Nghị định 58/2002/NĐ-CP Ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật
và Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 7 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này:
1. Điều lệ bảo vệ thực vật;
2. Điều lệ kiểm dịch thực vật;
3. Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Nghị định này thay thế Nghị định số 92/CP ngày 27 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ ban hành kèm các Điều lệ: bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
ĐIỀU LỆ BẢO VỆ THỰC VẬT
(Ban hành kèm theo
ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Điều lệ này quy định về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.
Điều 2.
1. Tài nguyên thực vật phải được bảo vệ gồm cây và sản phẩm của cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây làm thức ăn gia súc, cây làm thuốc, cây hoa, cây cảnh và cây có ích khác.
2. Những sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải phòng trừ gồm sâu hại, bệnh hại, cỏ dại gây hại, cây dại gây hại, chuột gây hại, chim gây hại, sinh vật lạ gây hại và sinh vật gây hại khác (gọi chung là sinh vật gây hại).
Điều 3. Việc bảo vệ tài nguyên thực vật phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Tiến hành thường xuyên, đồng bộ lấy biện pháp phòng là chính, phát hiện, diệt trừ phải kịp thời;
2. Kết hợp giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài, giữa lợi ích Nhà nước, tập thể với lợi ích cá nhân và bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội;
3. Việc phòng, trừ sinh vật gây hại phải đạt hiệu quả, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho người, cây trồng, sinh vật có ích, hạn chế ô nhiễm môi trường và giữ gìn cân bằng hệ sinh thái;
4. Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, trong đó coi trọng biện pháp sinh học và kinh nghiệm cổ truyền của nhân dân. Thuốc bảo vệ thực vật hoá học chỉ được dùng khi thật cần thiết và phải tuân theo các quy định của cơ quan bảo vệ thực vật.
Điều 4.
1. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức chỉ đạo hoạt động phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.
2. Tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và mọi cá nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.
3. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật.
Chương II
PHÒNG, TRỪ SINH VẬT GÂY HẠI TÀI NGUYÊN THỰC VẬT
Điều 5. Việc phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, kịp thời trong các hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm, sản xuất, khai thác, chế biến, bảo quản, buôn bán, sử dụng, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và các hoạt động khác liên quan đến tài nguyên thực vật.
Các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật phải được phổ biến, tuyên truyền, huấn luyện sâu rộng trong nhân dân.
Điều 6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật có trách nhiệm sau đây:
1. Điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo và thông báo về khả năng, thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại;
2. Kiểm tra tình hình sinh vật gây hại tài nguyên thực vật và yêu cầu chủ tài nguyên thực vật cung cấp tài liệu và tạo mọi điều kiện cần thiết cho quá trình kiểm tra;
3. Tiến hành hướng dẫn những biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật; lập biên bản về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ thực vật và báo cáo với cấp có thẩm quyền xử lý;
4. Đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất, kinh doanh huy động nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật;
5. Tiến hành khảo sát, thực nghiệm, hướng dẫn việc áp dụng công nghệ bảo vệ thực vật vào sản xuất.
Điều 7. Chủ tài nguyên thực vật có trách nhiệm sau đây:
1. Chủ động kiểm tra, theo dõi, phát hiện và nắm diễn biến của sinh vật gây hại tài nguyên thực vật của mình ở ngoài đồng ruộng và trong kho;
2. Áp dụng các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại như: xử lý giống, vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gieo trồng giống chống chịu sâu bệnh, bón phân, tưới tiêu nước hợp lý và gieo trồng đúng thời vụ;
3. Khi sinh vật gây hại phát sinh tới mức phải trừ thì chủ tài nguyên thực vật có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp vật lý, thủ công, sinh học và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật;
4. Khi phát hiện sinh vật gây hại có khả năng gây tác hại nghiêm trọng đối với tài nguyên thực vật thì phải báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật nơi gần nhất;
5. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật thông báo tình hình sinh vật gây hại trong vùng và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng, trừ.
>>>Luật sư tư vấn qua tổng đài trực tuyến 24/7: 1900.6568 – 1900.6568