Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy. Để hiểu rõ hơn mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
- 1 1. Năng lực trách nhiệm hình sự là gì?
- 2 2. Hỏi về người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự:
- 3 3. Người chưa thành niên gây tai nạn giao thông có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
- 4 4. Người bị thần kinh có phải chịu trách nhiệm hình sự:
- 5 5. Luật sư tư vấn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
1. Năng lực trách nhiệm hình sự là gì?
Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi ấy.
Theo Luật hình sự Việt Nam, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật hình sự 2015) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 Bộ luật hình sự 2015)
Có thể thấy, pháp luật hình sự không quy định cụ thể thế nào là có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và quy định trường hợp trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Có thể thấy, luật hình sự Việt Nam mặc định thừa nhận những người đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nói chung và không thuộc các trường hợp tại Điều 21 Bộ Luật hình sự 2015 là có năng lực trách nhiệm hình sự.
Theo đó, các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự đã được quy định khá cụ thể tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015. Có hai dấu hiệu chính để xác định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự: Dấu hiệu y học và dấu hiệu tâm lý.
– Về dấu hiệu y học: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.
– Về dấu hiệu tâm lý: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người đã mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành v nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Theo đó, họ không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
Ngoài ra, nếu người đó có năng lực nhận thức cũng như khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng do các xung đột bệnh lý không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó thì vẫn được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, luật hình sự còn thừa nhận trường hợp hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp do mắc bệnh nên năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi bị hạn chế. Người bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi. Lỗi của họ cũng là lỗi hạn chế. Do đó, luật hình sự Việt Nam coi tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế là tình tiết giảm nhẹ.
2. Hỏi về người chưa thành niên có phải chịu trách nhiệm hình sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu tôi năm nay đã 15 tuổi, trong một lần đi chơi nó đã cố ý gây gổ đánh nhau với đứa bạn, làm cho đứa bạn đó bị thương và tỷ lệ thương tật là 15 %. Vậy xin Luật sư cho tôi hỏi, cháu tôi có bị xử lý hình sự không?. Tôi xin chân thành cảm ơn!.
Luật sư tư vấn:
Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; (Điểm c khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (Điểm d khoản 1 Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định :
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”
Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% là 3 năm, và trường hợp này là tội ít nghiêm trọng. Vậy trong trường hợp của bạn, cháu của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Người chưa thành niên gây tai nạn giao thông có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Em trai tôi đã tự ý điều khiển xe máy và gây ra tai nạn giao thông khiến một người bị thương nặng. Em tôi mới 15 tuổi. Tôi muốn hỏi em trai tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không khi em là người chưa thành niên? Gia đình tôi cũng đã chủ động xin lỗi và bồi thường một phần cho nạn nhân. Luật sư cho tôi hỏi pháp luật quy định như thế nào về bồi thường? Mong luật sư tư vấn giúp tôi! Tôi xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, còn người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật hình sự 2015.
Như vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ bị xem xét trách nhiệm hình sự khi họ phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các tội nêu trên.
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” thì lỗi của người phạm tội là lỗi vô ý và hình phạt tối đa là 15 năm tù (thuộc tội rất nghiêm trọng). Do vậy, người chưa đủ 16 tuổi không bị xử lý hình sự về tội này.
Về xử lý vi phạm hành chính, theo quy định tại Điều 5
Về bồi thường thiệt hại, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp này cha mẹ của người gây tai nạn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Mức độ bồi thường tùy thuộc thiệt hại thực tế đã xảy ra và mức độ lỗi của các bên.
Pháp luật về dân sự khuyến khích các bên thương lượng, hòa giải. Trường hợp thương lượng, hòa giải không đạt kết quả thì gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa. Mức độ bồi thường sẽ do tòa phán quyết trên cơ sở quy định của pháp luật.
4. Người bị thần kinh có phải chịu trách nhiệm hình sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Anh trai tôi bị một người hàng xóm đánh, ném đá vào đầu khiến cho anh tôi phải nằm viện. Bác sĩ xác định tỷ lệ thương tật là 15%. Bây giờ gia đình tôi muốn khởi kiện người hàng xóm kia vì đã làm anh tôi bị thương. Nhưng tất cả mọi người trong khu nhà tôi đều bảo rằng người hàng xóm kia bị bệnh thần kinh, lúc nào cũng dở dở điên điên. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp này nếu gia đình tôi khởi kiện thì người hàng xóm kia có phải chịu trách nhiệm gì không?
Luật sư tư vấn:
Hành vi của người hàng xóm của anh có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội này như sau:
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
…
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
…
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.”
Về vấn đề năng lực trách nhiệm hình sự của tội phạm, Bộ luật hình sự 2015 quy định:
Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, người thực hiện hành vi phạm tội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó. Trong trường hợp của bạn, cần xem xét người hàng xóm có bị mắc bệnh tâm thần không; thời điểm người hàng xóm có hành vi gây thương tích họ có nhận thức và điều khiển được hành vi của mình hay không? Nếu khi đánh anh bạn, người đó có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, việc xác định một người có mặc bệnh tâm thần hay không; có bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hay không cần căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền (quyết định của Tòa án, kết luận giám định tâm thần của cơ quan giám định). Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh trai mình, bạn có thể tố cáo hành vi của người hàng xóm tới cơ quan công an và đề nghị cơ quan công an trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người hàng xóm. Sau khi có kết luận giám định, tùy từng trường hợp sẽ xử lý như đã phân tích ở trên.
5. Luật sư tư vấn độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có 2 câu hỏi nhờ luật sư tư vấn giúp:
1. Dưới 14 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lí như thế nào?
2. Trường hợp bắt buộc đưa vào trường giáo dưỡng thì thời hạn chấp hành như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia, thể hiện quan điểm của Nhà nước về cách thức xử lý người phạm tội, vừa đảm bảo trật tự an toàn cho xã hội nhưng phải đạt được mục đích bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên, kể cả khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Người chưa thành niên là người chưa phát triển một cách đầy đủ về tâm – sinh lý, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng còn hạn chế nên dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo và việc thực hiện tội phạm, nhưng cũng dễ uốn nắn, cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, Nhà nước luôn có chính sách đặc biệt khi áp dụng các chế tài hình sự đối với họ và yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong vấn đề này là độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, người dưới 14 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bị xử lí như thế nào?
Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, người phạm tội dưới 14 tuổi mà phạm tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, nếu gây ra thiệt hại về dân sự, Khoản 2 Điều 586
“Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
…
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.”
Theo quy định trên, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Thứ hai, trường hợp bắt buộc đưa vào trường giáo dưỡng thì thời hạn chấp hành như thế nào?
Khoản 1 Điều 96 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau: Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ.
Như vậy, thời gian có thể áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ một năm đến hai năm.
Theo quy định pháp luật, nếu người được đưa vào trường giáo dưỡng đã chấp hành một phần hai thời hạn do Toà án quyết định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của nhà trường được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, Toà án có thể quyết định chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng.