Quy định của pháp luật về hành vi nhảy múa thoát y, khiêu dâm. Mức xử phạt tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm. Mức xử phạt đối với chủ quán nếu để cho việc nhảy múa thoát y diễn ra. Xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đến khiêu dâm. Biện pháp để ngăn chặn các hành vi múa thoát y, khiêu dâm xảy ra tại các dịch vụ kinh doanh (vũ trường, quán bar, karaoke,...).
Chính phủ mới ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Bài viết dưới đây quy định về các mức xử phạt đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm:
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định của pháp luật về hành vi nhảy múa thoát y, khiêu dâm:
- 2 2. Mức xử phạt tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm:
- 3 3. Mức xử phạt đối với chủ quán nếu để cho việc nhảy múa thoát y diễn ra:
- 4 4. Xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đến khiêu dâm:
- 5 5. Biện pháp để ngăn chặn các hành vi múa thoát y, khiêu dâm xảy ra tại các dịch vụ kinh doanh (vũ trường, quán bar, karaoke,…):
1. Quy định của pháp luật về hành vi nhảy múa thoát y, khiêu dâm:
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP có quy định hành vi trình diễn khiêu dâm được quy định tại Khoản 1 Điều 147
Do vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi nhảy múa thoát y được coi là hành vi trình diễn khiêu dâm. Và đây là hành vi vi phạm pháp luật.
2. Mức xử phạt tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có quy định mức xử phạt hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng: nếu như tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác.
– Bên cạnh việc phạt tiền còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường từ 18 tháng đến 24 tháng.
Theo đó, căn cứ tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:
– Đối với cá nhân: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng.
– Đối với tổ chức: Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 100 triệu đồng.
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt trên từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y, khiêu dâm là đang áp dụng với cá nhân.
Về nguyên tắc, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, căn cứ trên thì khi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y trong quán bar thì cá nhân tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Với tổ chức thì mức phạt này sẽ từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
3. Mức xử phạt đối với chủ quán nếu để cho việc nhảy múa thoát y diễn ra:
Dựa theo Điều 27 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm. Cụ thể như sau:
– Đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh: phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
– Đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý: bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
– Ngoài việc bị phạt tiền, chủ quán còn phải áp dụng hình phạt bổ sung gồm:
+ Bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng.
+ Trường hợp người nước ngoài vi phạm sẽ bị trục xuất.
– Bên cạnh đó, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp khi thực hiện hành vi đó.
4. Xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đến khiêu dâm:
Nếu trường hợp cá nhân nào thực hiện hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể là:
– Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: đối với trường hợp người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: khi nằm trong các trường hợp sau
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Phạm tội có tổ chức.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với 02 người trở lên.
+ Thực hiện hành vi vi phạm đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
+ Nhằm mục đích thương mại.
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
+ Làm cho nạn nhân tự sát.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Phân tích cấu thành tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm:
Khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là danh dự, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Về bản chất, người dưới 16 tuổi là người chưa phát triển toàn diện về nhận thức, tâm sinh lý rất yếu, rất dễ bị lôi kéo vào con đường vi phạm pháp luật nên cần được pháp luật bảo vệ một cách an toàn.
Ngoài ra, hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm còn xâm phạm đến cả sức khỏe của nạn nhân.
Chủ thể của tội phạm:
Người thực hiện hành vi vi phạm này phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt khách quan của tội phạm:
* Hành vi khách quan là hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Cụ thể:
– Hành vi trình diễn khiêu dâm được hiểu là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức.
– Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm được hiểu là người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức như trực tiếp, qua video, clip,…
– Các biểu hiện để thể hiện hành vi đó có thể là:
+ Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt người dưới 16 tuổi hoặc dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm.
+ Chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi.
+ Thực hiện việc dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán.
+ Tiến hành dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream).
+ Trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng người dưới 16 tuổi hoặc hình ảnh mô phỏng người dưới 16 tuổi (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số).
+ Mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người.
+ Hoặc các hình thức biểu hiện khác của trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm.
* Hậu quả: Tội này không quy định hậu quả, do vậy hậu quả không phải là yếu tố bắt buộc đối với hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Tức là chỉ cần người trên 18 tuổi, đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
Mặt chủ quan của tội phạm:
– Yếu tố lỗi: lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi và mong muốn thực hiện hành vi (cố ý trực tiếp) hoặc là người phạm tội nhận thức được hậu quả từ hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi và để mặc hậu quả xảy ra.
5. Biện pháp để ngăn chặn các hành vi múa thoát y, khiêu dâm xảy ra tại các dịch vụ kinh doanh (vũ trường, quán bar, karaoke,…):
Thời gian gần đây, do yếu tố “siêu lợi nhuận” từ dịch vụ karaoke, nhiều chủ cơ sở đã tìm mọi cách để kéo khách nhằm tối đa doanh thu và từ đó kéo theo nhiều hành vi trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Thực tế, trong các quán bar hay vũ trường, các hành vi múa thoát y cũng như hành vi khiêu dâm xảy ra rất là nhiều. Các ban ngành cũng như cơ quan chức năng cần có những biện pháp vào cuộc xử lý nghiêm minh để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đó. Cụ thể như:
– Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP nhằm tạo hành lang pháp lý cũng như chế tài xử phạt nghiêm khắc, trong đó hành vi khiêu dâm, đồi truỵ tại cơ sở karaoke bị xử phạt rất nặng để mang tính chất răn đe quyết liệt.
– Thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao tinh thần vì một môi trường xã hội văn minh, tiến bộ.
– Ban hành các chuyên đề tuần tra thường xuyên tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán bar, vũ trường nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm kịp thời.