Nghị định 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
___________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ); chế độ làm việc và quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng).
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về quản lý ngành, lĩnh vực của Bộ thực hiện theo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ.
3. Các quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ tại Chương III Nghị định này không áp dụng đối với cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
4. Tên của Bộ và tên của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ được dịch tiếng nước ngoài để giao dịch quốc tế theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Điều 2. Vị trí và chức năng của Bộ
Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực.
Điều 3. Bộ trưởng
1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu và lãnh đạo một Bộ; tham gia vào hoạt động của tập thể Chính phủ và các công tác khác của Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, các quy định tại Nghị định này và văn bản pháp luật khác có liên quan; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
2. Người giữ chức vụ cấp phó của Bộ trưởng (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) là người được giao phụ trách, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện một hoặc một số lĩnh vực công tác của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ và Bộ trưởng.
3. Số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá 04 người. Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 04 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568