Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết. Nghị định 27/2010/NĐ-CP được ban hành ngày 24/03/2010 có hiệu lực từ ngày 01/06/2010.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt nội dung Nghị định 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ:
- Nội dung chính:
Huy động lực lượng: Nghị định quy định về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông để tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường.
Nhiệm vụ, quyền hạn: Nghị định quy định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng khi tham gia tuần tra, kiểm soát như:
+ Kiểm tra, xử lý vi phạm: Phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ.
+ Khống chế, áp giải: Trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu tội phạm, lực lượng chức năng có quyền khống chế, áp giải người và phương tiện về cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
+ Hỗ trợ người tham gia giao thông: Cung cấp thông tin, hướng dẫn người tham gia giao thông, giúp đỡ người bị nạn.
Phối hợp: Nghị định quy định về việc phối hợp giữa các lực lượng trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đảm bảo thống nhất và hiệu quả.
Trang thiết bị: Các lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát phải được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
- Điểm mới:
+ Mở rộng phạm vi phối hợp: Không chỉ giới hạn trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Nghị định này còn quy định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp. Điều này giúp tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
+ Linh hoạt trong huy động lực lượng: Nghị định cho phép huy động lực lượng trong các trường hợp cần thiết, tùy thuộc vào tình hình giao thông tại từng địa phương, thời điểm. Điều này giúp lực lượng chức năng chủ động hơn trong việc ứng phó với các tình huống phát sinh.
+ Rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn: Nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng khi tham gia tuần tra, kiểm soát. Điều này giúp tránh tình trạng chồng chéo, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
+ Tăng cường công tác phối hợp liên ngành: Nghị định nhấn mạnh vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trong việc phối hợp với lực lượng chức năng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
- Tóm lại:
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2010, là một công cụ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.27/2010/NĐ-CP
2. Thuộc tính văn bản Nghị định 27/2010/NĐ-CP:
Số hiệu: | 27/2010/NĐ-CP |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Ngày ban hành: | 24/03/2010 |
Ngày công báo: | 01/04/2010 |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày hiệu lực: | 01/06/2010 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Nghị định 27/2010/NĐ-CP có còn hiệu lực không?
Nghị định 27/2010/NĐ-CP được ban hành ngày 24/03/2010 có hiệu lực từ ngày 01/06/2010. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định 27/2010/NĐ-CP:
- Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
Luật giao thông đường bộ 2008 .
5. Toàn văn nội dung Nghị định 27/2010/NĐ-CP của Chính phủ:
CHÍNH PHỦ ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————– |
Số: 27/2010/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC HUY ĐỘNG CÁC LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT KHÁC VÀ CÔNG AN XÃ PHỐI HỢP VỚI CẢNH SÁT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THAM GIA TUẦN TRA, KIỂM SOÁT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Nguyên tắc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
1. Việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết quy định tại Điều 4 Nghị định này và do người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định bằng văn bản.
2. Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải thực hiện theo đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian quy định trong văn bản huy động của cơ quan, người có thẩm quyền.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Những trường hợp cần thiết phải huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Trong thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị – xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn của Nhà nước và địa phương.
2. Các đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hoặc của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.
4. Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông đường bộ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Điều 5. Thẩm quyền huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi từ hai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên.
4. Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng Cảnh sát khác thuộc quyền quản lý và Công an xã phối hợp với Cảnh sát Giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương mình phụ trách.
Điều 6. Trình tự, thủ tục huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Căn cứ các trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 4 Nghị định này thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.
2. Khi nhận được Quyết định hoặc Kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này, Thủ trưởng đơn vị được huy động phải bố trí lực lượng, tổ chức triển khai việc huy động.
Điều 7. Xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt chủ trì, xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội quyết định việc huy động. Kế hoạch đó phải được Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội phê duyệt.
2. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, xây dựng Kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc huy động. Kế hoạch đó phải được Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
3. Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ trì, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trường hợp Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định việc huy động. Kế hoạch đó phải được Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.
Điều 8. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng Cảnh sát giao thông đường bộ phải thực hiện đúng Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự kiểm tra, giám sát của Cảnh sát giao thông đường bộ, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì Cảnh sát giao thông đường bộ xử phạt vi phạm hành chính những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của
2. Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của
Điều 9. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường bộ, các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã khi phối hợp tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ
1. Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường bộ:
a) Chỉ đạo, điều hành việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông;
b) Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
2. Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã:
a) Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của Cảnh sát giao thông đường bộ và theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng;
c) Thống kê, báo cáo các vụ, việc vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đường bộ; kết quả công tác tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo sự phân công trong Kế hoạch đã được phê duyệt.
Điều 10. Trang bị phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã
1. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị còi, gậy chỉ huy giao thông, các biểu mẫu phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã trong thời gian tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hưởng mức bồi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các lực lượng tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2010.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng