Xử phạt hành chính đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm? Trách nhiệm dân sự đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm? Trách nhiệm hình sự đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm?
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta nhận thấy rằng, hành vi phát tán ảnh, video nhạy cảm trên mạng xã hội trở nên rất phổ biến. Hành vi này có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và làm ảnh hưởng đến nhiều người. Pháp luật cũng đã ban hành các điều luật để xử lý đối vời hành vi này. Vậy, ức xử phạt tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm cụ thể là như thế nào? Bài viết sau đây chúng ta sẽ cùng nhau trả lời cho câu hỏi này.
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.
–
Mục lục bài viết
1. Xử phạt hành chính đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm:
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tải, truyền đưa clip nhạy cảm lên mạng xã hội là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác:
– Chủ thể là người có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ. Cụ thể:
“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;”
– Trong tường hợp hành vi được xác định đã tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, người phát tán clip có thể bị xử phạt ở mức tối đa 30 triệu đồng, theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.
Như vậy, mức phạt của hành vi đăng tải, truyền đưa clip nhạy cảm lên mạng xã hội là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác đã dược quy định khá cụ thể tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ.
2. Trách nhiệm dân sự đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm:
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 có đưa ra quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, các cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, việc các chủ thể sử dụng hình ảnh cần có sự đồng ý của chính cá nhân đó. Nếu như các chủ thể sử dụng hình ảnh của các cá nhân mà trái với ý chí cá nhân đó thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa ra quyết định buộc người vi phạm thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng và kèm theo đó phải bồi thường thiệt hại và biện pháp xử lý khác theo quy định.
Ta nhận thấy, pháp luật Việt Nam quy định, mỗi một công dân đều có quyền cụ thể đối với hình ảnh của mình, không một ai được xâm phạm tới hình ảnh cá nhân của người khác. Tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh cụ thể: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân sẽ cần phải được người đó đồng ý, nếu trong trường hợ sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Về mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm được quy định cụ thể tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:
– Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
+ Thứ nhất là chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
+ Chi phí do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
+ Các thiệt hại khác do luật quy định.
– Chủ thể là người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để nhằm mục đích có thể bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận; nếu như trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định cụ thể.
3. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi tung ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm:
Đối với hành vi phát tán ảnh nóng, phát tán ảnh riêng tư nhạy cảm của người khác còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi đó đủ yếu tố cấu thành “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” căn cứ cụ thể theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Cụ thể Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định nội dung như sau:
– Chủ thể là người nào có hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác mà các vật phẩm đó lại có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp cụ thể được nêu sau đây, thì chủ thể đó sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, không những thế còn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB).
+ Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh.
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị.
+ Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người.
+ Người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Chủ thể phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Phạm tội có tổ chức.
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB).
+ Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
+ Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người.
+ Phổ biến cho người dưới 18 tuổi.
+ Chủ thể sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội.
+ Hành vi tái phạm nguy hiểm.
– Chủ thể phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì chủ thể đó có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên.
+ Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên.
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên.
+ Phổ biến cho 101 người trở lên.
Như vậy, mức xử phạt cho hành vi có đủ yếu tố cấu thành “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” là rất cao, lên đến 15 năm tù. Việc quy định mức phạt nêu trên là hoàn toàn hợp lý, mang tính chất nghiêm khắc, răn đe, giáo dục và bảo vệ lối sống lành mạnh của người dân.
Bên cạnh đó thì ta nhận thấy, nếu người trong đoạn clip nhạy cảm bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người phát tán hình ảnh còn có thể bị khởi tố thêm về “Tội làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trong trường hợp hành vi của các chủ thể thuộc một số tình tiết định khung theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân hay làm nạn nhân tự sát, người vi phạm sẽ đối diện mức án tối đa 5 năm tù giam theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, ta nhận thấy, đối với các chủ thể khi bị tung ảnh nóng lên mạng xã hội, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.