Đối với một đất nước đang phát triển chủ yếu dựa vào quá trình khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên như Việt Nam thì sự tác động và ảnh hưởng của con người đối với môi trường, đặc biệt là môi trường đất giữ vai trò hết sức quan trọng. Dưới đây là quy định của pháp luật về mức xử phạt hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đất.
Mục lục bài viết
1. Những hành vi nào được xác định là gây ô nhiễm môi trường đất?
Nhìn chung thì môi trường đất là nơi trú ngụ của con người, và hầu hết các sinh vật cạn, môi trường đất là nền móng cho các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và văn hóa của con người. Đất là nguồn tài nguyên quý giá và con người sử dụng tài nguyên đất vào hoạt động sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho con người. Nhưng với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hóa như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái và diện tích đất bình quân đầu người giảm. Trong tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia nghèo vì muốn đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế mà xem nhẹ việc bảo vệ môi trường sống và kiểm soát công nghệ đã trở thành nạn nhân của các dự án đầu tư mới công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nước ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua cũng gặp phải những vấn nạn về những dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu và môi trường ô nhiễm nặng nề, đặc biệt là môi trường đất. Các nhà khoa học môi trường thế giới đã cảnh báo rằng, cùng với ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí thì ô nhiễm đất đai cũng là vấn đề đáng báo động, đặc biệt là trong việc sử dụng nông dược và phân hóa học. Ô nhiễm đất không những ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và sản lượng nông sản mà còn thông qua lương thực và rau quả … Ảnh hưởng gián tiếp tới sức khỏe con người và động vật. Ngày càng xuất hiện nhiều căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng mỗi năm. Do đó ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm môi trường đất cần phải được ngăn chặn và giải quyết một cách có hiệu quả nhất. Một số hành vi được xác định là gây ô nhiễm môi trường đất được pháp luật quy định cụ thể như sau:
– Hành vi chôn vùi và hành vi thải vào đất chất thải, chất thải hữu cơ khó phân hủy, chất độc hại, chất thải phóng xạ chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép vào tài nguyên đất;
– Hành vi sử dụng các chế phẩm vi sinh cũng như sử dụng phân bón hóa học, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất;
– Hành vi hủy hoại đất và hành vi làm biến dạng địa hình đất, làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng theo mục đích xác định của đất;
– Hành vi sản xuất cũng như gia công buôn bán các loại thuộc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam gây ô nhiễm, suy thoái ô nhiễm môi trường đất;
– Hành vi sử dụng những biện pháp bảo vệ thực vật có kháng sinh gây nguy hiểm cho con người, cho sinh vật, hủy hoại môi trường đất;
– Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý và bảo vệ tài nguyên đất … và các hành vi trái pháp luật khác.
2. Mức xử phạt hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đất:
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường đất cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng đến 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng đối với hành vi theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, là không thực hiện việc điều tra sơ bộ, điều tra chi tiết khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không báo cáo cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh về kết quả xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất theo quy định.
Thứ hai, phạt tiền từ 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng đến 80.000.000 (tám mươi triệu) đồng đối với hành vi theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, đó là không lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường; không gửi phương án xử lý cải tạo phục hồi môi trường tới cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để kiểm tra, giám sát theo quy định.
Thứ ba, phạt tiền từ 80.000.000 (tám mươi triệu) đồng đến 100.000.000 (một trăm triệu) đồng đối với hành vi theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, đó là không thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm theo quy định trong trường hợp gây ra ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, còn phải áp dụng các hình phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường đất, đó là buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do chủ thể có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm theo Điều 37 của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Gây ô nhiễm môi trường đất có phải chịu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường đất nói riêng nếu thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm theo Điều 235 của Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nhìn chung thì đối với các tội phạm về môi trường, khách thể của loại tội phạm về môi trường là những quan hệ xã hội về gìn giữ môi trường và sử dụng hợp lý những tài nguyên đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư. Đối tượng của tội phạm về môi trường là những đối tượng của các hành vi xâm hại đến môi trường trong đó bao gồm môi trường đất. Hiện nay pháp luật hình sự nước ta quy định tội phạm gây ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực cụ thể đặc biệt là Điều 235. Khách thể của tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam đối với môi trường đất thì không phân biệt đất thổ cư, đất canh tác hoặc đất rừng hay là các loại đất khác. Nhằm tăng cường bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm, thì hiện nay một số quan điểm của các nhà nghiên cứu đang tập trung xoay quanh vấn đề có hay không việc mở rộng phạm vi khách thể của tội ô nhiễm môi trường. Một số chuyên gia cho rằng nếu đối chiếu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì không chỉ quy định phạm vi ô nhiễm môi trường trong không khí, nước và đất mà còn phải quy định các thành phần khác của môi trường như âm thanh, ánh sáng… khi những lĩnh vực này đang ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm và không được chú ý bảo vệ. Tuy nhiên một số chuyên gia lại cho rằng, suy cho cùng thì ô nhiễm môi trường xảy ra ở đâu cũng chỉ là ô nhiễm môi trường đất, nước hoặc không khí mà thôi.
Khác với tội gây ô nhiễm môi trường không khí và tội gây ô nhiễm môi trường nước, đối với tội gây ô nhiễm môi trường đất thì người phạm tội chỉ thực hiện hành vi khách quan duy nhất là chôn vùi hoặc thải vào đất các khí độc hại. Các chất độc hại bị chôn vùi hoặc thải vào đất là các chất khí chưa bị chôn vùi hoặc thải vào đất đã được xác định là chất độc hại chứ không phải sau khi chôn vùi hoặc thải vào đất bị phân hủy thành các chất độc hại. Các chất này là các chất hữu cơ hoặc vô cơ được cơ quan có thẩm quyền xác định là chất độc hại như các chất hóa học có chứa độc tố hoặc các chất phóng xạ, các loại thuốc bảo vệ thực vật hoặc các loại thuốc bảo vệ động vật bị nhiễm độc chưa được cơ quan y tế có thẩm quyền xử lý hoặc chôn cất không theo quy định của cơ quan vệ sinh dịch tễ … Đồng thời hành vi đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải hoặc ô nhiễm môi trường ở mức độ nghiêm trọng, và các hậu quả khác tương đương.
4. Một số giải pháp khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường đất:
Có thể đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường nói chung trong đó có môi trường đất sao cho đạt hiệu quả tốt nhất, cụ thể như sau:
– Nâng cao ý thức của người dân, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi và không xả rác lung tung;
– Nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đối với các cán bộ hoặc đội ngũ phụ trách công tác bảo vệ môi trường;
– Thực hiện tốt chính sách trồng cây gây rừng và chôn lớp cũng như đốt rác thải một cách khoa học;
– Nghiêm cấm các hành vi xả thải các chất độc hại ra môi trường đất đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ môi trường động thực vật;
– Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường đất cũng như áp dụng kết hợp các biện pháp nông lâm ngư nghiệp, qua đó giảm sử dụng phân khoáng… cùng các biện pháp khác sao cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.