Việc kê khai thuê và đóng thuế là nghĩa vụ của mọi cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định, nếu không sẽ chịu những chế tài theo quy định. Vậy mức phạt lỗi ghi nhận doanh thu không đúng kỳ tính thuế được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về doanh thu tính thuế và kỳ tính thuế:
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đó là:
– Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua;
– Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua;
– Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động vận tải hàng không là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua.
Như vậy, có thể thấy ngày lập hóa đơn không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền mà là thời điểm đã hoàn thành xong công việc, nếu tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.
Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định kỳ tính thuế là khoảng thời gian để xác định số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 7 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật thuế TNCN sửa đổi 2012 về kỳ tính thuế TNCN) quy định về kỳ tính thuế như sau:
– Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được xác định theo quy định:
+ Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền công, tiền lương;
+ Kỳ tính theo theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ các hoạt động: đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; từ chuyển nguyện BĐS; trúng thưởng; bản quyền; nhượng quyền thương mại; thừa kế; quà tặng;
+ Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
– Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế;
– Kỳ tính thuế của doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, nếu doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế được xác định theo năm tài chính đó;
+ Đối với doanh nghiệp mới thành lập thì kỳ tính thuế năm đầu tiên được tính kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;
+ Kỳ tính thuế năm cuối cùng đối với doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu có thời gian ngắn hơn 03 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế của năm tiếp theo.
2. Mức phạt lỗi ghi nhận doanh thu không đúng kỳ tính thuế:
Ghi nhận doanh thu không đúng kỳ tính thuế có nghĩa là theo quy định doanh thu phải được ghi đúng kỳ nhưng người có doanh thu tính thuế lại ghi sai kỳ. Có thể hiểu đây là hành vi lập hóa đơn sai điểm, việc lập hóa đơn sai thời điểm là nguyên nhân khiến xác định sai doanh thu để tính thu nhập chịu thuế, dẫn tới tính sai số thuế phải nộp, từ đó dẫn đến việc chậm nộp do phải thực hiện việc sửa chữa sai sót.
Căn cứ Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm thì mức xử phạt như sau:
– Đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm không dẫn đến việc chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ thì phạt cảnh cáo;
– Đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định nêu trên thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
– Đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm không thuộc hai trường hợp nêu trên thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Ví dụ: Công ty giao hàng A, đã giao hàng xong cho khách vào tháng 11/2014 nhưng đến tháng 01/2015 mới ghi nhận doanh thu này để tính thuế, thì đây là hành vi lập hóa đơn sai thời điểm, tuy nhiên sau đó đã lập hóa đơn trước khi cơ quan thuế ra thông báo nộp chậm thì không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, nếu có tình tiết giảm nhẹ sẽ phạt cảnh cáo, nếu không có tình tiết giảm nhẹ thì sẽ phạt theo mức trung bình của từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng là 4.000.000 đồng.
3. Hành vi trốn thuế và mức xử phạt đối với hành vi trốn thuế:
Từ những phân tích ở trên có thể thấy hành vi lập hóa đơn sai thời điểm tùy trường hợp có thể dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ nộp thuế như nộp chậm, nhiều trường hợp có thể cấu thành hành vi trốn thuế. Nếu nộp chậm thì có thể tính phạt chậm nộp số tiền thuế đã nộp muộn tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế. Còn nếu tại thời điểm khi cơ quan thuế vào thanh kiểm tra mà cá nhân, tổ chức chưa tiến hành kê khai thuế cho những doanh thu lập hóa đơn chậm thì có thế có yếu tố trốn thuế, và bị truy thu thuế.
Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định các hành vi sau đây là hành vi trốn thuế:
– Người có nghĩa vụ không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế. Hoặc nộp nhưng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nếu được gia hạn thì kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
– Cá nhân, tổ chức không ghi chép các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp vào sổ kế toán hoặc không khai hoặc khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp. Hoặc khai nhằm tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thu.
– Cá nhân, tổ chức khi bán hàng hóa, dịch vụ không lập hóa đơn, hoặc lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực.
– Cá nhân, tổ chức sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
– Cá nhân, tổ chức sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ
– Cá nhân, tổ chức sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định.
Hành vi trốn thuế sẽ phải chịu mức xử phạt tùy vào mức độ, hậu quả, tùy thuộc vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người có hành vi như sau:
– Hành vi trốn thuế nhưng người trốn thuế có 1 tình tiết giảm nhẹ, thì phạt tiền 1 lần số tiền trốn thuế;
– Hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì phạt tiền 1,5 lần số tiền trốn thuế;
– Hành vi trốn thuế nêu trên mà có một tình tiết tăng nặng thì phạt tiền 2 lần số tiền trốn thuế.
– Hành vi trốn thuế nêu trên và có hai tình tiết tăng nặng thì phạt tiền 2,5 lần số tiền trốn thuế
– Hành vi trốn thuế nêu trên và có ba tình tiết tăng nặng thì phạt tiền 3 lần số tiền trốn thuế.
Ngoài ra, sẽ còn bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước, nếu đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước,….
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế năm 2019
– Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn