Hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, đã gây ra nhiều vấn đề trong xã hội. Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Mức xử phạt vi phạm khi xúc phạm người sinh toàn con gái?
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt vi phạm khi xúc phạm người sinh toàn con gái:
Pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền tự do của công dân, không phân biệt giới tính, tôn giáo, độ tuổi; đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái có thể coi là hành vi phân biệt đối xử về giới tính, người phụ nữ sinh ra con trai sẽ được quý trọng hơn người phụ nữ chỉ sinh được con gái. Tư tưởng này bắt nguồn từ chế độ phong kiến xưa, khi cho rằng con trai sẽ làm được những việc lớn, gánh vác trọng trách nối dõi và thờ cúng cho gia đình, dòng tộc. Chính vì thế, đã hình thành nên tư tưởng trọng nam khinh nữ, phân biệt đối xử về giới tính.
Người có hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái thường là những người mang tư tưởng lạc hậu và có trình độ hiểu biết thấp. Họ cho rằng khả năng sinh con trai hay gái là do người phụ nữ và nếu đường con cái không được như ý, thì người phụ nữ cũng luôn là người bị đổ lỗi đầu tiên. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, giới tính của con cái sẽ do người đàn ông quyết định.
Để bảo vệ quyền bình đẳng của con người, pháp luật đã đề ra các quy định xử phạt đổi với hành vi xâm phạm hay xúc phạm quyền công dân của người khác. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái được coi là hành vi vi phạm hành chính về dân số, do đó mức phạt đối với hành vi này theo quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Điều này, nhằm bảo vệ quyền bình đẳng về giới tính và hạn chế các hành vi xúc phạm làm ảnh hưởng đến tinh thần của người sinh con.
Như vậy, hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
2. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái:
Hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái là một trong những hành vi vi phạm hành chính về dân số, cụ thể là vi phạm các quy định về cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Theo quy định pháp luật hiện hành tại chương 3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế sẽ căn cứ vào mức phạt và hình phạt.
Do hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng, nên hầu hết các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đều có thẩm quyền xử phạt hành vi này. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành vi xúc phạm người sinh toàn con gái bao gồm:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
– Cơ quan Thanh tra;
– Cơ quan quản lý thị trường;
– Công an nhân dân;
– Cơ quan Hải quan;
– Bộ đội biên phòng;
– Cảnh sát biển Việt Nam;
– Cơ quan Thuế;
– Cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Các hành vi vi phạm hành chính về phân biệt giới tính trong lĩnh vực y tế – kế hoạch hóa gia đình:
Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong quản lý các hoạt động của đời sống xã hội. Việc phân biệt giới tính trong lĩnh vực y tế – kế hoạch hóa gia đình đã gây ra hàng loạt các hệ lụy trong xã hội, như: làm tăng tỷ lệ nạo phá thai do việc lựa chọn giới tính của các cặp vợ chồng, mất cân bằng giới tính khi sinh con làm phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng chất lượng dân số trong tương lai hay làm tăng sự phân biệt đối xử về giới tính trong xã hội. Chính vì thế, pháp luật đã đề ra các quy định để quản lý chặt chẽ hành vi này, nhằm ngăn chặn việc phân biệt đối xử về giới tính trong lĩnh vực y tế – kế hoạch hóa gia đình, giúp ổn định đời sống xã hội. Do đó, cá nhân, tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Các hành vi vi phạm hành chính về phân biệt giới tính trong lĩnh vực y tế – kế hoạch hóa gia đình:
– Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Bán, cho thuê, phân phát, đăng, phát thông tin đưa lên mạng internet xuất bản phẩm, bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Dịch, xuất bản, sản xuất, in, phát hành, nhân bản, sao chụp xuất bản phẩm, bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi.
– Hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi.
– Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Cung cấp dụng cụ, thuốc, vật tư để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
– Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
– Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
– Hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
– Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
– Hành vi cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;
– Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
– Hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
– Không cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí cho người thuộc diện được cấp theo quy định của pháp luật và có đăng ký sử dụng phương tiện tránh thai miễn phí;
– Có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.
– Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải sử dụng biện pháp tránh thai.
– Đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc ngừng sử dụng biện pháp tránh thai;
– Đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải mang thai; phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.
– Đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai mà không có sự đồng ý của người sử dụng;
– Hành vi thực hiện kỹ thuật triệt sản mà không có sự đồng ý của người bị triệt sản;
– Dùng vũ lực để ép buộc người khác không được sử dụng biện pháp tránh thai hoặc ngừng sử dụng biện pháp tránh thai;
– Dùng vũ lực để ép buộc người khác phải mang thai; phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế ban hành ngày 28 tháng 9 năm 2020.