Bảo trì công trình đường bộ là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự làm việc bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong suốt quá trình khai thác, sử dụng. Dưới đây là bài phân tích Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nội dung và đối tượng áp dụng của Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Nghị định 56/2014/NĐ-CP và nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo trì đường bộ:
- 2 2. Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ ở những điểm nào?
- 3 3. Trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quản lý quỹ bảo trì đường bộ:
1. Nội dung và đối tượng áp dụng của Nghị định 18/2012/NĐ-CP và Nghị định 56/2014/NĐ-CP và nguyên tắc hoạt động của quỹ bảo trì đường bộ:
Quỹ bảo trì đường bộ là Quỹ của Nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước. Quỹ được thành lập ở cấp Trung ương gọi là Quỹ trung ương và được thành lập ở cấp tỉnh gọi là Quỹ địa phương.
– Việc thành lập quỹ bảo trì đường bộ được quy định cụ thể như sau:
+ Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý Quỹ và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ trung ương.
+ Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý Quỹ và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ địa phương cho phù hợp do Hội đồng quản lý Quỹ trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và quy chế hoạt động.
– Theo quy định mà Nhà nước đưa ra, hoạt động của quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện theo các nguyên tắc cụ thể sau đây:
+ Nguyên tắc 1: Quỹ bảo trì đường bộ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
+ Nguyên tắc 2: Hoạt động thực hiện quỹ bảo trì đường bộ phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Quỹ bảo trì đường bộ được thực hiện với mục đích phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ; đảm bảo chất lượng cho hoạt động tham gia giao thông của người dân. Đồng thời, Nghị định về quy định trong Quỹ bảo trì đường bộ giúp đảm bảo mọi công tác trong hoạt động quỹ diễn ra chuẩn chỉnh, đạt đúng mục đích, và hạn chế đến mức tối đa những sai phạm xảy ra trong hoạt động quản lý quỹ bảo trì đường bộ, cũng như sử dụng nguồn quỹ này.
2. Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ ở những điểm nào?
Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi một số nội dung của Nghị định 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ như sau:
– Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1 Điều 5 Nghị định 18/2012/NĐ-CP. Theo đó, nội dung sửa đổi được quy định như sau:
Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm:
+ Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự.
+ Phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự sau khi đã trừ đi phần nộp vào ngân sách địa phương để Ủy ban nhân dân cấp xã đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
– Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 1 Điều 6 Nghị định 18/2012/NĐ-CP. Theo đó, nội dung sửa đổi được quy định như sau:
+ Phí sử dụng đường bộ thu được đối với mô tô được nộp vào ngân sách địa phương để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và bổ sung vào Quỹ địa phương.
+ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần nộp vào ngân sách địa phương để cấp chi cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương trong từng thời kỳ. Theo nội dung sửa đổi, việc xác định tỷ lệ phân chia phải cân đối giữa nhu cầu đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và yêu cầu về quản lý bảo trì hệ thống đường địa phương; phù hợp với tình hình thu chi ngân sách địa phương và đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đúng quy định, hiệu quả.
– Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3 Điều 11 Nghị định 18/2012/NĐ-CP. Theo đó, nội dung sửa đổi được quy định như sau:
Đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí, hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ; nội dung sửa đổi quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm); ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm đối với xe mô tô.
– Nghị định 56/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 4 Điều 12 Nghị định 18/2012/NĐ-CP. Theo đó, nội dung sửa đổi được quy định như sau:
+ Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dành toàn bộ hoặc tỷ lệ phân chia nguồn phí thu được đối với mô tô giữa phần chi cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phần bổ sung Quỹ địa phương;
+ Quy định việc quản lý, sử dụng phần phí để lại cho Ủy ban nhân dân cấp xã để đầu tư đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trên đây là các nội dung sửa đổi của Nghị định 56/2014/NĐ-CP so với Nghị định 18/2012/NĐ-CP. Các nội dung sửa đổi này giúp sửa đổi lại những mặt hạn chế trong quy định của Nghị định cũ. Đây là cơ sở giúp hoạt động quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ một cách toàn diện, trơn tru và rõ ràng nhất; hạn chế đến mức tối đa những sai phạm, hạn chế có thể xảy ra.
3. Trách nhiệm của cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc quản lý quỹ bảo trì đường bộ:
– Trách nhiệm của Hội đồng quản lý quỹ
+ Hội đồng quản lý quỹ bảo trì đường bộ có trách nhiệm đề xuất, điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ.
+ Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng, phê duyệt kế hoạch tài chính thu, chi của Quỹ.
+ Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch tài chính thu, chi của Quỹ.
+ Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm quyết toán thu, chi Quỹ theo quy định của pháp luật; quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định.
+ Ngoài ra, hội đồng quản lý quỹ phải có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.
– Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải: Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm trong việc quản lý quỹ bảo trì đường bộ như sau:
+ Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý nhà nước về đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
+ Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ trung ương theo quy định.
+ Chủ trì xem xét đề xuất của Hội đồng quản lý quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu của Quỹ và việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ để ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành là một trong những nhiệm vụ mà Bộ giao thông vận tải cần đảm bảo thực hiện.
+ Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ phân chia nguồn thu phí sử dụng đường bộ giữa Quỹ trung ương và Quỹ địa phương cho phù hợp với từng thời kỳ.
– Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong công tác thực hiện hoạt động quỹ bảo trì đường bộ:
+ Bộ tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn ngân sách trung ương cấp cho Quỹ trung ương.
+ Bộ tài chính phải phối hợp với Bộ Giao thông vận tải kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng Quỹ trung ương theo quy định hiện hành.
+ Bộ tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ; ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe ô tô và khung mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm đối với xe mô tô; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ.
– Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác thực hiện hoạt động quỹ bảo trì đường bộ:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bảo đảm nguồn ngân sách địa phương cấp cho Quỹ địa phương.
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện đối với xe mô tô trong khung mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô do Bộ Tài chính ban hành. Ngoài ra, cơ quan này chịu trách nhiệm tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với mô tô trên địa bàn địa phương.
+ Chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán Quỹ địa phương theo quy định là một trong những nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đảm bảo thực hiện.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 56/2014/NĐ-CP;
Nghị định 18/2012/NĐ-CP.