Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
NGHỊ QUYẾT
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Để khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Bộ luật tố tụng hình sự;
Căn cứ vào Bộ luật dân sự;
Căn cứ vào Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ hai về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002 – 2007) và năm 2003,
QUYẾT NGHỊ:
MỤC 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các trường hợp được bồi thường thiệt hại
1. Những người thuộc các trường hợp sau đây được bồi thường thiệt hại:
a) Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
b) Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
c) Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
d) Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.
2. Những người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại thì được bồi thường.
Điều 2. Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại
1. Những người thuộc các trường hợp sau đây không được bồi thường thiệt hại:
a) Người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
b) Người bị xử lý về hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung theo các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 1989, ngày 12 tháng 8 năm 1991, ngày 22 tháng 12 năm 1992 và ngày 10 tháng 5 năm 1997, nhưng nay theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự;
c) Những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm.
2. Những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này mà bị tổn hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản do lỗi của chính mình hoặc do sự kiện bất khả kháng thì không được bồi thường thiệt hại đó.
Điều 3. Nguyên tắc giải quyết bồi thường thiệt hại
Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Kịp thời, công khai và đúng pháp luật;
2. Tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan, thân nhân của người bị oan; người bị oan được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
3. Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất theo các quy định tại Nghị quyết này và quy định tại văn bản pháp luật có liên quan;
4. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật;
5. Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan, thân nhân của người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
MỤC 2
KHÔI PHỤC DANH DỰ, XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI
VÀ MỨC BỒI THƯỜNG
Điều 4. Khôi phục danh dự
1. Người bị oan được khôi phục danh dự.
Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan.
2. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
a) Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị oan có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị oan làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị – xã hội mà người bị oan là thành viên;
b) Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định tại khoản 2 Điều này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568