộ chiếu trong trường hợp người được ủy quyền là công dân Việt Nam.
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam
a) Bổ sung lựa chọn xuất trình thẻ căn cước công dân bên cạnh Giấy CMND/Hộ chiếu trong trường hợp người được ủy quyền là công dân Việt Nam.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Họ tên cha: …………….. Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên mẹ:…………….. Ngày/tháng/năm sinh; Họ tên vợ/chồng:…………….. Ngày, tháng, năm sinh” tại Mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (dùng cho cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp) – Mẫu số 03/2013/TT-LLTP.
c) Tại Mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp (dùng cho cá nhân trong trường hợp ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và cá nhân là cha, mẹ của người chưa thành niên yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2) – Mẫu số 04/2013/TT-LLTP:
– Đối với phần khai dành cho người được ủy quyền: Bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Giới tính; Địa chỉ” trong trường hợp người được ủy quyền là công dân Việt Nam và bỏ thông tin về “Nơi sinh” trong trường hợp người được ủy quyền là người nước ngoài.
– Đối với phần khai dành cho người ủy quyền hoặc người chưa thành niên: Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú”.
– Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào trường thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”.
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan tiến hành tố tụng (đối tượng là công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam) và thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan tiến hành tố tụng (đối tượng là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam)
Tại Mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 dùng cho cơ quan tiến hành tố tụng – Mẫu số 05b/2013/TT-LLTP:
– Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào trường thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”;
– Đối với đối tượng là công dân Việt Nam, bỏ thông tin về “Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Quốc tịch; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Họ và tên vợ (chồng); Họ và tên cha; Họ và tên mẹ”;
– Đối với đối tượng là người nước ngoài, bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú; Họ và tên vợ (chồng); Họ và tên cha; Họ và tên mẹ”.
Thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (đối tượng là công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) và thủ tục Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (đối tượng là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam)
Tại Mẫu văn bản yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 dùng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – Mẫu số 05a/2013/TT-LLTP:
– Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào trường thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”;
– Đối với đối tượng là công dân Việt Nam, bỏ thông tin về “Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Quốc tịch; Dân tộc; Nơi thường trú; Nơi tạm trú”.
LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI
Thủ tục Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước
a) Đối với hồ sơ của người nhận con nuôi:
– Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
– Bỏ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Đối với hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
– Bỏ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
– Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
c) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước) – TP/CN-2014/CN.02 và Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (Mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) – TP/CN-2011/CN.06.
Thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
a) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
– Bỏ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
– Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (Mẫu TP/CN-2014/02).
Thủ tục Giải quyết việc người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi
a) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
– Bỏ Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
– Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (Mẫu TP/CN-2014/C02).
Thủ tục Cấp giấy xác nhận công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới đủ điều kiện nhận trẻ em nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới làm con nuôi
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi:
– Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
– Bỏ Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước) – TP/CN-2014/CN.02 và Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (Mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) – TP/CN-2011/CN.06.
Thủ tục Đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi:
– Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
– Bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi: Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
c) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước) – TP/CN-2014/CN.02 và Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (Mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) – TP/CN-2011/CN.06.
Thủ tục Cấp giấy xác nhận người Việt Nam đủ điều kiện nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi
a) Hồ sơ của người nhận con nuôi:
– Bổ sung lựa chọn nộp bản sao thẻ căn cước công dân bên cạnh chứng minh nhân dân/hộ chiếu của người nhận con nuôi.
– Bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (Bản sao nếu là Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc”, bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (dùng cho trường hợp nuôi con nuôi trong nước) – TP/CN-2014/CN.02 và Tờ khai hoàn cảnh gia đình của người nhận con nuôi (Mẫu sử dụng cho người nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) – TP/CN-2011/CN.06.
Thủ tục Giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong trường hợp con riêng, cháu ruột, người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ 12 tháng trở lên
a) Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi:
Bỏ Giấy chứng tử của cha mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của trẻ em đã chết đối với trẻ em mồ côi; Quyết định của Tòa án tuyên bố cha mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha mẹ đẻ mất tích.
b) Bỏ thông tin về “Nơi sinh; Dân tộc” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của người được giới thiệu làm con nuôi tại mẫu Đơn xin nhận con nuôi (Mẫu TP/CN-2014/C02).
Thủ tục Đăng ký lại việc nuôi con nuôi trong nước
Bỏ thông tin “Ngày, tháng, năm sinh; Nơi sinh; Dân tộc; Quốc tịch; Nơi thường trú” và bổ sung thông tin về số căn cước công dân của cha mẹ nuôi, con nuôi, bên giao con nuôi tại mẫu Tờ khai đăng ký lại việc nuôi con nuôi (Mẫu TP/CN-2011/CN.04).
Thủ tục Cấp giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài
Trong lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi là người Việt Nam bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân. Cá nhân có thể lựa chọn khai hoặc không khai các trường thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, quy định rõ lý lịch cá nhân không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai.
Thủ tục Sửa đổi giấy phép hoạt động cho tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thay đổi người đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam
Trong lý lịch cá nhân của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi là người Việt Nam bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân. Cá nhân có thể lựa chọn khai hoặc không khai các trường thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, quy định rõ lý lịch cá nhân không bắt buộc phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, người khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai.
III. LĨNH VỰC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (THADS)
Thủ tục Bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (gồm lãnh đạo Tổng cục, Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS, Phó Cục trưởng Cục THADS, lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục THADS, Chi cục trưởng Chi cục THADS, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS)
Trường hợp bổ nhiệm nhân sự tại chỗ: Bỏ Sơ yếu lý lịch trong hồ sơ bổ nhiệm.
2. Thủ tục Bổ nhiệm lại công chức, viên chức lãnh đạo quản lý của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (gồm lãnh đạo Tổng cục, Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục, Cục trưởng Cục THADS, Phó Cục trưởng Cục THADS, lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục THADS, Chi cục trưởng Chi cục THADS, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS)
Bỏ Sơ yếu lý lịch trong hồ sơ bổ nhiệm lại.
Thủ tục Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
Bỏ quy định nộp “giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú”.
LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Thủ tục Cấp mã số khách hàng thường xuyên và cấp tài khoản đăng ký trực tuyến cho khách hàng thường xuyên (đối với cá nhân)
a) Bỏ các giấy tờ xác định tư cách pháp lý trong thành phần hồ sơ.
b) Bổ sung thông tin về số căn cước công dân trong Đơn yêu cầu đăng ký khách hàng thường xuyên.
Thủ tục Thay đổi thông tin về khách hàng thường xuyên (đối với cá nhân)
a) Bỏ các giấy tờ xác định tư cách pháp lý trong thành phần hồ sơ
b) Bổ sung thông tin về số căn cước công dân trong Đơn yêu cầu thay đổi thông tin về khách hàng thường xuyên.
LĨNH VỰC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC
Thủ tục Giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
Trường hợp người bị thiệt hại chết mà người thừa kế của người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường thì người yêu cầu bồi thường nộp bản sao thẻ căn cước công dân mà không phải nộp các giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ đối với người bị hại như hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.
Thủ tục Giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
Trường hợp người bị thiệt hại chết mà người thừa kế của người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường thì người yêu cầu bồi thường nộp bản sao thẻ căn cước công dân mà không phải nộp các giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ đối với người bị hại như hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.
LĨNH VỰC CHỨNG THỰC
Nhóm thủ tục: Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản; Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà di sản là động sản; Chứng thực văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản; Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, quyền sử dụng đất, nhà ở; Chứng thực di chúc; Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản; Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà di sản là động sản, quyền sử dụng đất, nhà ở; Chứng thực văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản, quyền sử dụng đất, nhà ở; Sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch
Bỏ quy định người yêu cầu chứng thực (trường hợp là người Việt Nam) nộp bản sao giấy tờ tùy thân khi thực hiện thủ tục chứng thực.
VII. LĨNH VỰC QUỐC TỊCH
Thủ tục Thông báo có quốc tịch nước ngoài
Bãi bỏ thủ tục này.
Thủ tục Xin nhập quốc tịch Việt Nam
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ:
– Giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch (cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người đó dưới 18 tuổi; cha, mẹ, vợ, chồng, con – là công dân Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam).
– Giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Thủ tục Xin thôi quốc tịch Việt Nam
Đối với người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước thì không yêu cầu nộp các giấy tờ như bản sao Giấy khai sinh hoặc Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam.
Thủ tục Xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Đối với người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước thì không yêu cầu xuất trình hoặc nộp các giấy tờ sau:
– Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam như bản sao Giấy khai sinh, bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam; giấy tờ khác có liên quan có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam;
– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam theo điểm b khoản 1 Điều 23 về việc có cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng hoặc con đẻ là công dân Việt Nam (Giấy khai sinh của cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng hoặc con đẻ, Giấy đăng ký kết hôn với vợ, chồng là công dân Việt Nam).
Thủ tục Cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam
Người xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, gồm: Giấy khai sinh, trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha, mẹ; Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam.
Thủ tục Cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Người xin xác nhận là người gốc Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Vệt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.
VIII. LĨNH VỰC HỘ TỊCH
Thủ tục Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Bãi bỏ thủ tục này.
Thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài
Bỏ quy định về xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn).
Thủ tục Đăng ký kết hôn, Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Bỏ quy định nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam).
Nhóm thủ tục: Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký lại kết hôn có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài; Đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận, cha, mẹ con có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; Đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài; Đăng ký chấm dứt giám hộ có yếu tố nước ngoài; Thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; Ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; Ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; Ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (khai sinh; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; khai tử; thay đổi hộ tịch); Đăng ký lại khai sinh có yếu tố nước ngoài; Đăng ký lại khai tử có yếu tố nước ngoài; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký khai tử; Đăng ký khai sinh lưu động; Đăng ký kết hôn lưu động; Đăng ký khai tử lưu động; Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký nhận, cha, mẹ con có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký khai tử có yếu tố nước ngoài tại khu vực biên giới; Đăng ký giám hộ; Đăng ký chấm dứt giám hộ; Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch; Đăng ký lại khai sinh; Đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân; Đăng ký lại kết hôn; Đăng ký lại khai tử.
– Bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
– Giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin trong 19 mẫu Tờ khai ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tư pháp theo hướng thông tin về công dân Việt Nam trong các Tờ khai chỉ yêu cầu cung cấp họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
LĨNH VỰC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Thủ tục Yêu cầu trợ giúp pháp lý
Bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân, bỏ trường thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc tại mẫu “Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý”.
Thủ tục Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý
Mẫu hóa mẫu “Đơn đề nghị thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tục Khiếu nại về từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, không thực hiện trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý
Mẫu hóa mẫu “Đơn khiếu nại về từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, không thực hiện trợ giúp pháp lý, thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tục Công nhận và cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Bổ sung trường thông tin về số căn cước công dân, bỏ trường thông tin ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch tại mẫu “Đơn đề nghị làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý”.
Thủ tục Cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Mẫu hóa mẫu “Đơn đề nghị cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
LĨNH VỰC CÔNG CHỨNG
Nhóm thủ tục: Bổ nhiệm công chứng viên; Bổ nhiệm lại công chứng viên; Công nhận tương đương đối với người được đào tạo nghề công chứng ở nước ngoài; Đăng ký tập sự hành nghề công chứng; Đăng ký tập sự lại hành nghề công chứng sau khi chấm dứt tập sự hành nghề công chứng; Đăng ký tập sự hành nghề công chứng trong trường hợp người tập sự thay đổi nơi tập sự sang tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
Sửa đổi mẫu “Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên (mẫu TP-CC-03)”; mẫu “Đơn đề nghị bổ nhiệm lại công chứng viên (TP-CC-05)”; mẫu “Giấy đề nghị công nhận tương đương đào tạo nghề công chứng (mẫu TP-CC-01)”; mẫu “Giấy đăng ký tập sự hành nghề công chứng (mẫu TP-TSCC-01)” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhóm thủ tục: Thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng sang tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác
Mẫu hóa “Đơn đề nghị thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng”. Mẫu đơn gồm hai phần: Thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, đối với thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú), đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thủ tục Đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên
a) Bổ sung nộp bản sao có chứng thực hoặc bản chụp xuất trình bản chính để đối chiếu thẻ căn cước công dân của công chứng viên và bỏ quy định nộp Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của công chứng viên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở.
b) Thay thông tin nơi cư trú bằng thông tin về số căn cước công dân của công chứng viên tại mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên (mẫu TP-CC-06)”.
LĨNH VỰC LUẬT SƯ
Nhóm thủ tục: Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với người được miễn tập sự hành nghề luật sư; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư trong trường hợp Chứng chỉ hành nghề luật sư bị mất, bị rách, bị cháy hoặc vì lý do khác không cố ý; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm a, b, c, e và k khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm d và đ khoản 1 Điều 18 của Luật Luật sư; Cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư đối với những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư quy định tại các điểm g, h và i khoản 1 Điều 18 của Luật luật sư; Đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư; Đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân; Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư.
Sửa đổi mẫu “Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (mẫu TP-LS-01)”; mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (mẫu TP-LS-04)”; mẫu “Đơn đề nghị đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân”; mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của Văn phòng luật sư, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên (mẫu TP-LS-02)”; mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (mẫu TP-LS-03)”; mẫu hóa “Đơn đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
XII. LĨNH VỰC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
Nhóm thủ tục: Cấp giấy phép thành lập Trung tâm Trọng tài; Đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; Đăng ký hoạt động của Chi nhánh Trung tâm trọng tài
Sửa đổi mẫu “Đơn đề nghị thành lập trung tâm trọng tài (mẫu số 02/TP-TTTM)”; mẫu “Đơn đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài (mẫu số 04/TP-TTTM)”; mẫu “Đơn đăng ký hoạt động Chi nhánh của Trung tâm trọng tài (mẫu số 05/TP-TTTM)” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
XIII. LĨNH VỰC TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Nhóm thủ tục: Đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật; Đăng ký hoạt động chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật; Cấp thẻ tư vấn viên pháp luật; Cấp lại thẻ tư vấn viên pháp luật
Sửa đổi mẫu “Đơn đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu TP-TVPL-01)”; mẫu “Đơn đăng ký hoạt động chi nhánh của Trung tâm tư vấn pháp luật (mẫu TP-TVPL-02)”; mẫu “Giấy đề nghị cấp thẻ tư vấn viên pháp luật (Mẫu TP-TVPL-05)” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
XIV. LĨNH VỰC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
Thủ tục Cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá và thủ tục Cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá
Sửa đổi mẫu “Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá (mẫu số 05)”; mẫu “Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá (mẫu số 06)” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
LĨNH VỰC QUẢN TÀI VIÊN
Nhóm thủ tục: Cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên đối với luật sư, kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên; Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân (đối với trường hợp cá nhân có quốc tịch Việt Nam); Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Sửa đổi mẫu “Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên (mẫu TP-QTV-01)”; mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân (mẫu TP-QTV-04)”; mẫu “Giấy đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (mẫu TP-QTV-05)” theo hướng: Mẫu đơn bao gồm 02 phần là phần thông tin cơ bản về công dân và thông tin chuyên ngành, trong đó, thông tin cơ bản về công dân, mẫu đơn, tờ khai chỉ bao gồm 3 nội dung cơ bản về họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú); đối với 12 trường thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp và tự khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
TRÁCH NHIỆM THỰC THI PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA
ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT, NGHỊ ĐỊNH
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sau đây, trình Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành:
Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1, 2 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Luật Nuôi con nuôi năm 2010 để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Mục II Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 2, 3, 4 Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nuôi con nuôi để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 9, 10 Mục II Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 2 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
6. Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1 Mục VI Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1, 2, 4 Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 1 Mục XV Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ HOẶC BÃI BỎ CÁC THÔNG TƯ, THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thông tư, thông tư liên tịch dưới đây:
Thông tư số 16/2013/TT-BTP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp; Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 3, 4, 5, 6 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi; Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Mục II Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 2 Mục III Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 3 Mục III Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án; Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Thông tư số 08/2014/TT-BTP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2011/TT-BTP ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án theo phương thức trực tiếp, bưu điện, fax, thư điện tử tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp và Thông tư số 22/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án; Thông tư số 11/2015/TT-BTP ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2014/TT-BTP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2011/TT-BTP để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 2 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BTC-BQP ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 2 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư liên tịch số 05/2010/TTLT-BTP-BNG-BCA ngày 01 tháng 03 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 5, 6 Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục nêu tại khoản 4 Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 19/2011/TT-BTP ngày 31 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số quy định về thủ tục hành chính của Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008,Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25 tháng 8 năm 2008, Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tư pháp để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục IX Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 2, 3 Mục IX Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 07/2012/TT-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 4, 5 Mục IX Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 3 Mục X Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1, 2 Mục X Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 02/2015/TT-BTP ngày 16 tháng 01 năm 2015 của Bộ Tư pháp quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục XI Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 12/2012/TT-BTP ngày 07 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục XII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 01/2010/TT-BTP ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục XIII Phần A của Phương án đơn giản hóa này.
Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản để thực hiện nội dung đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục XIV Phần A của Phương án đơn giản hóa này./.