Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dưới đây là quy định về mức xử phạt trong hoạt động điện lực:
Mục lục bài viết
- 1 1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực:
- 2 2. Mức xử phạt khi vi phạm về Giấy phép hoạt động điện lực:
- 3 3. Mức xử phạt khi vi phạm về xây dựng, lắp đặt công trình điện:
- 4 4. Mức xử phạt đối với vi phạm về hoạt động phát điện:
- 5 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực:
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực:
Căn cứ Điều 3 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định các hình thức xử phạt hành chính đối với lĩnh vực điện lực bao gồm:
– Cảnh cáo.
– Phạt tiền: mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực điện lực đối với cá nhân là 100 triệu đồng; đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
– Ngoài ra áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bao gồm:
+ Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn.
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
+ Đình chỉ hoạt động điện lực có thời hạn.
+ Đình chỉ hoạt động dán nhãn năng lượng có thời hạn.
2. Mức xử phạt khi vi phạm về Giấy phép hoạt động điện lực:
– Xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng:
+ Khi không lưu giữ bản chính Giấy phép hoạt động điện lực tại trụ sở của tổ chức.
+ Khi không lưu giữ bản sao Giấy phép hoạt động điện lực tại văn phòng giao dịch của tổ chức.
– Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
+ Khi có sự thay đổi tên, địa chỉ trụ sở không thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi tên, địa chỉ trụ sở.
+ Đối với tình hình hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép theo quy định mà không tiến hành báo cáo hoặc thực hiện báo cáo không đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về.
– Xử phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng:
+ Trong thời gian bị mất, bị thất lạc Giấy phép hoạt động điện lực mà vẫn thực hiện hoạt động điện lực và không báo cáo lên cơ quan cấp phép.
+ Trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực còn thời hạn sử dụng, không thực hiện báo cáo với cơ quan cấp giấy phép chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực.
– Xử phạt từ 90 triệu đồng đến 120 triệu đồng:
+ Khi có sự thay đổi các nội dung trong Giấy phép hoạt động điện lực mà không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi.
+ Không tuân thủ một trong các nội dung của Giấy phép hoạt động điện lực.
+ Có hành vi tự ý sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn Giấy phép hoạt động điện lực.
– Xử phạt từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng:
+ Khi Giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn thực hiện hoạt động.
+ Cung cấp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép không chính xác, không trung thực.
+ Trong suốt thời gian hoạt động, không đảm bảo được một trong các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
– Xử phạt từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng:
+ Hoạt động điện lực mà không có Giấy phép hoạt động điện lực.
+ Trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực nhưng vẫn tiến hành hoạt động điện lực.
– Ngoài việc bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Bắt buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động điện lực trong thời gian vi phạm.
+ Bắt buộc nộp lại Giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp đối với hành vi vi phạm tương ứng.
(căn cứ Điều 5 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực).
3. Mức xử phạt khi vi phạm về xây dựng, lắp đặt công trình điện:
– Xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng:
Khi có hành vi cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, thi công công trình điện lực.
– Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
Khi thực hiện hành vi lắp đặt, sửa chữa, di dời công trình điện lực khi không có sự thỏa thuận với chủ sở hữu công trình điện lực hoặc đơn vị quản lý, vận hành công trình điện lực.
– Xử phạt từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng:
+ Thực hiện hành vi lắp đặt, đưa vật tư, thiết bị điện không đúng theo thiết kế, không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào vận hành thử.
+ Tự ý ban hành và bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến xây dựng, lắp đặt công trình điện không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
– Xử phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng:
+ Khởi công xây dựng, thi công lắp đặt công trình điện lực không phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực.
+ Đối với những trường hợp bắt buộc phải có Giấy phép xây dựng nhưng không có giấy phép xây dựng mà thực hiện khởi công xây dựng, thi công công trình điện lực.
+ Lựa chọn các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện, năng lực theo quy định để thực hiện tư vấn chuyên ngành điện lực, thi công công trình điện lực.
+ Khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng.
– Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Khôi phục lại tình trạng ban đầu.
+ Bắt buộc thay thế, lắp đặt các vật tư, thiết bị điện đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
+ Bắt buộc phải lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực đối với hành vi vi phạm tương ứng.
+ Bắt buộc phải nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trái pháp luật.
(căn cứ Điều 6 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực).
4. Mức xử phạt đối với vi phạm về hoạt động phát điện:
– Xử phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng:
+ Không cung cấp các thông tin sau: khả năng sẵn sàng phát điện, tình hình thực hiện phương thức vận hành của nhà máy điện, mức công suất dự phòng,…
– Xử phạt từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng:
+ Đưa những thiết bị chưa được thử nghiệm, kiểm định đạt chất lượng vào sử dụng.
+ Không tiến hành thực hiện thử nghiệm, kiểm định định kỳ các thiết bị theo quy định.
+ Đối với đấu nối và vận hành nhà máy điện, lưới điện không tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
– Xử phạt từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng:
+ Không thực hiện đầu tư hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS, đo đếm điện năng, các hệ thống AGC, PSS theo quy định.
+ Những thông tin về mức độ sẵn sàng của tổ máy và nhà máy cung cấp không chính xác.
+ Không duy trì hoạt động bình thường của hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS, đo đếm điện năng, các hệ thống AGC, PSS đã đầu tư.
+ Trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia không duy trì khả năng điều chỉnh tần số sơ cấp.
+ Trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, không thực hiện quy trì khả năng điều chỉnh điện áp của nhà máy.
– Ngoài phạt tiền mức phạt như trêm, đối tượng vi phạm còn bị bắt buộc phải thử nghiệm, kiểm định các thiết bị hay thay thế các thiết bị không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trường hợp có thu lợi số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm thì phải nộp lại số tiền có được đó.
Buộc đầu tư và duy trì hoạt động bình thường của các thiết bị thông tin liên lạc, SCADA/EMS, đo đếm điện năng, các hệ thống AGC, PSS theo quy định/
Và buộc phải duy trì khả năng điều chỉnh tần số sơ cấp, khả năng điều chỉnh điện áp theo quy định.
(căn cứ Điều 7 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực).
5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực:
Căn cứ Điều 2 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định thời hiệu xử ý vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực là 01 năm.
Trường hợp hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Nếu như cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhiều lần:
+ Vi phạm nhiều lần được áp dụng là tình tiết tăng nặng để người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
+ Trường hợp xử phạt theo giá trị, số lượng, khối lượng hoặc loại tang vật, phương tiện vi phạm: sẽ bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, không áp dụng tình tiết tăng nặng.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BCT quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.