Hiện nay, vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan đến các quy định của Hội thẩm nhân dân. Điển hình như mức phụ cấp xét xử của Hội thẩm nhân dân là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Mức phụ cấp xét xử của Hội thẩm nhân dân là bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 103 Hiến pháp 2013, Điều 8 của Luật tổ chức tòa án nhân dân 2014, Điều 11 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Điều 22 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và Điều 12 của Luật tố tụng hành chính 2015 quy định việc xét xử sơ thẩm của tòa án phải có Hội thẩm nhân dân tham gia trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
Như vậy, căn cứ theo quy định hiện nay thì pháp luật quy định Hội thẩm nhân dân phải có trong các phiên xét xử sơ thẩm hình sự, dân sự, hành chính. Việc Hội thẩm tham gia xét xử sơ thẩm nhằm xét xử vụ án được công bằng, đúng người, đúng tội, nhân dân được thể hiện ý kiến của mình trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, Hội thẩm còn được giao quyền ngang với thẩm phán trong việc biểu quyết để ra một bản án theo hình thức đa số. Vậy mức Mức phụ cấp xét xử của Hội thẩm nhân dân hiện nay được quy định như sau:
Căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 1213/2016/UBTVQH13 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Theo đó, thì mức phụ cấp hoạt động của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm được xác định như sau:
Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân sẽ được hưởng phụ cấp hoạt động hằng tháng được xác định bằng 40% mức lương cơ sở.
Phó Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân sẽ được hưởng mức phụ cấp hoạt động hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở.
2. Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm nhân dân:
– Hội thẩm nhân dân sẽ được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.
– Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm sẽ được dự toán trong kinh phí các hoạt động của Tòa án, có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo quy định của luật.
– Hội thẩm đó là công chức, viên chức, cán bộ, quân nhân tại ngũ, công nhân quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm sẽ được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.
– Hội thẩm được tôn vinh và khen thưởng dựa theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
– Hội thẩm được hưởng phụ cấp khi xét xử, được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử.
– Chế độ phụ cấp xét xử, mẫu trang phục, cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
3. Nguyên tắc trong việc xét xử giữa Tòa án và Hội thẩm nhân dân:
Thẩm phán, Hội thẩm có thẩm quyền xét xử độc lập và chỉ tuân theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào.
Cá nhân hoặc cơ quan tổ chức có những hành vi mục đích can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thì sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc đưa Hội thẩm nhân dân vào trong Hội đồng xét xử sơ thẩm thể hiện sự quan tâm của Đảng ta đến với nhân dân, để nhân dân được giám sát, tham gia, đưa ra ý kiến của mình.
Hội thẩm nhân dân là đại diện cho tiếng nói của người dân tham gia vào thành phần Hội đồng xét xử để nâng cao đối với vai trò của người dân, là tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tuy nhiên cũng cần phải quy định khắt khe hơn về điều kiện để trở thành Hội thẩm, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để ngày càng nâng cao chất lượng xét xử, tránh tình trạng oan sai, và nâng cao nền tư pháp nước nhà, tạo niềm tin cho nhân dân với pháp luật, đúng với tinh thần Hiến pháp là một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
4. Thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 86 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định thủ tục bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân như sau:
– Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương sẽ có trách nhiệm đề xuất nhu cầu về số lượng, cơ cấu thành phần Hội thẩm đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp lựa chọn và giới thiệu người đủ tiêu chuẩn căn cứ theo quy định tại Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 để Hội đồng nhân dân có thẩm quyền theo luật định bầu Hội thẩm nhân dân;
– Chánh án Tòa án nhân dân sau khi đã thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. đề nghị đến Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân.
– Hội thẩm quân nhân của Tòa án quân sự quân khu và tương đương sẽ do Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương.
– Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau khi đã thống nhất với cơ quan chính trị quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương đề nghị Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
– Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực do Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương cử theo sự giới thiệu của cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương.
– Chánh án Tòa án quân sự khu vực sau khi đã thống nhất với cơ quan chính trị sư đoàn hoặc cấp tương đương đề nghị Chính ủy quân khu, quân đoàn, quân chủng, tổng cục hoặc cấp tương đương miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm quân nhân Tòa án quân sự khu vực.
5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân như sau:
– Hội thẩm Tòa án nhân dân trong đó gồm có:
+ Hội thẩm nhân dân: Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân
+ Hội thẩm quân nhân: Hội thẩm quân nhân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự theo phân công của Chánh án Tòa án nơi mình được cử làm Hội thẩm quân nhân.
– Hội thẩm có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.
– Trong thời gian 01 năm công tác mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;
– Nghị quyết 1213/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm.