Rào chắn đường sắt đã hạ mà còn cố tình vượt qua sẽ bị xử phạt như thế nào? Hành vi vượt đèn đỏ tại nơi giao nhau với đường sắt, vượt rào chắn an toàn tại nơi giao nhau với đường sắt sẽ bị xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định 100.
Một trong những vi phạm phổ biến chính là người tham gia giao thông cố tình băng ngang qua đường sắt khi đã có tín hiệu đèn báo dừng cho tàu chạy qua nhưng có nhiều trường hợp vượt rào chắn khi nhân viên đang di chuyển đóng rào chắn, bất chấp sự nhắc nhở của nhân viên. Hành vi vượt rào chắn đường sắt có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông thảm khốc, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hành vi này vẫn diễn ra hàng ngày, vậy mức xử phạt khi cố tình điều khiển phương tiện vượt rào chắn đường sắt như thế nào?
Tư vấn mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông đường sắt: 1900.6568
Căn cứ pháp lý
- Luật Đường sắt năm 2017 (Luật số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 06 năm 2017);
- Thông tư 25/2018/TT-BGTVT ngày 14 tháng 05 năm 2018 Quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt;
Nghị định ngày 30 tháng 12 năm 2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.100/2019/NĐ-CP
Mục lục bài viết
1. Mức xử phạt khi cố tình điều khiển phương tiện vượt rào chắn đường sắt
Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.
Vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh đang là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.
Hành vi mà vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng có cùng mức xử phạt đối với hành vi vượt qua đường ngang khi mà đèn đỏ đã bật sáng; không thực hiện chấp hành hiệu lệnh, chỉ dần của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, khi đi qua đường ngang.
Căn cứ tại Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm đường sắt như sau:
– Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung, hầm khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm.
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn đường ngang, cầu chung; vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung khi đi qua đường ngang, cầu chung.
– Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
Như vậy, theo quy định của Nghị định 100 năm 2019 thì mức xử phạt đối với hành vi vượt rào chắn đường ngang tối đa sẽ là 5.000.000 đồng. Mức xử phạt cụ thể sẽ tùy vào phương tiện vi phạm:
- Với người đi bộ: Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng;
- Với xe đạp, xe đạp máy, kể cả xe đạp điện: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển;
- Với xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển;
- Với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển;
- Với xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển.
Đồng thời, người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm lỗi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Hầu hết các vụ tai nạn đều có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt. Tai nạn giao thông xảy ra gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước mỗi tai nạn xảy ra, mỗi người phải có trách nhiệm để góp phần giảm bớt hậu quả của vụ tai nạn.
2. Các quy định xử phạt khác có liên quan đến giao thông đường sắt
Ngoài mức xử phạt hành vi vượt rào chắn đường sắt như trên thì khi vi phạm quy định về chấp hành tín hiệu giao thông đường sắt; phòng chống thiên tai và giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt phải chịu những mức phạt sau đây:
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với lái tàu, trưởng dồn, nhân viên ghép nối đầu máy toa xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Đã xác nhận được các tín hiệu dồn nhưng không kéo còi làm tín hiệu hô đáp;
+ Khi dồn tàu không thực hiện đúng các tín hiệu dồn theo quy định.
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với nhân viên gác đường ngang, cầu chung không điều hành giao thông khi chắn bị hỏng, đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với lái tàu, trưởng tàu thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Lái tàu, trưởng tàu cho tàu chạy khi chưa nhận được tín hiệu an toàn của trực ban chạy tàu ga hoặc người làm tín hiệu truyền;
+ Lái tàu điều khiển tàu chạy vượt qua tín hiệu vào ga, ra ga đang ở trạng thái đóng khi chưa được phép của người chỉ huy chạy tàu ở ga;
+ Lái tàu không dừng tàu khi tàu đã đè lên pháo phòng vệ và pháo phòng vệ đã nổ bình thường;
+ Lái tàu tiếp tục cho tàu chạy khi đã nhận được tín hiệu ngừng tàu.
– Ngoài việc bị phạt tiền, người lái tàu thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 3 Điều này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái tàu từ 01 tháng đến 03 tháng.
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân biết tai nạn giao thông xảy ra trên đường sắt, phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, mất an toàn giao thông vận tải đường sắt mà không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho nhà ga, đơn vị đường sắt, chính quyền địa phương hoặc
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân có trách nhiệm mà không phát hiện kịp thời sự cố, chướng ngại vật trên đường sắt có ảnh hưởng đến an toàn giao thông hoặc đã phát hiện mà không thông báo kịp thời, không phòng vệ hoặc phòng vệ không đúng quy định.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân có trách nhiệm không lập hoặc lập không đầy đủ hồ sơ tai nạn ban đầu; không thực hiện thông tin, báo cáo kịp thời về tai nạn giao thông đường sắt cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đủ các tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn giao thông đường sắt; không chuyển giao hồ sơ tai nạn ban đầu theo quy định;
+ Không thực hiện nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện cứu nạn;
+ Khi nhận được tin báo về tai nạn giao thông đường sắt hoặc khi được yêu cầu phối hợp, hỗ trợ không đến ngay hiện trường để giải quyết;
+ Không kịp thời có biện pháp xử lý, biện pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông đường sắt khi phát hiện hoặc nhận được tin báo công trình đường sắt bị hư hỏng;
+ Không kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố làm ảnh hưởng đến việc chạy tàu;
+ Gây trở ngại cho việc khôi phục đường sắt sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Thay đổi, xóa dấu vết hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sắt;
+ Lợi dụng tai nạn giao thông đường sắt để xâm phạm tài sản, phương tiện bị nạn; làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông đường sắt;
+ Gây tai nạn giao thông đường sắt mà không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền;
+ Không phối hợp, không chấp hành mệnh lệnh của người, cơ quan có thẩm quyền trong việc khắc phục hậu quả, khôi phục giao thông đường sắt.
– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt chuyên dùng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không có Hội đồng giải quyết tai nạn giao thông đường sắt hoặc Hội đồng phân tích tai nạn giao thông đường sắt khi có tai nạn giao thông đường sắt xảy ra theo quy định;
+ Không lưu trữ hồ sơ các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, không thường xuyên cập nhật số liệu về số vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt theo quy định;
+ Không quy định trách nhiệm của các đơn vị tham gia hoạt động trên đường sắt quốc gia trong việc giải quyết các vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt, không công bố công khai địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức, cá nhân có liên quan để phục vụ công tác xử lý sự cố, tai nạn giao thông đường sắt theo quy định.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức quản lý, kinh doanh đường sắt thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không xây dựng, thực hiện phương án phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt để bảo đảm giao thông đường sắt an toàn, thông suốt;
+ Không tuân thủ sự chỉ đạo, điều phối lực lượng của tổ chức phòng, chống sự cố, thiên tai, xử lý tai nạn giao thông đường sắt;
+ Không thông báo kịp thời sự cố đe dọa an toàn chạy tàu và việc tạm đình chỉ chạy tàu cho trực ban chạy tàu ga ở hai đầu khu gian nơi xảy ra sự cố hoặc nhân viên điều hành giao thông vận tải đường sắt;
+ Không đình chỉ chạy tàu khi thấy kết cấu hạ tầng đường sắt có nguy cơ gây mất an toàn chạy tàu;
+ Không thành lập tổ ứng phó cứu viện để giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt.
Tóm lại, các vụ tai nạn giao thông đường sắt hiện nay thường xảy ra ở các lối mở. Chính vì thế, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang để có thể đảm bảo an toàn cho mình, cho người khác và tránh bị xử phạt.
Mỗi vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra đều để lại hậu quả nặng nề. Nếu như văn hóa giao thông vẫn không được nâng cao và đường ngang tự phát không được quản lý chặt chẽ thì tình hình tai nạn giao thông đường sắt sẽ rất khó được kiềm chế.