Nghị định này hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản
NGHỊ ĐỊNH
Hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt
và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phá sản ngày 24 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về:
1. Tiêu chí xác định danh mục doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu (sau đây gọi chung là doanh nghiệp đặc biệt).
2. Việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt.
3. Việc thành lập, quy chế tổ chức, hoạt động và giải thể Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, bao gồm cả doanh nghiệp đặc biệt.
4. Việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chí và thuộc danh mục quy định tại các Điều 3, 4 và 5 Chương II của Nghị định này.
2. Tổ quản lý, thanh lý tài sản.
3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chương II
XÁC ĐỊNH DANH MỤC DOANH NGHIỆP ĐẶC BIỆT
VÀ VIỆC ÁP DỤNG LUẬT PHÁ SẢN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẶC BIỆT
Điều 3. Tiêu chí xác định danh mục doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
Doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh áp dụng quy định của Nghị định này là những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí sau đây:
1. Được thành lập để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và bảo đảm bí mật quốc gia.
2. Do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
3. Được Nhà nước đặt hàng hoặc giao kế hoạch ổn định, thường xuyên sản xuất cung ứng một hoặc một số sản phẩm, dịch vụ công ích, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Danh mục A Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
4. Có vị trí quan trọng và việc phá sản đối với doanh nghiệp đó có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội.
Điều 4. Tiêu chí xác định danh mục doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu
Các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc danh mục thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu được áp dụng quy định của Nghị định này phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
1. Trực tiếp cung ứng sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ. Trường hợp cung ứng sản phẩm dịch vụ thiết yếu đối với cộng đồng dân cư của một khu vực lãnh thổ thì phải đáp ứng thêm điều kiện không có doanh nghiệp, hợp tác xã khác cung ứng sản phẩm, dịch vụ đó tại địa bàn.
2. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch theo giá hoặc phí do nhà nước quy định.
Điều 5. Lập và công bố danh mục doanh nghiệp đặc biệt
1. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định này, định kỳ hàng năm hoặc trong trường hợp cần thiết:
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ lập và công bố danh mục doanh nghiệp đặc biệt; bổ sung hoặc xoá tên doanh nghiệp trong danh mục doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và công bố danh mục doanh nghiệp đặc biệt; bổ sung hoặc xoá tên doanh nghiệp trong danh mục doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn do mình quản lý.
2. Đối với các doanh nghiệp thành viên thuộc tổng công ty nhà nước, công ty con thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con hoặc tập đoàn kinh tế thì Hội đồng quản trị của tổng công ty nhà nước hoặc của công ty mẹ thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con hoặc tập đoàn kinh tế lập danh sách các doanh nghiệp thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu và đề nghị Bộ trưởng bộ quản lý các ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận là doanh nghiệp đặc biệt.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568