Pháp luật hiện nay đã có nhiều văn bản ghi nhận và điều chỉnh lĩnh vực nhập khẩu phân bón. Vậy thì, đối với mức phạt khi suất hiện hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón, hiện nay được pháp luật ghi nhận như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón:
1.1. Quy định về phân bón nhập khẩu:
Theo quy định tại Điều 2 của Luật Trồng trọt năm 2018, thì phân bón là khái niệm để chỉ sản phẩm mang trong mình chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất tăng năng suất cũng như tăng chất lượng cho các sản phẩm cây trồng. Nhìn chung thì phân bón có vai trò khả quan trọng trong việc tăng năng suất và bảo vệ cây trồng cũng như giúp cải tạo đất đai. Phân bón bao gồm một hay nhiều dưỡng chất cần thiết cho cây được chia thành ba nhóm chính sau:
– Đa lượng: là nhóm mà các chất dinh dưỡng thiết yếu mà cây trồng cần nhiều bao gồm nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K);
– Trung lượng: là nóng các chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu mà cây trồng cần ở mức trung bình bao gồm canxi (Ca), magie (Mg) và lưu huỳnh (S);
– Vi lượng: Là nhóm chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu cây trồng cần với lượng ít như sắt (Fe), kẽm (Zn) và đồng (Cu).
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Luật Trồng trọt năm 2018, thì vấn đề nhập khẩu phân bón được ghi nhận như sau: các chủ thể là tổ chức và cá nhân có phân bón đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam được phép tiến hành nhập khẩu hoặc các chủ thể này có thể ủy quyền nhập khẩu phân bón cho một chủ thể khác trong quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không cần giấy phép nhập khẩu phân bón. Ngoài ra thì các chủ thể là tổ chức và cá nhân tiến hành nhập khẩu phân bón khi chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cần phải có giấy phép nhập khẩu phân bón trong một số trường hợp cụ thể sau đây:
– Phân bón để khảo nghiệm;
– Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
– Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
– Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
– Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
– Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
– Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
– Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.
1.2. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón:
Theo Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, có quy định về mức phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhập khẩu phân bón, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các chủ thể có hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu phân bón của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Bên cạnh đó, quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi quy định về sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón là tước quyền sử dụng Giấy phép nhập khẩu phân bón từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt;
Ngoài ra, căn cứ Khoản 3 Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi quy định về sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong giấy phép nhập khẩu phân bón như sau:
– Buộc thu hồi phân bón để sử dụng đúng mục đích nhập khẩu ghi trong giấy phép nhập khẩu phân bón đối với hành vi quy định tại Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt;
– Buộc nộp lại số tiền bằng giá trị phân bón vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm đã tiêu thụ hoặc không thể thu hồi được đối với hành vi quy định tại Điều 24 của Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt;
2. Quy định về điều kiện công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Luật Trồng trọt năm 2018, thì pháp luật hiện nay đã có quy định về yêu cầu vấn đề công nhận phân bón lưu hành trên lãnh thổ của Việt Nam, cũng như phân loại phân bón theo quy định của pháp luật, thì phân bón được xem là một loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện vì thế cho nên để được công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu tại Việt Nam thì cũng cần phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Phân bón sẽ được cấp quyết định công nhận điều hành trên lãnh thổ của Việt Nam theo đúng trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, trừ trường hợp phân bón hữu cơ được sản xuất với mục đích để sử dụng không vì mục đích thương mại và tìm kiếm lợi nhuận, hoặc các loại phân bón được nhập khẩu theo quy định tại Điều 44 của Luật Trồng trọt năm 2018, hoặc các loại phân bón trải qua quá trình sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng đối với các chủ thể là tổ chức và cá nhân nước ngoài. Ngoài ra thì theo quy định tại Điều 37 của Luật Trồng trọt năm 2018, thì để được cấp quyết định công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu tại Việt Nam thì cần phải đáp ứng được một số điều kiện như sau:
– Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón;
– Có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia, trừ loại phân bón quy định tại Điều 39 của Luật Trồng trọt năm 2018 hiện hành.
3. Trình tự và thủ tục cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam:
Theo Điều 5 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý phân bón (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 130/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác), có ghi nhận về hồ sơ, trình tự và thẩm quyền cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, cụ thể như sau:
Bước 1: Cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định. Nhìn chung thì hồ sơ đề nghị cấp quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 130/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
– Bản thông tin chung về phân bón, và bản thông tin này cần có xác nhận của nhà sản xuất bao gồm: loại và tên phân bón; dạng phân bón; cũng như quá trình hướng dẫn sử dụng phân bón; phương thức sử dụng phân bón; thời hạn sử dụng phân bón; cảnh báo an toàn trong quá trình sử dụng phân bón; chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng yếu tố hạn chế trong phân bón kèm theo phiếu kết quả thử nghiệm;
– Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo tiêu chuẩn quốc gia về khảo nghiệm phân bón;
– Giấy chứng nhận lưu hành tự do của nước xuất khẩu cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, nếu hồ sơ đáp ứng quy định thì ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 03 ban hành kèm Nghị định số 130/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác. Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Thời hạn của quyết định công nhận là 05 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 03 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn theo quy định pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Trồng trọt năm 2018;
– Nghị định số 31/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt;
– Nghị định số 130/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.