Tác hại của việc chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác ăn cắp mà có? Mức phạt tội tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác ăn cắp mà có?
Trộm cắp tài sản là hành vi diễn ra khá phổ biến hiện nay. Bên cạnh những quy định về việc xử lý hành vi phạm tội trộm cắp tài sản, pháp luật Việt Nam cũng đưa ra những quy định cụ thể khách quan về mức phạt tội tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác ăn cắp.
Căn cứ pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Tác hại của việc tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác ăn cắp mà có:
Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội ăn cắp mà có được hiểu là trường hợp biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cất giữ, bảo quản chúng; giúp người phạm tội bao che tài sản phạm tội khi cơ quan chức năng tiến hành vào cuộc điều tra. Việc tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác ăn cắp mà có mang đến những tác hại như sau:
– Thứ nhất, việc tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội ăn cắp mà có khiến công tác điều tra, thu thập chứng cứ nhằm xác minh tội phạm trở nên khó khăn, dẫn đến việc ảnh hưởng trực tiếp tới thiệt hại của những người bị hành vi phạm tội xâm phạm.
– Thứ hai, hành vi này còn tạo động lực thúc đẩy cho hành những hành vi phạm tội này xảy ra, một phần nào đó khuyến khích người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội, nặng hơn chính là làm cho việc điều tra phát hiện bị bế tắc phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra vì không thu hồi được tài sản do phạm tội mà có. Bởi tài sản được xem là chứng cứ quan trọng nhất trong việc điều tra cũng như phát giác tội phạm.
– Thứ ba, việc tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội ăn cắp mà có gây rối loạn trật tự công cộng. Khi mà tài sản có được do hành vi phạm tội được chứa chấp, tiêu thụ sẽ khiến những kẻ phạm tội có thêm động lực để thực hiện hành vi vi phạm. Tài sản do phạm tội mà có lại được ngang nhiên tiêu thụ, sử dụng, khiến lợi ích của người bị thiệt hại bị xâm phạm trực tiếp. Hành vi phạm tội tiếp tục tiếp diễn, dẫn đến an ninh trật tự xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Thứ tư, việc tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác ăn cắp mà có, khiến người thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ rơi vào cảnh vi phạm pháp luật, và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Mức phạt tội tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có:
Điều 323 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về mức phạt tội tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
“1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy nên, tài sản có được do ăn cắp được xem là tài sản có được do phạm tội mà có. Theo quy định của pháp luật, người nào biết rõ hành vi của mình là đang tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ bị xử phạt theo đúng với quy định của pháp luật. Tùy theo mức độ nguy hiểm cho xã hội, giá trị tài sản cũng như mức độ thực hiện hành vi vi phạm mà mức xử phạt cũng khác khác nhau. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 15 năm. Ngoài ra còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Có thể thấy, pháp luật Việt Nam quy định khá chặt chẽ và rõ ràng về tội tiêu thụ, chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Điều này góp phần giảm thiểu tình trạng trộm cắp tài sản. Bởi tài sản trộm cắp (đặc biệt là hiện vật) không có nơi chứa chấp hay tiêu thụ, thì người thực hiện hành vi phạm tội cũng không được được lợi ích là thu lợi từ hành vi bất chính của mình. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hơn tất cả, nó đảm bảo cuộc sống lành mạnh, an toàn cho người dân cũng như lợi ích hợp pháp của họ.
3. Khái niệm trộm cắp tài sản theo quy định của luật:
– Trộm cắp là một hành vi phạm tội khi một người hoặc một nhóm người lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản của người khác một cách trái pháp luật, đối tượng tác động có thể là tiền, dịch vụ, thông tin,…mà không có sự cho phép của chủ nhân.
– Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, điều luật này không mô tả các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận có thể định nghĩa: Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý, cụ thể:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, trộm cắp tài sản là hành vi phạm tội, bị điều chỉnh bởi Bộ luật hình sự 2015. Nếu cá nhân vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Nguyễn Văn A 26 tuổi, mới tốt nghiệp Đại học và không có việc làm. Do cần tiền tiêu xài nên A đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Lợi dụng lúc nhà hàng xóm không có ai ở nhà, Nguyễn Văn A đã lén lút cạy cửa đi vào nhà, lấy cắp tiền, vàng, với tổng giá trị lên tới 100 triệu đồng. Do có camera nên hành vi phạm tội của A sớm bị phát giác. A bị bắt. Tại phiên tòa xét xử, A bị tuyên phạt 8 năm tù giam về tội trộm cắp tài sản theo điểm b, khoản 2, Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.