Quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư? Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư?
Các nhà đầu tư khi tham gia các hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài việc cần đăng ký các thông tin như tên công ty, địa điểm kinh doanh, vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật thì còn phải đăng ký các ngành, nghề kinh doanh. Pháp luật cũng đã quy định các nhà đầu tư khi đăng ký kinh doanh cần lưu ý không được đăng ký các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư 2020. Vậy việc thực hiện quy định về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh sẽ được quy định như thế nào và có nội dung ra sao? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư:
Theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 đã đưa ra quy định về ngành, nghệ cấm đầu tư kinh doanh với nội dung như sau:
“Điều 6. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
d) Kinh doanh mại dâm;
đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
g) Kinh doanh pháo nổ;
h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
2. Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Ta nhận thấy, luật đầu tư quy định 8 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh căn cứ Khoản 1 Điều 6 về “Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh”, Luật đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Như vậy, các nhà đầu tư không được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020.
Việc thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 ở trên sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục tương ứng đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
2. Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư:
Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020 thì các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:
Thứ nhất: Pháp luật cấm kinh doanh một số chất ma túy:
Luật đầu tư ra đời đã quy định cấm đầu tư kinh doanh với danh mục 47 chất ma túy, căn cứ theo Phụ lục 1 “Các chất ma túy cầm đầu tư kinh doanh”, ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.
Ngoài ra còn có 9 hành vi liên quan đến ma túy bị nghiêm cấm theo quy định của Luật phòng, chống ma túy, căn cứ Điều 3 Luật phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Thứ hai: Pháp luật cấm kinh doanh một số loại hóa chất, khoáng vật:
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với các loại hóa chất, khoáng vật được quy định cụ thể gồm bốn nhóm trong Luật hóa chất được quy định tại Điều 7 Luật Hoá chất quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất và 14 nhóm trong Luật năng lượng nguyên tử theo Điều 12
Ta nhận thấy, Luật đầu tư quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 18 loại, nhóm hóa chất, khoáng vật, căn cứ theo Phụ lục II “Danh mục hóa chất, khoáng vật” được ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.
Thứ ba: Pháp luật cấm kinh doanh một số mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã.
Luật đầu tư được ban hành đã quy định cấm đầu tư kinh doanh đối với 258 loại thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, căn cứ Phụ lục III về “Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm I” ban hành kèm theo Luật đầu tư năm 2020.
Luật đầu tư còn quy định, việc sản xuất, sử dụng 3 loại sản phẩm được nêu trên (chất ma túy; một số loại hóa chất, khoáng vật và một số mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã), trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, ta nhận thấy, về bản chất, pháp luật không cấm toàn bộ, mà chỉ hạn chế một cách nghiêm ngặt việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm trên.
Thứ tư: Pháp luật cấm kinh doanh mại dâm.
Hiện nay, có 9 hành vi mại dâm bị nghiêm cấm theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm gồm: mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức bán dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm, các hành vi khác liên quan đến hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật là các hoạt động bị nghiêm cấm.
Thứ năm: Pháp luật cấm mua, bán người, mô, xác bộ phận cơ thể, bào thai người.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực này được quy định cụ thể bao gồm:
– Thứ nhất: Mười nhóm trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo Điều 11 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Ngoài ra, Luật đầu tư năm 2020 bổ sung thêm việc cấm mua bán xác và bào thai người so với Luật đầu tư năm 2014.
– Thứ hai: Mười hai nhóm trong Luật phòng, chống mua bán người, căn cứ Điều 3 về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.
Thứ sáu: Pháp luật cấm hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Đây là hành vi bị cấm theo quy định của
Bên cạnh đó đây cũng là một trong những thực tiễn trái với nhân phẩm của con người căn cứ theo Điều 11 Tuyên bố toàn cầu về Gen người và các quyền của con người đã được Đại hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) nhất trí thông qua và tuyên bố tại phiên họp lần thứ 29 ngày 11/11/1997.
Thứ bảy: Pháp luật cấm kinh doanh pháo nổ.
Tất cả các loại pháo nổ đã bị nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ ngày 01/01/1995, căn cứ Chỉ thị số 406-TTg ngày 08/8/1994 của Thủ tướng.
Từ ngày 01/01/2017 trở đi, kinh doanh pháo nổ lại bị cấm theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư năm 2016.
Đến năm 2020, dịch vụ kinh doanh pháo nổ tiếp tục bị cấm theo quy định của Luật đầu tư năm 2020.
Thứ tám: Pháp luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Trong thời gian qua, khi nền kinh tế càng phát triển thì xã hội lại càng phát sinh thiếu vấn đề phức tạp, đòi hỏi chuyên môn hóa cao trong lao động. Đòi nợ là một nghề khó, một công việc phức tạp, đòi hỏi chuyển môn, kinh nghiệm, kỹ năng nghệ thuật, phương thức nhất định mà người cho vay, cho nợ, bán chịu hàng hóa sành sỏi cũng không dễ gì có được.
Dịch vụ đòi nợ vốn là một trong những hoạt động rất cần thiết, thậm chí là sự tất yếu giúp cho việc thu hồi nợ trên thực tế, bảo vệ hữu hiệu quyền của chủ nợ và chủ sở hữu, đồng thời thúc đẩy các giao dịch dân sự liên quan đến việc vay, nợ.
Năm 2007, lần đầu tiên pháp luật quy định chính thức về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và quy định một số hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Trước đó, pháp luật chưa có quy định, hoạt động đòi nợ thuê diễn ra một cách phổ biến. Từ năm 2015 trở đi, kinh doanh dịch vụ đòi nợ được xác định là một trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, năm 2020, luật đã cấm dịch vụ đòi nợ vì lý do dễ bị lợi dụng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật đầu tư năm 2020. Đây là việc cấm rất thiếu thuyết phục, vì khác với những thứ gây nguy hại trực tiếp như ma túy, bản chất hoạt động đòi nợ thuê là vô hại, pháp luật chỉ nên cấm việc đòi nợ thuê phạm pháp và xử lý những hành vi biến tướng, lạm dụng, gây nguy hại cho xã hội.
Trên đây là tám ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đồng thời cũng bị cấm đầu tư ra nước ngoài căn cứ Khoản 1 Điều 53 về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài theo Luật đầu tư năm 2020.