Hiện nay, lao động nữ được hưởng các chế độ nghỉ ngày đèn đỏ. Do đó, cần nắm rõ quy định để tránh bỏ lỡ quyền lợi hoặc bị doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi mà không biết. Vậy theo quy định hiện nay thì mức phạt khi không cho lao động nữ nghỉ ngày đèn đỏ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt khi không cho lao động nữ nghỉ ngày đèn đỏ:
Chào Luật sư. Em là Tuyết hiện đang làm công nhân cho một xưởng may mặc ở Bình Dương. Em đã gắn bó với công ty gần 10 năm. Những lần trước, quản lý cũ rất có tâm và rất tốt nên những ngày đèn đỏ đều cho nhân viên nghỉ. Tuy nhiên, vì một số lý do mà chị ấy đã nghỉ việc, giờ thay thế người khác lên làm quản lý. Ngày hôm trước em bị tới ngày đèn đỏ, đau bụng dữ dội không thể đi làm em xin nghỉ nhưng quản lý đã không cho phép. Và bảo lại ” nghỉ được thì nghỉ luôn đi, không cần đi làm nữa” Vậy đối với trường hợp này thì mức phạt khi không cho em nghỉ ngày đèn đỏ như thế nào ạ? Rất mong Luật sư giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn.
Chào bạn, chúng tôi gửi bạn câu trả lời như sau:
Ngày đèn đỏ được hiểu hay còn gọi là ngày chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt đó là những biểu hiện, thay đổi sinh lý được lặp đi lặp lại trong cơ thể của người phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và chu kỳ kinh nguyệt xảy ra là hiện tượng sinh lý cần thiết cho sự sinh sản.
Căn cứ theo quy định vào khoản 4 Điều 137
– Lao động nữ trong thời gian hành kinh sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo
Theo đó, thì lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ ngơi mỗi ngày 30 phút trong thời gian làm việc. Do đó, công ty không cho lao động nữ nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ” là trái với quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, cụ thể như sau:
– Phạt tiền có giá trị từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;
Bên cạnh đó, còn phải chịu biện pháp khắc phục hậu quả được nêu tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
– Buộc người sử dụng lao động trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh theo quy định của pháp luật khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
– Buộc người sử dụng lao động sẽ phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
– Buộc người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Do đó, đối với trường hợp nếu công ty không cho lao động nữ nghỉ ngơi 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh mà không có sự thỏa thuận trước thì công ty sẽ bị phạt tiền có giá trị từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đồng thời, công ty sẽ phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian người lao động nữ không được nghỉ trong thời gian hành kinh.
2. Lao động nữ trong ngày đèn đỏ không có nhu cầu nghỉ có được tính là làm thêm giờ không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ như sau:
– Nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:
+ Lao động nữ trong thời gian hành kinh sẽ có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo
+ Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì các bên sẽ tiến hành thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
+ Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu về việc nghỉ ngơi và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
3. Tiền lương chế độ nghỉ ngày đèn đỏ:
Theo quy định hiện hành, quyền lợi về tiền lương của chế độ nghỉ ngày đèn đỏ được xác định như sau:
– Lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh: Được nhận đủ lương của ngày làm việc đó mà không phải làm bù cho thời gian đã nghỉ.
Bởi khoản 4 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ sẽ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương. Vì vậy, đối với những ngày người lao động nghỉ chế độ ngày đèn đỏ vẫn được trả đủ lương cho ngày làm việc đó
– Lao động nữ không nghỉ trong thời gian hành kinh mà làm đủ số giờ làm việc mỗi ngày: Lao động nữ sẽ được trả thêm tiền lương tương ứng với khoản tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian đáng lẽ được nghỉ.
Căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nếu trường hợp người lao động không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để làm việc thì ngoài tiền lương của ngày làm việc đó, người lao động còn được trả thêm tiền lương như sau:
Tiền lương trả cho thời gian không nghỉ khi hành kinh | = | Tiền lương theo công việc của ngày làm việc đó | : | Tống số giờ làm việc bình thường | x | 0,5 giờ nghỉ mỗi ngày trong thời gian hành kinh | x | Số ngày được nghỉ khi hành kinh (*) |
(*) Số ngày nghỉ do các bên thỏa thuận nhưng ít nhất đảm bảo cho lao động nữ nghỉ 03 ngày/tháng.
Theo đó, đối với trường hợp lao động nữ trong chu kỳ kinh nguyệt không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Tuy nhiên, thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
THAM KHẢO THÊM: