Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ XÉT TẶNG DANH HIỆU “NGHỆ SĨ NHÂN DÂN”, “NGHỆ SĨ ƯU TÚ”
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Nghị định này áp dụng đối với:
a) Cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở;
b) Cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do;
c) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
2. Cá nhân quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh, truyền hình thuộc các lĩnh vực Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca; Kịch nói; Kịch hình thể; Nhạc kịch; Nhạc vũ kịch; Xiếc; Múa rối; Hát; Múa; Ngâm thơ; Điện ảnh; Truyền hình;
b) Đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca; Kịch nói; Kịch hình thể; Nhạc kịch; Kịch múa; Nhạc vũ kịch; Xiếc; Múa rối; Chương trình nghệ thuật tổng hợp ca múa nhạc; Điện ảnh và truyền hình (các thể loại phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình), sân khấu truyền thanh, truyền hình;
c) Người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu; người làm ánh sáng sân khấu và chương trình nghệ thuật tổng hợp;
d) Biên đạo múa; chỉ huy dàn nhạc; chỉ huy hợp xướng; chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch; chỉ đạo nghệ thuật;
đ) Quay phim điện ảnh và truyền hình các thể loại: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình;
e) Họa sỹ: Tạo hình con rối; động tác phim hoạt hình; thiết kế trang trí sân khấu; hóa trang, phục trang sân khấu, điện ảnh, truyền hình;
g) Phát thanh viên phát thanh, truyền hình hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
3. Các cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này, do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật, đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định này thì được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giải Vàng quốc gia là giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam hoặc giải Huy chương Vàng tại cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
2. Giải Bạc quốc gia là giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam hoặc giải Huy chương Bạc tại cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
3. Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” tại Hội đồng cấp cơ sở.
Điều 4. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”
1. Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
2. Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
3. Bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568