Sản xuất phân bón là một trong những hoạt động sản xuất phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp. Hoạt động sản xuất phân bón cũng phải tuân thủ theo các quy định chung của pháp luật về tiêu chuẩn lấy mẫu và phân tích. Dưới đây là bài phân tích về mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu và phân tích phân bón.
Mục lục bài viết
1. Mẫu tiêu chuẩn ngành về lấy mẫu và phân tích phân bón:
TIÊU CHUẨN NGÀNH
10TCN 301:2005
PHÂN BÓN
PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp lấy mẫu và chuẩn bị mẫu cho các loại phân bón ở thể rắn để kiểm nghiệm chất lượng trong phòng thử nghiệm
Các loại phân bón ở thể lỏng hoặc ở dạng đặc biệt có thể lựa chọn một phương pháp khác cho phù hợp (xem phụ lục)
2. Tiêu chuẩn trích dẫn, tham khảo
TCVN 1078-1999 – Phân lân canxi magiê
TCVN 5815 : 2001 – Phân hỗn hợp NPK – Phương pháp thử
3. Các thuật ngữ
3.1. Lô hàng
Lô hàng là lượng sản phẩm được sản xuất cùng một thời gian, có cùng một mức chất lượng, cùng một loại bao bì, giao nhận cùng một lúc, có cùng một giấy chứng nhận chất lượng và không quá 500 tấn
3.2. Mẫu ban đầu
Mẫu ban đầu là mẫu lấy đầu tiên trên một đơn vị bao gói hay một vị trí của khối sản phẩm để rời, thuộc phạm vi một lô hàng
3.3. Mẫu chung
Mẫu chung là mẫu hỗn hợp của các mẫu ban đầu thuộc phạm vi một lô hàng, khối lượng tối thiểu của mẫu chung là 2 kg (sau khi hỗn hợp các mẫu ban đầu, tiến hành lấy mẫu trung bình theo phương pháp đường chéo, cho đến khi còn 2 kg) (xem mục 4.4.4.)
Mẫu chung được chia thành hai phần, cho vào hai bao túi đựng mẫu, buộc kín, niêm phong, ghi nhãn mác, mã số. Một bao làm mẫu lưu tại cơ sở lấy mẫu, một bao chuyển đến phòng thử nghiệm phân tích các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm.
4. Phương pháp lấy mẫu
4.1. Nguyên tắc
Lấy mẫu là khâu có ý nghĩa quyết định độ chính xác của công việc kiểm nghiệm chất lượng phân bón, mẫu phải đại diện được mọi tính chất của sản phẩm trong phạm vi lô hàng, được bảo quản xử lý đúng quy cách không làm thay đổi thành phần và hàm lượng các chất cần kiểm nghiệm của sản phẩm.
4.2. Thiết bị dụng cụ
– ống thăm mẫu có dạng hình ống lòng máng, sử dụng để lấy mẫu ban đầu cho các loại phân bón dạng hạt, ống thăm mẫu làm bằng chất liệu không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (thường được làm bằng kim loại không rỉ), có thể lấy được mẫu ở các vị trí tuỳ ý trong bao hay đống sản phẩm.
– Bao túi đựng mẫu sạch, khô, kín, làm bằng chất liệu PE hoặc làm bằng chất liệu không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
– Rây cỡ 2mm làm bằng nhựa hoặc bằng kim loại không rỉ.
– Chầy cối bằng sứ (hoặc bằng thủy tinh), bút viết trên bao túi, dây buộc và các dụng cụ khác trong phòng thử nghiệm.
4.3. Tiến hành lấy mẫu
4.3.1. Lấy mẫu ban đầu
– Các mẫu ban đầu được phân bổ ngẫu nhiên ở các vị trí phía trên, giữa, dưới, trong, ngoài của lô hàng.
– Lấy ở 1% số bao của lô hàng, số lượng tối thiểu mẫu ban đầu không ít hơn năm mẫu với các lô hàng nhỏ dưới 500 bao (sản phẩm đóng bao), và không ít hơn năm mẫu với các lô hàng nhỏ dưới 10 tấn (sản phẩm để rời).
– Khối lượng mỗi mẫu ban đầu không nhỏ hơn 200 gam (trường hợp bao gói sản phẩm nhỏ hơn 200 gam thì lấy bao gói sản phẩm làm mẫu ban đầu).
– Phân bón có cỡ hạt lớn, độ đồng đều thấp cần phải tăng số lượng và tăng khối lượng mẫu ban đầu.
4.3.2. Lấy mẫu chung
– Tập hợp các mẫu ban đầu thuộc phạm vi một lô hàng, hỗn hợp lại, trộn đều từ ba đến năm lần, lấy mẫu trung bình theo phương pháp đường chéo, cho đến khi còn khoảng 2kg mẫu (xem mục 4.4.4.).
– Chia mẫu chung thành hai phần, cho vào hai bao túi đựng mẫu, buộc kín ghi nhãn mác, mã số và niêm phong. Một bao làm mẫu lưu tại cơ sở lấy mẫu, một bao chuyển đến phòng thử nghiệm phân tích các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm chất lượng.
– Nhãn mác cần ghi rõ mã số mẫu, tên cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, số hiệu lô hàng, ngày tháng năm sản xuất, tên người lấy mẫu và ngày lấy mẫu.
4.4. Chuẩn bị mẫu tại phòng thử nghiệm
4.4.1. Lấy mẫu phân tích
– Nhanh chóng kiểm tra nhãn mác, tình trạng mẫu, lấy mẫu phân tích
– Trộn đều mẫu từ ba đến năm lần, lấy mẫu trung bình theo phương pháp đường chéo, cho đến khi còn khoảng 500 gam (xem mục 4.4.4.).
– Chia mẫu thành hai phần, cho vào hai bao túi đựng mẫu, buộc kín ghi mã số mẫu, mã số phân tích. Một bao làm mẫu lưu tại phòng thử nghiệm, một bao xử lý theo yêu cầu của các chỉ tiêu phân tích.
– Lập bảng biểu ghi mã số mẫu, mã số phân tích, yêu cầu phân tích.
4.4.2. Xử lý mẫu phân tích
– Nghiền nhanh mẫu bằng cối chầy sứ, qua rây nhựa 2mm, trộn đều từ ba đến năm lần, lấy mẫu trung bình theo phương pháp đường chéo, cho đến khi còn khoảng 100 gam (xem mục 4.4.4.), cho vào túi đựng mẫu, buộc kín, ghi mã số phân tích, chuyển đến bộ phận thử nghiệm, tiếp tục xử lý mẫu theo yêu cầu của mỗi chỉ tiêu phân tích.
Lưu ý:
– Các mẫu có độ ẩm cao không thể rây qua rây 2mm, có thể làm như sau: Trộn đều mẫu năm lần, lấy mẫu trung bình, cho đến khi còn khoảng 50 gam, nghiền trộn mẫu nhiều lần cho thật mịn, cho vào túi đựng mẫu, buộc kín, ghi mã số phân tích, chuyển đến bộ phận thử nghiệm.
– Ưu tiên phân tích kiểm nghiệm trước với các chỉ tiêu dễ biến động như độ ẩm, NO3-, NH4+, vi sinh vật.
– Phân tích các chỉ tiêu vi lượng cần tránh tiếp xúc mẫu với các vật bằng kim loại trong quá trình xử lý mẫu.
4.4.3. Bảo quản lưu giữ mẫu
– Không làm thay đổi thành phần và hàm lượng các chất cần kiểm nghiệm trong quá trình lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, và lưu giữ mẫu.
PHỤ LỤC
(Tham khảo)
PHƯƠNG PHÁP LẤY MẪU VÀ CHUẨN BỊ MẪU CHO CÁC LOẠI PHÂN BÓN THỂ LỎNG
B.1. Phạm vi áp dụng
Phụ lục này hướng dẫn phương pháp lấy mẫu và chuẩn bị mẫu cho các loại phân bón ở thể lỏng để kiểm nghiệm chất lượng trong phòng thử nghiệm
B.2. Phương pháp lấy mẫu
B.2.1. Nguyên tắc (xem mục 4.1.)
B.2.2. Tiến hành lấy mẫu
B.2.2.1. Lấy mẫu ban đầu (xem mục 4.3.1.)
– Các mẫu ban đầu được phân bổ ngẫu nhiên ở các vị trí phía trên, giữa, dưới, trong, ngoài của lô hàng
– Số lượng tối thiểu mẫu ban đầu không ít hơn sáu mẫu với các lô hàng nhỏ dưới 500 đơn vị sản phẩm đóng gói, không ít hơn sáu mẫu với các lô hàng nhỏ dưới 10 tấn (sản phẩm không đóng gói)
– Khối lượng mỗi mẫu ban đầu không nhỏ hơn 100gam và không nhỏ hơn khối lượng của một đơn vị sản phẩm đóng gói (trường hợp sản phẩm đóng gói hơn 100gam thì lấy hai đơn vị sản phẩm đóng gói làm mẫu ban đầu)
B.2.2.2. Lấy mẫu chung
– Tập hợp các mẫu ban đầu thuộc phạm vi một lô hàng, chia thành hai phần, mỗi phần có ít nhất ba đơn vị sản phẩm đóng gói, cho vào hai bao túi đựng mẫu, buộc kín ghi nhãn mác, mã số và niêm phong. Một bao làm mẫu lưu tại cơ sở lấy mẫu, một bao chuyển đến phòng thử nghiệm phân tích các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm chất lượng
– Nhãn mác cần ghi rõ mã số mẫu, tên cơ sở sản xuất, tên sản phẩm, số hiệu lô hàng, ngày tháng năm sản xuất, tên người lấy mẫu và ngày lấy mẫu
B.2.3. Chuẩn bị mẫu tại phòng thử nghiệm
B.2.3.1. Lấy mẫu phân tích
– Nhanh chóng kiểm tra nhãn mác, tình trạng mẫu, lấy mẫu phân tích
– Chia mẫu thành hai phần, mỗi phần có ít nhất ba đơn vị sản phẩm bao gói, cho vào hai bao túi đựng mẫu, buộc kín ghi mã số mẫu, mã số phân tích. Một bao làm mẫu lưu tại phòng thử nghiệm, một bao xử lý theo yêu cầu của các chỉ tiêu phân tích.
– Lập bảng biểu ghi mã số mẫu, mã số phân tích, yêu cầu phân tích.
B.2.3.2. Xử lý mẫu phân tích
– Sử dụng ít nhất ba đơn vị sản phẩm đóng gói, lắc mẫu nhiều lần trước khi mở sản phẩm
– Hỗn hợp ít nhất ba đơn vị sản phẩm đóng gói có cùng khối lượng (hoặc cùng thể tích), lắc trộn đều, ghi mã số phân tích
– Hoà loãng mẫu hỗn hợp: Cân 5gam mẫu (±0,0002 gam) vào cốc cân, chuyển mẫu sang bình định mức 50ml, hoà loãng bằng nước cất tới vạch định mức, lắc trộn nhiều lần, ghi hệ số hoà loãng, mã số phân tích, chuyển đến bộ phận thử nghiệm, tiếp tục xử lý theo yêu cầu của mỗi chỉ tiêu phân tích (trong trường hợp trên một mililit dung dịch mẫu sau khi hoà loãng tương đương với 0,1 gam mẫu)
– Lưu ý: Trong một số trường hợp cần xác định tỷ trọng của mẫu để khi cần chuyển đối đơn vị hàm lượng
2. Mức phạt vi phạm quy định về lấy mẫu và phân tích phân bón:
Điều 9 Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định về mức xử phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón; phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón như sau:
– Đối với một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón để đánh giá chứng nhận hợp quy hoặc phục vụ quản lý nhà nước, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
+ Không có Giấy chứng nhận tập huấn lấy mẫu phân bón hoặc Chứng chỉ đào tạo người lấy mẫu phân bón đã thực hiện việc lấy mẫu phân bón;
+ Không áp dụng phương pháp lấy mẫu theo Tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón ( ngoại trừ trường hợp phân bón chưa có tiêu chuẩn quốc gia về lấy mẫu phân bón).
– Đối với hành vi không công bố phương pháp lấy mẫu, phương pháp phân tích, thử nghiệm mẫu theo quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với loại phân bón chưa có quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
– Đối với hành vi phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước sử dụng phép thử nằm ngoài phạm vi được chỉ định, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
– Đối với hành vi phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón phục vụ quản lý nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc chỉ định, chủ thể vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
– Chủ thể vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động hoặc quyết định chỉ định từ 06 tháng đến 12 tháng; buộc hủy bỏ kết quả lấy mẫu phân bón, kết quả phân tích, thử nghiệm chất lượng phân bón.
3. Tại sao Nhà nước đưa ra mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về lấy mẫu và phân tích phân bón tương đối lớn?
Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất. Hoạt động sản xuất phân bón không chỉ mang hình thức tự cung tự cấp, mà hoạt động sản xuất phân bón mà các doanh nghiệp thực hiện là để phân bổ, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Nếu chất lượng không đảm bảo, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nông nghiệp.
Biện pháp xử phạt hành chính mà Nhà nước đưa ra mang tính răn đe, xử phạt đối với chủ thể vi phạm. Đồng thời, nó giúp các cá nhân, tổ chức khác nhìn vào, điều chỉnh hành vi của mình, để không vi phạm quy định về sản xuất phân bón.
Quy định mà Nhà nước đưa ra với mục đích lớn nhất là đảm bảo chất lượng của phân bón, thúc đẩy sự phát triển trong chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Nghị định 55/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón