Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về việc quy định về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp
NGHỊ ĐINH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc
1. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
2. Phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc và yêu cầu thực tiễn ở địa phương về công tác dân tộc.
3. Tinh gọn, hiệu quả; tổ chức sở, ban, phòng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với chủ trương cải cách hành chính.
Điều 2. Tiêu chí và mô hình tổ chức làm công tác dân tộc ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)
1. Thành lập Ban Dân tộc là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, có con dấu, tài khoản riêng khi có ít nhất một trong ba tiêu chí sau:
a) Có trên 20.000 (hai mươi nghìn) người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản;
b) Có dưới 5.000 (năm nghìn) người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
c) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
2. Đối với những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì tổ chức làm công tác dân tộc theo một trong hai mô hình sau:
a) Ban Dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chịu sự lãnh đạo trực tiếp Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chuyên môn, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc;
b) Sở có chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác dân tộc, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Tiêu chí và mô hình tổ chức làm công tác dân tộc ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện):
Căn cứ đặc điểm, khối lượng công việc quản lý nhà nước về dân tộc trên địa bàn huyện, tổ chức làm công tác dân tộc cấp huyện thực hiện như sau:
a) Thành lập Phòng Dân tộc thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện khi có một trong hai tiêu chí sau:
– Có ít nhất 5.000 (năm nghìn) người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
– Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.
b) Đối với những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chưa đủ các tiêu chí nêu trên thì tổ chức làm công tác dân tộc thực hiện theo mô hình sau:
– Thành lập phòng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có công tác dân tộc và công tác chuyên môn khác có liên quan nhiều đến công tác dân tộc trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nhưng phải bảo đảm số phòng ở cấp huyện theo quy định của Nghị định số 12/2001/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2001 của Chính phủ;
– Bố trí cán bộ chuyên trách công tác dân tộc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hoặc phòng chuyên môn khác hiện có của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Đối với xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn không thành lập tổ chức riêng, nhưng phân công một Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm theo dõi, tổ chức thực hiện công tác dân tộc.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568