Mức xử phạt đối với hành vi cô lập, xua đuổi và gây áp lực về mặt tâm lý hiện nay được ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định của pháp luật về các hành vi bạo lực gia đình:
- 2 2. Mức xử phạt với hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý:
- 3 3. Hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- 4 4. Mức bồi thường thiệt hại khi thực hiện hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý:
1. Quy định của pháp luật về các hành vi bạo lực gia đình:
Có thể nói, gia đình là một môi trường vô cùng quan trọng hình thành nên tính cách của con người. Gia đình luôn là cái nôi của bất cứ ai và là nơi mà người ta luôn muốn quay về sau những ngày dài mệt mỏi và lúc người ta cảm thấy yếu đuối nhất. Nhưng không phải gia đình nào cũng luôn đầm ấm và hạnh phúc, không phải gia đình nào cũng là mái ấm cho nhiều người có mong muốn trở về, có rất nhiều gia đình mà khi nhắc đến người ta luôn cảm thấy sợ hãi và có những nỗi ám ảnh tột độ bởi những hành vi bạo lực gia đình mà họ phải đón nhận. Bạo lực gia đình là một trong những vấn nạn không còn quá xa lạ trong đời sống hiện nay. Bạo lực gia đình chính là những hành vi đáng bị lên án bởi những con người thiếu lương tâm. Pháp luật hiện nay cũng có quy định những hành vi bị coi là bạo lực gia đình. Cụ thể căn cứ tại Điều 3 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 ghi nhận một số hành vi bị coi là bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
– Hành vi hành hạ hoặc ngược đãi, hành vi đánh đập hoặc đe dọa người khác dưới bất kỳ hình thức nào, hoặc hành vi cố ý xâm phạm hại đến tính mạng và sức khỏe của những thành viên trong gia đình;
– Hành vi lăng mạ và sỉ nhục người khác, hành vi cố ý gây xúc phạm danh dự và nhân phẩm của những thành viên khác trong gia đình;
– Hành vi bỏ mặc hoặc không quan tâm, không nuôi dưỡng và không chăm sóc các thành viên trong gia đình đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, các đối tượng là phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người cao tuổi, các đối tượng được xác định là người khuyết tật theo quy định của pháp luật, những người không có khả năng tự chăm sóc và nuôi dưỡng chính bản thân mình, hành vi không giáo dục các thành viên trong gia đình đặc biệt là trẻ em;
– Hành vi kỳ thị hoặc phân biệt đối xử về hình thể, phân biệt đối xử về giới tính hoặc phân biệt dựa trên năng lực của các thành viên trong gia đình với nhau;
– Ngăn cản các thành viên trong gia đình gặp gỡ người thân hoặc có mối quan hệ xã hội hợp pháp theo quy định của pháp luật, ngăn cản họ có những mối quan hệ lành mạnh hoặc có hành vi nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý;
– Ngăn cản việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong gia đình với nhau, ngăn cản mối quan hệ giữa ông bà và cháu, giữa cha mẹ với con, giữa vợ và chồng, giữa những người anh chị em ruột với nhau;
– Tiết lộ hoặc phát tán các thông tin không đúng sự thật liên quan đến đời tư và bí mật cá nhân, tiết lộ các thông tin liên quan đến bí mật gia đình của các thành viên nhằm mục đích xúc phạm danh dự và nhân phẩm của họ;
– Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái với ý muốn của các thành viên trong gia đình hoặc cưỡng ép người khác trình diễn hành vi khiêu dâm trái quy định của pháp luật, cưỡng ép các thành viên trong gia đình nghe các âm thanh hoặc xem các hình ảnh với nội dung khiêu dâm, kích thích hành vi bạo lực;
– Cưỡng ép táo hôn trái quy định của pháp luật, kết hôn hoặc ly hôn không có yếu tố tự nguyện, cản trở việc kết hôn và ly hôn hợp pháp theo quy định;
– Thực hiện hành vi cưỡng ép mang thai hoặc phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi trái quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội;
– Chiếm đoạt hoặc hủy hoại tài sản chung của các thành viên trong gia đình hoặc tài sản riêng của các thành viên khác;
– Cưỡng ép các thành viên trong gia đình học tập và lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát tài sản và nguồn thu nhập của các thành viên nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt kinh tế và về mặt tinh thần;
– Cô lập hoặc giam cầm các thành viên trong gia đình trái ý muốn của họ, cưỡng ép các thành viên trong gia đình rời khỏi chỗ ở hợp pháp trái quy định của pháp luật.
2. Mức xử phạt với hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý:
Theo quy định Điều 3 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 như phân tích ở trên thì có thể thấy, hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý đối với các thành viên trong gia đình bị coi là một trong những hành vi của hiện tượng bạo lực gia đình. Khi thực hiện hành vi này thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định Điều 55 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có ghi nhận về mức xử phạt đối với hành vi cô lập, hành vi xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các chủ thể khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Thực hiện hành vi nghiêm cấm các thành viên trong gia đình ra khỏi nhà theo mong muốn của họ, ngăn cản các thành viên trong gia đình gặp gỡ người thân hoặc gặp gỡ bạn bè, ngăn cản các thành viên trong gia đình có những mối quan hệ hợp pháp và lành mạnh, nhằm mục đích cô lập và gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý đối với các thành viên trong gia đình đó;
– Không cho các thành viên trong gia đình tham gia vào các hoạt động xã hội hợp pháp và lành mạnh;
– Không cho các thành viên trong gia đình thực hiện quyền làm việc theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các chủ thể khi thực hiện hành vi bộ các thành viên trong gia đình của mình phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đối với người hoặc đối với con vật.
Thứ ba, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các chủ thể khi thực hiện một trong các hành vi cơ bản dưới đây:
– Cưỡng ép các thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động khiêu dâm hoặc sử dụng các loại thuốc kích dục trái quy định của pháp luật;
– Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể trái phép và trái với mong muốn của các thành viên trong gia đình.
Thứ tư, ngoài hình thức xử phạt nêu trên thì còn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
3. Hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 của Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có quy định về các biện pháp xử lý người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, theo đó thì người có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tùy theo tính chất và mức độ vi phạm khác nhau cũng như hậu quả xảy ra trên thực tế mà họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra nếu gây ra thiệt hại thì còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Như vậy thì có thể thấy, ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính theo như phân tích trên, nếu như các chủ thể có hành vi cô lập hoặc gây áp lực thường xuyên về mặt tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà thỏa mãn các cấu thành tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 185 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình. Theo đó, điều luật quy định 02 khung hình phạt chính. Khung hình phạt cơ bản có mức cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng theo quy định của pháp luật.
Như vậy thì có thể thấy, để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình thì xử lý nghiêm minh các hành vi này là vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết, không những sẽ giảm nguy cơ phát sinh các tệ nạn trong xã hội mà đồng thời còn góp phần xây dựng một gia đình hạnh phúc và bình đẳng.
4. Mức bồi thường thiệt hại khi thực hiện hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý:
Có thể nói, hành vi cô lập, xua đuổi, gây áp lực tâm lý nếu gây ra thiệt hại trên thực tế thì cần phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc, thì số tiền bồi thường sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, bản chất sẽ được bồi thường bằng tiền, nếu như không bồi thường được bằng tiền thì có thể quy đổi thành một số hiện vật có giá trị tương đương.
Trong trường hợp các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm mà gây ra thiệt hại về tính mạng thì mức bồi thường tối đa sẽ không quá 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Còn trong trường hợp các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại về sức khỏe cho người bị hại thì mức bồi thường tối đa sẽ không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Còn đối với trường hợp thiệt hại về danh dự và nhân phẩm thì mức bồi thường tối đa sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định. Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 590, Điều 591 và Điều 592 của Bộ luật dân sự năm 2015. Mức lương cơ sở theo quy định của pháp luật hiện nay được ghi nhận là 1.800.000 đồng. Nếu như các bên không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi của mình, hoặc tố cáo ra công an nếu nhận thấy hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo như phân tích ở trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.