Nghị định 133/2015/NĐ-CP quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo.
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC PHỐI HỢP CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI CÁC LỰC LƯỢNG TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ BIÊN GIỚI, BIỂN, ĐẢO; BẢO VỆ AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI Ở CƠ SỞ; BẢO VỆ VÀ PHÒNG, CHỐNG CHÁY RỪNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Biên giới quốc gia ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 07 tháng 4 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển ngày 26 tháng 01 năm 2008;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo tại Khoản 2 Điều 40; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở tại Khoản 2 Điều 41; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng tại Khoản 2 Điều 43; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong phối hợp hoạt động.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ, Kiểm lâm, Kiểm ngư.
2. Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Công an cấp xã.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp hoạt động
1. Đơn vị Dân quân tự vệ phối hợp hoạt động phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp.
2. Đơn vị Dân quân tự vệ phối hợp hoạt động phải đúng nhiệm vụ quy định tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20 của Nghị định này và quy chế, kế hoạch phối hợp.
3. Đơn vị Dân quân tự vệ trong thời gian phối hợp hoạt động chịu sự điều hành, chỉ huy của người đứng đầu đơn vị chủ trì phối hợp.
4. Phối hợp hoạt động phải đoàn kết, thống nhất, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng, công việc nội bộ, giữ bí mật về lực lượng, phương tiện và biện pháp nghiệp vụ của từng lực lượng.
Điều 4. Quy chế phối hợp hoạt động
1. Thẩm quyền ban hành quy chế
a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an cấp tỉnh, Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển, Chi cục Kiểm ngư Vùng, đơn vị Quân đội nhân dân cấp sư đoàn, lữ đoàn và tương đương, đơn vị Công an nhân dân trực thuộc Bộ Công an đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh) xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
b) Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm, Công an cấp huyện, đơn vị Quân đội nhân dân cấp trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc cấp sư đoàn và tương đương trở lên, đơn vị Công an nhân dân trực thuộc Công an cấp tỉnh đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
c) Công an cấp xã có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động cùng ký và tổ chức thực hiện;
d) Các đơn vị Quân đội nhân dân cấp tiểu đoàn, đại đội trực thuộc cấp trung đoàn và tương đương trở lên, Kiểm lâm, đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn có hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ, chủ trì, trao đổi, thống nhất với Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp hoạt động, cùng ký và tổ chức thực hiện;
đ) Một cơ quan, đơn vị có Dân quân tự vệ có thể phối hợp xây dựng quy chế với một hoặc nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì; một cơ quan, đơn vị chủ trì có thể xây dựng quy chế phối hợp với một hoặc nhiều cơ quan, đơn vị có Dân quân tự vệ.
2. Quy chế phối hợp hoạt động gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Căn cứ pháp lý;
b) Quy định chung;
c) Nội dung phối hợp hoạt động;
d) Công tác bảo đảm;
đ) Tổ chức thực hiện;
e) Điều khoản thi hành.
3. Hằng năm, cơ quan, đơn vị chủ trì, Công an cấp xã có trách nhiệm rà soát, thống nhất với cơ quan, đơn vị, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp hoạt động cho phù hợp.
Luật sư
Điều 5. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo
1. Bảo vệ biên giới đất liền
a) Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp tỉnh theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Tư lệnh quân khu;
b) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có biên giới đất liền điều động Dân quân tự vệ trong địa bàn cấp huyện theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh;
c) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã biên giới, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở đứng chân trên địa bàn điều động Dân quân tự vệ thuộc quyền làm nhiệm vụ trong phạm vi của cấp xã, cơ quan, tổ chức theo quy chế phối hợp hoạt động khi được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
2. Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam
a) Tư lệnh Quân chủng Hải quân điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có Dân quân tự vệ biển;
b) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở điều động Dân quân tự vệ biển theo quy chế phối hợp hoạt động với Cảnh sát biển, Kiểm ngư khi được nhất trí của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức cùng cấp.
Điều 6. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở
1. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong trạng thái thường xuyên, trạng thái có tình huống
Thực hiện theo quy chế phối hợp hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Dân quân tự vệ.
2. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Bộ Chỉ huy tình trạng khẩn cấp;
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
c) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Tư lệnh quân khu;
d) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp ở cấp tỉnh và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;
đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) quyết định điều động đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
3. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh giới nghiêm
a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Bộ chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng;
b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng điều động dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam;
c) Chỉ huy trưởng cơ quan quân sự địa phương cấp tỉnh điều động Dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Ban chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng ở quân khu;
d) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện điều động dân quân tự vệ theo lệnh của người đứng đầu Sở chỉ huy tình trạng khẩn cấp về quốc phòng ở cấp tỉnh và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp;
đ) Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, chỉ huy đơn vị tự vệ (nơi không có Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở) quyết định điều động đơn vị Dân quân tự vệ thuộc quyền theo lệnh của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
4. Thẩm quyền điều động Dân quân tự vệ thực hiện Lệnh thiết quân luật
Chủ tịch Ủy ban quân sự cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có quyền quyết định điều động, sử dụng Dân quân tự vệ tại địa bàn thiết quân luật để xử lý các tình huống và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.