Hiện nay, hiện tượng xả nước thải đưa trái phép nước thải vào trong lòng đất xả ra phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vậy thì mức phạt đối với hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mức phạt đối với hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất:
1.1. Khái quát chung về nước thải và phân loại nước thải:
Nước thải là loại nước được thải ra sau quá trình sử dụng của con người và về bản chất thì nó đã bị thay đổi tính chất bắt đầu của nó. Khi đó thì nước thải chứa các loại chất bẩn như phân, rác hữu cơ, chất vô cơ và tồn tại ở những trạng thái khác nhau như hòa tan, keo, lơ lửng hoặc ở thể rắn … Thông thường thì có thể phân loại nước thải theo nguồn gốc phát sinh ra chúng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nước thải sinh hoạt. Nước thải sinh hoạt là nước thải từ các khu dân cư bao gồm nước sau khi sử dụng từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, khu vui chơi, giải trí hoặc trường học và các cơ quan. Đặc điểm cơ bản của nước thải sinh hoạt đó là có hàm lượng lớn các chất hữu cơ dễ phân hủy (ví dụ như hidratcacbon, protein, lipit …), các chất vô cơ sinh dưỡng (ví dụ như photphat và nito …), các vi khuẩn (bao gồm cả các vi khuẩn gây bệnh như trứng giun, sán …). Nhìn chung thì hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt sẽ phụ thuộc vào điều kiện sống và chất lượng bữa ăn, hàm lượng nước sử dụng và hệ thống tiếp nhận nước thải.
Thứ hai, nước thải công nghiệp. Nước thải công nghiệp hay còn gọi là nước thải sản xuất, chính là loại nước thải từ các nhà máy và xí nghiệp sản xuất công nghiệp. Nước thải công nghiệp không mang những đặc điểm nhất định mà chúng sẽ tùy thuộc vào quy trình công nghệ của từng loại sản phẩm. Nước thải công nghiệp thường chứa một lượng lớn các loại chất độc hại như kim loại nặng, các hợp chất độc hoặc các hợp chất hữu cơ bền vững khó các hợp chất độc hoặc các hợp chất hữu cơ bền vững khó tan… và nếu các nhà máy xí nghiệp không xử lý nước thải trước khi xả vào môi trường thì sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của nguồn nước.
Thứ ba, nước mưa hoặc nước chảy tràn trên mặt đất. Loại nước thải này ít bẩn nhất và ít gây ô nhiễm nhất. Chủ yếu là nước mưa đợt đầu sau khi rơi xuống mặt đất chứa nhiều tạp chất vô cơ và hữu cơ như cát, bụi, rác, phân súc vật … trên đường phố cùng với các loại vi sinh vật trong công trình cấp thoát nước theo nước chảy tràn.
Thứ tư, nước thải đô thị. Nước thải đô thị là một thuật ngữ chung để chỉ chất lỏng trong hệ thống cống thoát nước của một thành phố. Đó là hỗn hợp các loại nước thải kể trên, và thường có khoảng 50 – 60% nước thải sinh hoạt, 14% là loại nước mưa hoặc nước vệ sinh đường phố, 26 – 36% là nước thải sản xuất. Lưu lượng nước thải đô thị phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu và các tính chất đặc trưng của thành phố. Hầu hết các đô thị ở nước ta trong những năm gần đây có tốc độ phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ cũng như gia tăng dân số rất mạnh. Do đó nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao. Vì thế nước thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng nước thải của các thành phố hiện nay.
1.2. Hành vi xả nước thải vào lòng đất có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay cụ thể là tại Điều 9 của văn bản hợp nhất Luật Tài nguyên nước năm 2018, thì một trong những hành vi bị coi là nghiêm cấm đó là hành vi xả nước thải vào lòng đất trái phép. Cụ thể như sau:
– Hành vi đổ chất thải hoặc các chất độc hại khác vào nguồn nước khi chưa thông qua quá trình xử lý, kéo theo hậu quả ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước;
– Hành vi tiến hành xả nước thải, đưa các chất thải khi chưa thông qua quá trình xử lý vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước;
– Hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ con người; xả nước thải khi chưa thông qua quá trình xử lý vào lòng đất và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất;
– Hành vi đặt các chướng ngại vật nhằm mục đích gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch;
– Hành vi khai thác trái phép cát, sỏi trên các dòng sông; khai thác các loại khoáng sản trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa. Và các hành vi vi phạm nguồn nước khác thuộc danh mục cấm của pháp luật hiện nay.
Theo đó thì có thể xác định được rằng, hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất không phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm đưa nước thải trái phép vào lòng đất thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm thực hiện những hành vi này để nhằm bảo vệ môi trường về nguồn nước. Do đó nếu như các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm nêu trên thì tùy từng tính chất và mức độ hậu quả nghiêm trọng khác nhau sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
1.3. Mức phạt đối với hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất:
Theo quy định tại Điều 9 của nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, thì mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn nước được ghi nhận như sau: Phạt tiền từ 220 triệu đồng đến 250 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải chưa đủ điều kiện và tiêu chuẩn vào lòng đất, trái với quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước và đất đai. Ngoài ra, người thực hiện hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Buộc thực hiện việc lấp các giếng khoan, giếng đào nhằm phục vụ cho quá trình xả thải trái phép;
– Các công trình xây dựng để phục vụ cho hoạt động xả thải trái phép cũng phải được phá dỡ;
– Nếu gây ra hậu quả ô nhiễm, suy thoái nguồn nước thì phải thực hiện nghĩa vụ khắc phục và bồi thường thiệt hại.
Theo đó, chủ thể thực hiện hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 220 triệu đồng đến 250 triệu đồng.
2. Thẩm quyền xử phạt đối với hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất:
Căn cứ theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, thì thẩm quyền xử phạt đối với hành vi xả nước thải trái phép vào lòng đất, được quy định thuộc về trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc chánh thanh tra Bộ Công Thương, cụ thể thì các chủ thể này có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong các trường hợp sau:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;
– Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản và nguồn nước trái phép;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên.
3. Một số hậu quả của hành vi xả nước thải vào lòng đất trái phép:
Có thể nói hành vi xả nước thải vào lòng đất trái phép là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất dẫn tới những hậu quả nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sức khỏe con người, nếu hành vi này được tiếp diễn mà không có sự ngăn chặn thì có thể dẫn đến những hậu quả sau đây:
Thứ nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai, môi trường đất sẽ bị ô nhiễm dẫn đến sự thay đổi về cấu tạo, dễ bị xói mòn và làm mất đi những chất dinh dưỡng, đất không còn khả năng tự vệ và có thể làm mất khả năng khai thác vốn có của đất.
Thứ hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, người dân sống xung quanh khu vực đó tiếp xúc lâu dài với môi trường bị ô nhiễm sẽ dẫn đến những bệnh không mong muốn, nghiêm trọng hơn có thể là những bệnh hiểm nghèo ví dụ như ung thư, nhiễm độc gan … Trẻ em sống quanh khu vực này có nguy cơ cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh, hoặc rối loạn hô hấp và các bệnh ngoài da…
Thứ ba, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, gây ô nhiễm các mạch nước, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình. Các loài động vật xung quanh khu vực đất bị ô nhiễm sẽ phải di chuyển đến nơi khác, khi đó thì chúng phải thích nghi với một môi trường mới, có những loài động vật không thể thích nghi được khi đó dẫn đến tử vong.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất Luật Tài nguyên nước năm 2018;
– Văn bản hợp nhất Luật Bảo vệ môi trường năm 2022;
– Nghị định số 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.