Nghị định 108/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất về:
1. Điều kiện sản xuất, kinh doanh và Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện; Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Danh mục hóa chất cấm.
2. Danh mục hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm.
3. Danh mục hóa chất phải thực hiện khai báo.
4. Ngưỡng hàm lượng hóa chất nguy hiểm phải xây dựng phiếu an toàn hóa chất.
5. Thông tin về hóa chất.
6. Cơ sở dữ liệu hóa chất và Danh mục hóa chất quốc gia.
7. Trách nhiệm các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý hoạt động hóa chất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hóa chất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
GHS là tên viết tắt của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals).
Danh mục hóa chất quốc gia là danh mục các hóa chất đang sử dụng tại Việt Nam do Chính phủ ban hành.
Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia là cơ sở dữ liệu thông tin về các loại hóa chất được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ Công Thương lưu trữ, cập nhật.
HACCP là tên viết tắt của Hệ thống kiểm soát các điểm tới hạn nhằm quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở chế biến thực phẩm (Hazard Analysis and Critial Control Points).
Chương II
DANH MỤC HÓA CHẤT
Điều 4. Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện, hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và hóa chất cấm
Ban hành kèm theo Nghị định này các danh mục hóa chất theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 19 của Luật Hóa chất, bao gồm:
a) Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện (Phụ lục I);
b) Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh (Phụ lục II);
c) Danh mục hóa chất cấm (Phụ lục III).
Theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hóa chất quy định tại khoản 1 Điều này.
Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có trách nhiệm hướng dẫn việc lập, thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất cấm cho các mục đích đặc biệt phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Điều 5. Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất
Ban hành kèm theo Nghị định này danh mục hóa chất nguy hiểm mà tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định tại Điều 38 của Luật Hóa chất (Phụ lục IV).
Theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hóa chất quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 6. Danh mục hóa chất phải khai báo
Ban hành kèm theo Nghị định này Danh mục hóa chất phải khai báo (Phụ lục V).
Theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hóa chất quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương III
ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT HẠN CHẾ SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SẢN XUẤT KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 7. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong công nghiệp phải có bằng đại học các ngành hóa chất.
Có cán bộ chuyên trách quản lý an toàn hóa chất, lực lượng ứng phó tại chỗ và các trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô và đặc tính hóa chất; có Giấy chứng nhận đăng ký sử dụng hóa chất độc hại có yêu cầu đặc thù chuyên ngành công nghiệp theo quy định tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm 2004 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành công nghiệp chấp nhận.
Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể khác đối với từng loại hóa chất, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.
Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 8. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành y tế
Giám đốc hoặc Phó giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành y tế phải có trình độ chuyên môn và được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với hình thức kinh doanh.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu đạt tiêu chuẩn về Thực hành tốt sản xuất, kinh doanh thuốc theo lộ trình triển khai áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt nêu tại
Cơ sở sản xuất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành y tế phải có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất ngành y tế đảm bảo tiêu chuẩn dược điển và các tiêu chuẩn khác được cơ quan có thẩm quyền ngành y tế chấp nhận.
Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể khác đối với từng loại hóa chất, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cơ sở mua bán hóa chất và sản phẩm hóa chất hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện ngành y tế phải có đủ cơ sở vật chất và năng lực con người đáp ứng các quy định của pháp luật về dược.
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 9. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành thực phẩm
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành thực phẩm phải có bằng đại học các ngành hóa thực phẩm, dược, y tế.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, sản phẩm hóa chất trong ngành thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn HACCP.
Có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất ngành thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành y tế chấp nhận đối với từng lô sản phẩm xuất xưởng.
Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật an toàn cụ thể khác đối với từng loại hóa chất nguy hiểm, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 10. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành hóa chất bảo vệ thực vật
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất (bao gồm cả sang chai, đóng gói) hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành bảo vệ thực vật phải có bằng đại học các ngành hóa chất, nông nghiệp và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo
Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành bảo vệ thực vật phải đáp ứng các quy định tại Chương II Điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ.
Có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất ngành thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành nông nghiệp chấp nhận đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật an toàn cụ thể khác đối với từng loại hóa chất nguy hiểm, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000 trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.
Tổ chức, cá nhân mua bán hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành bảo vệ thực vật phải có Chứng chỉ hành nghề và các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy định tại Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 11. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện ngành hóa chất thú y.
Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành thú y phải có bằng đại học các ngành hóa chất, nông nghiệp, dược phẩm.
Có đăng ký kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y.
Có địa điểm, cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất, bảo quản đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại
Có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất ngành thú y đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành nông nghiệp chấp nhận đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể khác đối với từng loại hóa chất, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân mua bán hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành thú y phải có cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định tại Pháp lệnh Thú y và Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các quy định tại Điều này.
Điều 12. Điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất, sản phẩm hóa chất hạn chế kinh doanh theo các ngành nghề tương ứng ngoài việc đảm bảo các điều kiện đã nêu từ Điều 7 đến Điều 11 Chương này còn phải đảm bảo các điều kiện về quy hoạch; điều kiện hạn chế kinh doanh; các điều kiện về an ninh, quốc phòng hay an toàn, trật tự xã hội khác quy định tại Luật Dược, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Chương IV
KHOẢNG CÁCH AN TOÀN
Điều 13. Trách nhiệm thực hiện thiết lập khoảng cách an toàn
Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định này phải thiết lập khoảng cách an toàn từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu dự trữ thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo tồn biển, nguồn nước sinh hoạt.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân địa phương xử lý các cơ sở sản xuất hóa chất đang tồn tại có các điều kiện về khoảng cách an toàn chưa đảm bảo theo quy định của Nghị định này hoặc khoảng cách an toàn bị vi phạm phải thực hiện thiết lập khoảng cách an toàn trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.
Điều 14. Xác định khoảng cách an toàn
Tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất, cất giữ các loại hóa chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục IV Nghị định này phải xác định khoảng cách an toàn sao cho tại địa điểm, vị trí cần bảo vệ theo quy định của pháp luật các yếu tố nguy hiểm nằm dưới ngưỡng định lượng.
a) Trường hợp hóa chất nguy hiểm thoát ra từ các sự cố ở dạng hơi, khí độc hoặc tạo thành hơi, khí độc, ngưỡng định lượng là nồng độ chất độc trong không khí (miligam/m3) mà tại đó người tiếp xúc trong vòng 60 phút không bị ảnh hưởng khó hồi phục hoặc tổn thương đến mức phải sử dụng các phương tiện hoặc hành động bảo vệ tương ứng;
b) Trường hợp hóa chất nguy hiểm thoát ra từ các sự cố ở dạng hơi, khí dễ cháy, nổ hoặc tạo thành hơi, khí dễ cháy; nổ; ngưỡng định lượng là khối lượng chất dễ cháy, nổ trong không khí quy ra phần trăm (%) thể tích hoặc mg/l có giá trị thấp hơn giới hạn dưới của nồng độ cháy hoặc thấp hơn giới hạn nổ dưới;
c) Trường hợp sóng nổ lan truyền từ sự cố hóa chất nguy hiểm, ngưỡng định lượng là mức tăng áp suất không khí do lan truyền sóng nổ gây ra bằng 6,9 kPa.
Việc xác định khoảng cách an toàn phải căn cứ vào điều kiện cụ thể về khí tượng thủy văn, địa hình địa vật của nơi đặt cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm và các điều kiện công nghệ của quá trình sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm.
Đối với hóa chất vừa có tính nguy hiểm cháy, nổ, vừa có tính độc, khoảng cách an toàn trong trường hợp sự cố được xác định riêng cho từng tính chất nguy hiểm và được lấy giá trị lớn nhất để áp dụng.
Trong cơ sở có nhiều loại hóa chất nguy hiểm, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng loại hóa chất và lấy khoảng cách an toàn lớn nhất để áp dụng.
Trong cơ sở có nhiều thiết bị sản xuất, chứa đựng hóa chất nguy hiểm đặt tại các vị trí khác nhau, khoảng cách an toàn được xác định riêng cho từng thiết bị sản xuất, chứa đựng; khoảng cách an toàn áp dụng chung cho toàn bộ cụm thiết bị phải bao gồm khoảng cách an toàn riêng của từng thiết bị sản xuất, chứa đựng hóa chất nguy hiểm.
Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất nguy hiểm quy định tại Phụ lục IV Nghị định này.
Điều 15. Thay đổi khoảng cách an toàn
Khoảng cách an toàn phải được thay đổi phù hợp trong trường hợp sau:
Cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm có sự thay đổi về công nghệ, khối lượng sản xuất, cất giữ hoặc có sự thay đổi bất kỳ dẫn đến thay đổi về khoảng cách an toàn.
Số liệu thống kê về sự cố hóa chất nguy hiểm trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy khoảng cách an toàn dự đoán có sự khác biệt lớn so với thực tế.
Trường hợp khoảng cách an toàn từ nơi đặt thiết bị đến vị trí, địa điểm cần bảo vệ không đạt yêu cầu về ngưỡng định lượng cho phép, cơ sở sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm phải áp dụng các biện pháp để bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định, cụ thể:
a) Giảm khối lượng sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm;
b) Bổ sung các biện pháp che chắn hoặc sử dụng các phương tiện giảm nhẹ sự thoát ra của hóa chất nguy hiểm;
c) Thay đổi điều kiện công nghệ sản xuất, cất giữ hóa chất nguy hiểm để có kết quả theo hướng giảm khối lượng, áp suất, nhiệt độ sản xuất, cất giữ hóa chất.
Chương V
NGƯỠNG HÀM LƯỢNG CHẤT NGUY HIỂM TRONG HỖN HỢP PHẢI XÂY DỰNG PHIẾU AN TOÀN HÓA CHẤT
Điều 16. Phân loại chi tiết hóa chất nguy hiểm theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất
Hóa chất nguy hiểm theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 4 của Luật Hóa chất là các nhóm hóa chất nguy hiểm bao gồm các hóa chất với đặc tính chi tiết như sau:
Các chất nổ:
a) Các chất nỗ không bền;
b) Chất nổ loại 1;
c) Chất nổ loại 2;
d) Chất nổ loại 3;
đ) Chất nổ loại 4;
e) Chất nổ loại 5;
g) Chất nổ loại 6;
Các khí dễ cháy:
a) Khí dễ cháy loại 1;
b) Khí dễ cháy loại 2;
Các sol khí dễ cháy:
a) Sol khí dễ cháy loại 1;
b) Sol khí dễ cháy loại 2;
Khí ôxy hóa: khí ôxy hóa loại 1.
Các khí nén dưới áp suất:
a) Khí bị nén;
b) Khí hóa lỏng;
c) Khí hóa lỏng làm lạnh;
d) Khí hòa tan.
Các chất lỏng dễ cháy:
a) Chất lỏng dễ cháy loại 1;
b) Chất lỏng dễ cháy loại 2;
c) Chất lỏng dễ cháy loại 3;
d) Chất lỏng dễ cháy loại 4;
Các chất rắn dễ cháy:
a) Chất rắn dễ cháy loại 1;
b) Chất rắn dễ cháy loại 2;
Các hỗn hợp và các chất tự phản ứng:
a) Các chất tự phản ứng loại 1;
b) Các chất tự phản ứng loại 2;
c) Các chất tự phản ứng loại 3 và 4;
d) Các chất tự phản ứng loại 5 và 6;
đ) Các chất tự phản ứng loại 7;
Chất lỏng tự cháy: chất lỏng tự cháy loại 1.
Chất rắn tự cháy: chất rắn tự cháy loại 1.
Chất và hỗn hợp tự tỏa nhiệt:
a) Chất và hỗn hợp tự tỏa nhiệt loại 1;
b) Chất và hỗn hợp tự tỏa nhiệt loại
Chất và hỗn hợp khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy:
a) Chất và hỗn hợp khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy loại 1;
b) Chất và hỗn hợp khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy loại 2;
c) Chất và hỗn hợp khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy loại 3;
Các chất lỏng ôxy hóa:
a) Các chất lỏng ôxy hóa loại 1;
b) Các chất lỏng ôxy hóa loại 2;
c) Các chất lỏng ôxy hóa loại 3.
Các chất rắn ôxy hóa
a) Các chất rắn ôxy hóa loại 1;
b) Các chất rắn ôxy hóa loại 2;
c) Các chất rắn ôxy hóa loại 3.
Các peroxit hữu cơ:
a) Các peroxit hữu cơ loại 1;
b) Các peroxit hữu cơ loại 2;
c) Các peroxit hữu cơ loại 3 và 4;
d) Các peroxit hữu cơ loại 5 và 6;
đ) Các peroxit hữu cơ loại 7.
Các chất ăn mòn kim loại: các chất ăn mòn kim loại loại 1.
Độc tính cấp tính:
a) Độc tính cấp tính loại 1;
b) Độc tính cấp tính loại 2;
c) Độc tính cấp tính loại 3;
d) Độc tính cấp tính loại 4;
đ) Độc tính cấp tính loại 5.
Ăn mòn da/kích ứng da:
a) Ăn mòn da/kích ứng da loại 1;
b) Ăn mòn da/kích ứng da loại 2;
c) Ăn mòn da/kích ứng da loại 3.
Tổn thương nghiêm trọng tới mắt/ kích thích mắt:
a) Tổn thương nghiêm trọng tới mắt/ kích thích mắt loại 1;
b) Tổn thương nghiêm trọng tới mắt/ kích thích mắt loại 2A;
c) Tổn thương nghiêm trọng tới mắt/ kích thích mắt loại 2B.
Nhạy cảm hô hấp: nhạy cảm hô hấp loại 1.
Nhạy cảm da: nhạy cảm da loại 1.
Biến đổi tế bào gốc:
a) Biến đổi tế bào gốc loại 1;
b) Biến đổi tế bào gốc loại 2.
Tính gây ung thư:
a) Tính gây ưng thư loại 1 A và B;
b) Tính gây ung thư loại 2.
Độc tính tới khả năng sinh sản:
a) Độc tính tới khả năng sinh sản loại 1;
b) Độc tính tới khả năng sinh sản loại 2.
Các ảnh hưởng theo đường tiết sữa: các ảnh hưởng theo đường tiết sữa loại 1.
Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc một lần:
a) Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc một lần loại 1;
b) Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc một lần loại 2;
c) Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc một lần loại 3;
Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc lặp lại:
a) Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc lặp lại loại 1;
b) Độc tính tới các cơ quan đặc biệt của cơ thể tiếp xúc lặp lại loại 2.
Độc tính hô hấp:
a) Độc tính hô hấp loại 1;
b) Độc tính hô hấp loại 2.
Độc tính cấp tính đối với môi trường thủy sinh:
a) Độc tính cấp tính đối với môi trường thủy sinh loại 1;
b) Độc tính cấp tính đối với môi trường thủy sinh loại 2;
c) Độc tính cấp tính đối với môi trường thủy sinh loại 3.
Độc tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh:
a) Độc tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh loại 1;
b) Độc tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh loại 2;
c) Độc tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh loại 3;
d) Độc tính mãn tính đối với môi trường thủy sinh loại 4.
Điều 17. Ngưỡng hàm lượng chất nguy hiểm trong hỗn hợp chất phải xây dựng phiếu an toàn hóa chất
Các hỗn hợp chất có chứa các chất nguy hiểm với hàm lượng theo khối lượng sau đây phải xây dựng phiếu an toàn hóa chất:
STT | Đặc tính độc hại | Hàm lượng |
1 | Độc cấp tính | ≥ 1.0% |
2 | Bỏng hoặc ăn mòn da | ≥ 1.0% |
3 | Có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến niêm mạc | ≥ 1.0% |
4 | Gây biến đổi ghen cấp I | ≥ 0.1% |
5 | Gây ung thư | ≥ 0.1% |
6 | Độc tính sinh sản | ≥ 0.1% |
7 | Độc tính đối với bộ phận chức năng xác định (một lần phơi nhiễm) | ≥ 1.0% |
8 | Độc tính đối với môi trường thủy sinh | ≥ 1.0% |
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với hỗn hợp chất.
Chương VI
THÔNG TIN HÓA CHẤT
Điều 18. Thủ tục khai báo hóa chất
Cơ quan tiếp nhận khai báo
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo thuộc địa bàn quản lý.
Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ khai báo của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu các hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo.
Hồ sơ khai báo
Tổ chức, cá nhân khai báo lập (02) bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:
a) Bản khai báo hóa chất theo mẫu do Bộ Công Thương quy định;
b) Đối với hóa chất là hóa chất nguy hiểm, hồ sơ khai báo phải kèm theo Phiếu an toàn hóa chất Tiếng Việt và bản tiếng nguyên gốc hoặc tiếng Anh.
Trường hợp hóa chất đã được khai báo trước đó, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nguy hiểm không phải nộp lại Phiếu an toàn hóa chất.
Thời gian khai báo
a) Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo có trách nhiệm khai báo bằng văn bản đến Sở Công thương trước ngày 31 tháng 01 hàng năm;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất có trách nhiệm khai báo bằng văn bản đến Bộ Công Thương trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày thông quan hóa chất. Xác nhận đã khai báo hóa chất của Bộ Công Thương là một điều kiện để tổ chức, cá nhân được nhập khẩu hóa chất lần tiếp theo. Bộ Công Thương quy định mẫu phiếu xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu;
c) Sở Công thương lập sổ quản lý khai báo và tổng hợp tình hình, kết quả khai báo về hóa chất của địa phương, định kỳ tháng 3 hàng năm báo cáo Bộ Công Thương.
Các trường hợp miễn trừ khai báo
a) Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu một lần phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp;
b) Hóa chất sản xuất, nhập khẩu dưới 100kg một năm không thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh và các Danh mục hóa chất được kiểm soát theo công ước quốc tế.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành xây dựng hệ thống quản lý tiếp nhận thông tin khai báo, báo cáo hóa chất qua mạng điện tử trước ngày 31 tháng 12 năm 2010.
Điều 19. Quy định về bảo mật thông tin
Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất nếu có yêu cầu bảo mật các thông tin không quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Hóa chất phải có đề nghị bằng văn bản đến cơ quan tiếp nhận khai báo hóa chất và báo cáo hoạt động hóa chất.
Những thông tin quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sẽ không được coi là các thông tin bảo mật, bao gồm:
a) Tên thương mại của hóa chất hoặc hỗn hợp hóa chất;
b) Tên của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất; tổ chức, cá nhân báo cáo hoạt động hóa chất theo Điều 43, Điều 52 của Luật Hóa chất;
c) Thông tin trong Phiếu an toàn hóa chất;
d) Các thông tin phục vụ phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất; ngăn chặn và hạn chế các ảnh hưởng xấu do độc tính của hóa chất; các thông tin cảnh báo khi sử dụng, tiếp xúc với hóa chất và cách xử lý sơ bộ trong trường hợp xảy ra sự cố;
đ) Phương pháp phân tích để xác định khả năng phơi nhiễm đối với con người và môi trường; tóm tắt kết quả thử nghiệm độc tính của hóa chất;
e) Độ tinh khiết của hỗn hợp chất và mức độ nguy hại các phụ gia, tạp chất.
Bộ Công Thương xây dựng hướng dẫn chi tiết về quy chế bảo mật thông tin khai báo hóa chất. Cơ quan tiếp nhận khai báo hóa chất, báo cáo hoạt động hóa chất có trách nhiệm bảo mật thông tin.
Điều 20. Xây dựng Danh mục hóa chất quốc gia và Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia
Danh mục hóa chất quốc gia và Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia nhằm mục đích quản lý an toàn hóa chất và cung cấp thông tin cho hệ thống giải đáp, cung cấp thông tin hóa chất nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ quản lý ngành, địa phương xây dựng Đề án Điều tra, khảo sát xây dựng Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia, Danh mục hóa chất quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Nhiệm vụ triển khai Luật Hóa chất của các Bộ, ngành
Các Bộ, ngành triển khai quản lý hoạt động hóa chất theo phân công tại Luật Hóa chất.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia, Danh mục hóa chất quốc gia; Đề án Triển khai hoàn chỉnh hệ thống hài hòa toàn cầu về ghi nhãn hóa chất tại Việt Nam; xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đánh giá hóa chất mới tại Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ quản lý ngành, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Điều tra, thu gom và xử lý hóa chất tồn dư do chiến tranh; Đề án Xây dựng phương án thu gom, xử lý các hóa chất độc tồn dư, hóa chất độc tịch thu hay hóa chất độc không rõ nguồn gốc.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, ban hành theo quy định các Danh mục hóa chất không được sử dụng, hạn chế sử dụng và được sử dụng trong các lĩnh vực y tế, hóa chất sử dụng trong chất diệt khuẩn, diệt côn trùng trong gia dụng và y tế, dược phẩm và phụ gia thực phẩm, bảo vệ thực vật, thú y và nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Hóa chất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Xây dựng phiếu an toàn hóa chất đối với toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, ban hành danh mục hóa chất không được sử dụng, hóa chất được sử dụng trong lĩnh vực đảm bảo an ninh, quốc phòng; phòng, chống bạo loạn và phòng cháy, chữa cháy.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Điều tra, khảo sát và tăng cường năng lực lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại các vùng nhằm thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất trong các khu vực công nghiệp hóa chất tập trung.
Bộ Giao thông vận tải rà soát, bổ sung các văn bản quản lý liên quan đến vận chuyển hóa chất nguy hiểm bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nghị định này thay thế các quy định tại Chương I, Chương II, Điều 12, Điều 13, Điều 20 Chương III và Chương IV Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an toàn hóa chất. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 23. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.