Nghị định 129/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ – HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh,
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện các chức năng: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp, công chức hành chính, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước và các đối tượng khác theo quy định của cấp có thẩm quyền, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của hệ thống chính trị; nghiên cứu khoa học lý luận Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và khoa học hành chính.
2. Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Ho Chi Minh National Academy of Politics and Public Adminitration (viết tắt là HCMA).
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Học viện) thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
a) Đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp về: chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; khoa học lãnh đạo chính trị và quản lý nhà nước;
b) Bồi dưỡng, cập nhật những quan điểm, chủ trương và kiến thức mới trong đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; những vấn đề lý luận và thực tiễn mới trong nước và trên thế giới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung cấp, cao cấp;
c) Đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức;
d) Đào tạo, bồi dưỡng các chức danh công chức, viên chức từ chuyên viên chính và tương đương trở lên của hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; bồi dưỡng công chức trước khi bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hành chính nhà nước các cấp;
đ) Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
e) Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên và các đối tượng khác về các chuyên ngành lý luận chính trị, hành chính, quản lý nhà nước và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn;
g) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên truyền, cán bộ lãnh đạo các cơ quan thông tin đại chúng;
h) Đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành cho cán bộ trong hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận, tôn giáo, văn phòng, quản lý hành chính nhà nước;
i) Đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực đào tạo của Học viện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
k) Quản lý, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của Đảng và Nhà nước.
2. Về nghiên cứu khoa học:
a) Nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm của một số đảng cộng sản và các trào lưu tư tưởng trên thế giới; nghiên cứu các khoa học chính trị, khoa học hành chính và quản lý nhà nước, một số ngành khoa học xã hội và nhân văn; tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;
b) Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới;
c) Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung chương trình, nội dung, tổ chức biên soạn, chỉnh lý các giáo trình, tài liệu học tập cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
3. Tham mưu, đề xuất, tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, xây dựng chính sách, đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, cải cách nền hành chính nhà nước.
4. Hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các Bộ, ngành Trung ương trên lĩnh vực khoa học chính trị và hành chính.
5. Hướng dẫn việc nghiên cứu, biên soạn và tham gia thẩm định lịch sử đảng của các địa phương, các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tài liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568