Mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quy định về việc bảo vệ môi trường.
Ngày nay, vấn đề môi trường đang trở thành điểm nóng của xã hội. Tại các địa phương, vấn đề về xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường được các sở, ban ngành quan tâm để thực hiện chỉ đạo. Khi các hộ gia đình, cá nhân hay các cơ sở kinh doanh xả thải ra môi trường thì họ phải nộp một khoản phí theo quy định để các công ty thực hiện dịch vụ bảo vệ môi trường họ hoạt động nhằm giảm thiểu tác động xấu của rác thải đối với môi trường. Vấn đề về mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng được các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo chặt chẽ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin về mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý
– Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND về thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
– Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
– Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
– Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
1. Mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh
1.1. Đối với rác thải sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt
Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo quyết định mới, khái niệm về mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đã không còn mà thay vào đó là khái niệm về mức giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Trong tình hình mới, khi mà việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trở nên phức tạp hơn, sử dụng nhiều máy móc hiện đại hơn thì giá của những dịch vụ này cũng tăng lên, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước:
– Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom tại nguồn như sau:
+ Đối với thu gom tại nguồn bằng phương pháp thủ công: 364.000 đồng/tấn, tương đương 364 đồng/kg.
+ Đối với thu gom tại nguồn bằng phương tiện cơ giới: 166.000 đồng/tấn, tương đương 166 đồng/kg.
– Giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt là: 247.000 đồng/tấn, tương đương 247 đồng/kg.
Thứ hai, đối với giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước là: 475.000 đồng/tấn, tương đương 475 đồng/kg.
Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND cũng quy định cụ thể lộ trình thực hiện mức giá này thể hiện thông qua bảng sau:
Nội dung | Đơn vị tính | Lộ trình | |||
Năm 2018 – 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 trở đi | ||
1. Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước | |||||
a) Giá tối đa đối với dịch vụ thu gom tại nguồn | |||||
Thu gom thủ công | Đồng/kg | 364 | 364 | 364 | 364 |
Thu gom cơ giới | Đồng/kg | 166 | 166 | 166 | 166 |
b) Giá tối đa đối với dịch vụ vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt | Đồng/kg | 40 | 133,5 | 227 | 247 |
2. Giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước | Đồng/kg | – | – | – | 475 |
Khi áp dụng mức giá này, các địa phương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý như sau:
– Giá này đã tách thuế giá trị gia tăng đầu vào và chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng đầu ra.
– Ủy ban nhân dân quận – huyện căn cứ vào mức giá tối đa nêu trên và hướng dẫn của các Sở ngành liên quan để xây dựng mức giá chi tiết áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn quản lý.
– Trong quá trình thực hiện, khi có sự thay đổi các cấu phần của đơn giá chi tiết (tiền lương, định mức giá nhiên liệu và các yếu tố khác trong xây dựng đơn giá), Ủy ban nhân dân quận – huyện chủ động điều chỉnh giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước áp dụng trên địa bàn quản lý cho phù hợp.
Như vậy có thể thấy, trong việc xử lý rác thải thì pháp luật hiện nay đã quy định đối với các hộ gia đình tham gia dịch vụ thu gom rác thải, vận chuyển rác thải sinh hoạt thì đều phải trả phí dịch vụ nhưng đối với chi phí sử dụng thì áp dụng theo mức được quy định tại Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND.
1.2. Đối với nước thải
Nước thải sinh hoạt
– Nước thải sinh hoạt là nước thải từ hoạt động của:
+ Hộ gia đình, cá nhân.
+ Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức khác (gồm cả trụ sở điều hành, chi nhánh, văn phòng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức này), trừ các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức này.
+ Cơ sở: Rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy.
+ Cơ sở khám, chữa bệnh; nhà hàng, khách sạn; cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Theo Quyết định số 24/2016/QĐ-UBND thì phương thức thu, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020 được thực hiện như sau:
– Đối với phương thức thu: theo tỷ lệ % trên giá nước sạch.
– Đối với mức thu: 10% trên giá bán nước sạch, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Quy định đơn giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Định mức sử dụng nước | Đơn giá (đồng/m3) | |||
Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
a) Đến 4m3/người/tháng | ||||
– Hộ dân cư: | 5.600 | 6.000 | 6.300 | 6.700 |
– Riêng hộ nghèo và cận nghèo: | 5.300 | 5.600 | 6.000 | 6.300 |
b) Từ 4m3 đến 6m3/người/tháng | 10.800 | 11.500 | 12.100 | 12.900 |
c) Trên 6m3/người/tháng | 12.100 | 12.800 | 13.600 | 14.400 |
Nước thải công nghiệp
– Nước thải công nghiệp là nước thải từ các nhà máy, địa điểm, cơ sở sản xuất, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Theo quy định tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:
– Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải dưới 5 m3/ngày-đêm: áp dụng mức thu phí cố định f = 1.500.000 đồng/năm.
– Đối với cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5 m3/ngày-đêm trở lên sẽ tính phí theo công thức sau:
F = (f x K) + C
Trong đó:
+ F là số phí phải nộp (đồng)
+ f = 1.500.000 đồng
+ K là hệ số lưu lượng xả thải
+ C là số phí biến đổi phải nộp
Miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải
Pháp luật quy định miễn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trong các trường hợp sau:
– Nước xả ra từ các nhà máy thủy điện.
– Nước biển dùng vào sản xuất muối xả ra.
– Nước thải sinh hoạt của:
+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các xã;
+ Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở các phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sạch;
+ Hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh ở các phường, thị trấn đã có hệ thống cấp nước sạch tự khai thác nước sử dụng.
– Nước làm mát (theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường) không trực tiếp tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, có đường thoát riêng.
– Nước thải từ nước mưa tự nhiên chảy tràn.
– Nước thải từ các phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân.
– Nước thải của các hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị đã xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường theo quy định trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.
Như vậy, trên nội dung mức thu phí đối với việc xử lý nước thải thì áp dụng theo mức thu phí riêng thì tính theo mức % so với giá sử dụng nước sạch và mỗi một loại nước thải sử dụng thì sẽ áp dụng công thức tính phí riêng áp dụng theo mét khối sử dụng.
2. Tổ chức thu phí
– Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của các cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn. Căn cứ tình hình thực tế quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các cơ sở trên địa bàn.
+ Tổ chức cung cấp nước sạch thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nguồn nước sạch do mình cung cấp.
+ Ủy ban nhân dân phường, thị trấn thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt của tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tự khai thác nước để sử dụng.
– Đối với rác thải sinh hoạt và chất thải rắn sinh hoạt: Ủy ban nhân dân quận- huyện sẽ tiến hành tổ chức lực lượng thu giá dịch vụ theo hướng dẫn của các Sở ngành liên quan.
3. Đối tượng áp dụng
– Cá nhân, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt (chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn thành phố.
– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
+ Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.
+ Trường hợp các cơ sở sử dụng nguồn nước sạch từ tổ chức cung cấp nước sạch cho hoạt động sản xuất, chế biến thì chủ cơ sở phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt).
Như vậy, từ những quy định trên có thể thấy việc thu phí vệ sinh môi trường là rất cần thiết bởi lẽ hằng ngày có rát nhiều loại rác thải được xả ra môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống vì vậy cần phải có hệ thống thu gom và xử lý, để đảm bảo được hoạt đọng thì người sử dụng cần phải nộp các loại phí vệ sinh đó theo quy định.