Nghị định 114/2016/NĐ-CP Quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài. Nghị định 114/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 08/07/2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt nội dung Nghị định 114/2016/NĐ-CP của Chính phủ:
- Nội dung chính:
+ Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi: Nghị định quy định mức thu, đối tượng nộp và các trường hợp được miễn, giảm lệ phí khi đăng ký nuôi con nuôi.
+ Lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài: Nghị định quy định về mức thu, thủ tục cấp giấy phép và các quy định liên quan đến hoạt động của các tổ chức này tại Việt Nam.
+ Các quy định khác: Nghị định cũng đề cập đến các vấn đề như điều kiện để được nhận con nuôi, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ của người nuôi con nuôi, tổ chức con nuôi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Điểm mới:
+ Quy định rõ ràng về lệ phí.
+ Quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm lệ phí.
+ Quy định về hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.
+ Tăng cường quản lý nhà nước.
+ Bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
- Tóm lại: Nghị định 114/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, là một văn bản pháp luật quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về nuôi con nuôi tại Việt Nam. Nghị định đã mang đến nhiều điểm mới, tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của trẻ em và quản lý hoạt động nuôi con nuôi một cách hiệu quả.
2. Thuộc tính văn bản Nghị định 114/2016/NĐ-CP:
Số hiệu: | 114/2016/NĐ-CP |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Ngày ban hành: | 08/07/2016 |
Ngày công báo: | 04/08/2016 |
Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Loại văn bản: | Nghị định |
Ngày hiệu lực: | 01/01/2017 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Nghị định 114/2016/NĐ-CP có còn hiệu lực không?
Nghị định 114/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 08/07/2016 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Nghị định 114/2016/NĐ-CP:
Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi;- Văn bản hợp nhất 951/VBHN-BTP năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp ban hành.
5. Toàn văn nội dung Nghị định 114/2016/NĐ-CP của Chính phủ:
CHÍNH PHỦ ——- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 114/2016/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 08 tháng 07 năm 2016 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI, LỆ PHÍ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CON NUÔI NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật nuôi con nuôi ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ
Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định người nộp, cơ quan thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài; miễn, giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí; kinh phí thực hiện giải quyết việc nuôi con nuôi và cấp giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi bao gồm:
a) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước là lệ phí thu đối với trường hợp công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam.
b) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài là lệ phí thu đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam; người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
c) Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là lệ phí thu đối với trường hợp công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
2. Lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài là lệ phí thu đối với tổ chức nước ngoài được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, gia hạn giấy phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 3. Người nộp lệ phí
1. Công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp).
3. Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam thường trú ở Việt Nam phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Sở Tư pháp.
4. Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài nhận con nuôi là người Việt Nam tạm trú ở nước ngoài phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ xin nhận con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
6. Tổ chức con nuôi nước ngoài khi được cấp, gia hạn giấy phép hoạt động tại Việt Nam phải nộp lệ phí theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định này khi nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp).
Điều 4. Trường hợp miễn, giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi
1. Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước đối với các trường hợp sau:
a) Cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi;
b) Người nhận các trẻ em sau đây làm con nuôi: Trẻ khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Luật nuôi con nuôi và văn bản hướng dẫn;
c) Người có công với cách mạng nhận con nuôi.
2. Giảm lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài đối với các trường hợp sau:
a) Cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
b) Nhận hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột làm con nuôi thì từ trẻ em thứ hai trở đi được giảm 50% mức lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài;
c) Trường hợp nhận con nuôi thuộc cả hai trường hợp quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này thì người nộp lệ phí được lựa chọn áp dụng mức giảm lệ phí theo quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản này.
3. Miễn lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp đăng ký lại việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.
Điều 5. Cơ quan thu lệ phí
1. Ủy ban nhân dân cấp xã thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước và lệ phí đối với trường hợp người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi.
2. Sở Tư pháp thu lệ phí đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam.
3. Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; lệ phí cấp, gia hạn giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài.
4. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 6. Mức thu lệ phí
1. Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi:
a) Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước: 400.000 đồng/trường hợp.
b) Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi đối với trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 9.000.000 đồng/trường hợp.
c) Mức thu lệ phí thu đối với trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi là công dân Việt Nam: 4.500.000 đồng/trường hợp.
d) Mức thu lệ phí thu đối với trường hợp người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nước láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới của Việt Nam làm con nuôi: 4.500.000 đồng/trường hợp.
đ) Mức thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: 150 đô la Mỹ/trường hợp. Mức lệ phí này được quy đổi ra đồng tiền của nước sở tại theo tỷ giá bán ra của đồng đô la Mỹ do ngân hàng nơi cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó mở tài Khoản công bố.
2. Mức thu lệ phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức nuôi con nuôi nước ngoài như sau:
a) Lệ phí cấp giấy phép lần đầu: 65.000.000 đồng/giấy phép;
b) Lệ phí cấp gia hạn giấy phép: 35.000.000 đồng/giấy phép.
Điều 7. Chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí
1. Cơ quan thu lệ phí mở tài Khoản tạm thu ngân sách tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp để tổ chức thu tiền lệ phí; hàng tuần, nộp 100% tiền lệ phí thu được vào tài Khoản tạm thu ngân sách tại Kho bạc Nhà nước. Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng, cơ quan thu lệ phí nộp hết số tiền lệ phí thu của tháng liền trước vào ngân sách nhà nước (sau khi đã trừ số tiền lệ phí phải trả lại cho người nộp lệ phí) theo quy định; hàng tháng khai, nộp lệ phí vào ngân sách nhà nước và quyết toán năm theo quy định của pháp luật quản lý thuế. Trường hợp cơ quan thu lệ phí là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì khai, nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp đã thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, nhưng hồ sơ chưa được chuyển tới Sở Tư pháp mà người nhận nuôi con nuôi đề nghị rút hồ sơ thì cơ quan thu lệ phí có trách nhiệm trả lại cho người nộp lệ phí tiền lệ phí đã nộp. Trường hợp người nộp lệ phí tiếp tục xin nhận con nuôi thì số tiền lệ phí đã nộp được bù trừ cho số lệ phí phải nộp đối với hồ sơ sau. Trường hợp không tiếp tục xin nhận con nuôi thì cơ quan thu lệ phí trích từ tài Khoản tạm thu ngân sách tại Kho bạc Nhà nước để trả lại số lệ phí đã nộp cho người nộp lệ phí và được trừ vào số lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước, thực hiện khai và quyết toán lệ phí với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật quản lý thuế.
Điều 8. Kinh phí thực hiện công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam
1. Kinh phí thực hiện công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước.
2. Cơ quan thực hiện giải quyết nuôi con nuôi; cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
3. Kinh phí thực hiện công tác giải quyết việc nuôi con nuôi gồm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ của người nhận con nuôi, hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi; lấy ý kiến của chuyên gia tâm lý, y tế, gia đình, xã hội để đánh giá toàn diện về Điều kiện của người nhận con nuôi và của người được giới thiệu làm con nuôi theo quy định của pháp luật;
b) Kinh phí cho cơ sở trợ giúp xã hội hưởng ngân sách nhà nước trong việc lập hồ sơ trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội đó được giới thiệu làm con nuôi;
c) Chi phí trang trải cho công tác lấy ý kiến của những người liên quan về việc cho trẻ em làm con nuôi, xác minh nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi, hoàn tất thủ tục giao nhận trẻ em được cho làm con nuôi;
d) Thông tin liên lạc, gửi tài liệu, trao đổi thư tín với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết việc nuôi con nuôi;
đ) In ấn, phát hành biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách, lưu trữ, số hóa hồ sơ về nuôi con nuôi;
e) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện việc thu lệ phí, bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các Khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương, trừ chi phí trả lương cho cán bộ công chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định;
g) Chi phí phục vụ cho công tác kiểm tra, theo dõi tình hình phát triển của con nuôi;
h) Chi phí khác phục vụ trực tiếp giải quyết việc nuôi con nuôi.
4. Kinh phí thực hiện công tác cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam gồm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ tổ chức con nuôi nước ngoài xin cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động tại Việt Nam;
b) Phỏng vấn, kiểm tra, đánh giá tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
c) Kiểm tra Điều kiện, tư cách và năng lực pháp lý tổ chức con nuôi nước ngoài tại nước nơi tổ chức được thành lập;
d) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam;
đ) Trực tiếp kiểm tra tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi ở nước ngoài;
e) Chi phí khác phục vụ trực tiếp giải quyết cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 9. Điều Khoản chuyển tiếp
Trường hợp người nộp hồ sơ xin nhận con nuôi đã nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi trong nước hoặc nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài nộp hồ sơ xin cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam đã nộp lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2017 thì việc thu, quản lý, sử dụng lệ phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật nuôi con nuôi.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, cụm từ “lệ phí đăng ký nuôi con nuôi”, “mức thu, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí” tại Khoản 1 Điều 1; cụm từ “Khoản 1 và” tại Khoản 3 Điều 38; quy định tại Khoản 1 Điều 38 và các Điều: 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật nuôi con nuôi hết hiệu lực thi hành.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác nuôi con nuôi và cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc