Gần đây, hành vi đánh bắt thủy sản ven biển, sông ngòi, kênh rạch diễn ra khá phổ biển gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Vậy mức phạt đánh bắt thủy sản cản trở giao thông đường thủy được quy định như thế nào.
Mục lục bài viết
1.Mức phạt đánh bắt thủy sản cản trở giao thông đường thủy:
Câu hỏi: Chú Sáu ở Quận 2 đặt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi có câu hỏi muốn được luật sư giải đáp như sau: Tôi làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ đã được nhiều năm. Nhà tôi gần cảng Cát Lái nên tôi có đặt 3 cái vó để đánh bắt hải sản. Tôi đã bị nhắc nhỡ về hành vi đặt vó đánh bắt hải sản gây cản trở giao thông. Vậy, đối với hành vi của tôi thì có bị phạt hay không? Nếu có thì mức phạt như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Chào chú Sáu, cảm ơn chú đã đặt câu hỏi cho chúng tôi, dựa trên các quy định mới nhất của pháp luật, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi của chú như sau:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 13 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản như sau:
Vi phạm đối với quy định về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản)
Đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
+ Người có hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động hoặc đặt ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông;
Ngoài mức phạt tiền thì còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc những người có hành vi vi phạm phải di dời ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
– Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này đó là mức phạt tiền đối với cá nhân; đối với trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định trên thì người đánh bắt thủy sản gây cản trở giao thông đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Đồng thời người vi phạm còn bị buộc di dời ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản đối với hành vi vi phạm.
2. Tội cản trở giao thông đường thủy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Đối với mức phạt cho tội cản trở giao thông đường thủy được quy định theo Điều 273 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
Người nào thực hiện các hành vi làm cản trở giao thông đường thủy như khoan, đào trái phép làm hư hại đến kết cấu của công trình giao thông đường thủy, tạo ra chướng ngại vật gây cản trở đến giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu, di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu, tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại các công trình giao thông đường thủy, lấn chiếm các luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc thực hiện các hành vi cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ bị phạt như sau:
– Thực hiện hành vi làm chết người.
– Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất 01 người, với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
– Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất 02 người, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ được xác định từ 61% đến 121%.
– Người có hành vi ây thiệt hại về tài sản được xác định từ từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Trong trường hợp này, mức phạt có thể là tiền có giá trị từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì mức phạt tù sẽ tăng lên:
– Người có hành vi làm chết ít nhất 02 người.
– Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất 02 người, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ được xác định từ 122% đến 200%.
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Trong trường hợp này, thì mức phạt tù có thể là từ 03 năm đến 10 năm.
Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì mức phạt tù được xác đọinh như sau:
– Người có hành vi làm chết ít nhất 03 người.
– Người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ít nhất 03 người, với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ được xác định từ 201% trở lên.
– Người có hành vi gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
Trong trường hợp này, thì mức phạt tù có thể là từ 07 năm đến 15 năm.
Nếu hành vi cản trở giao thông đường thủy có khả năng thực tế dẫn đến những hậu quả quy định nêu trên. Nếu trường hợp không được ngăn chặn kịp thời, thì mức phạt tiền được xác định từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì các mức phạt này được xác định cẩn thận để đảm bảo rằng những người vi phạm luôn chịu trách nhiệm thích đáng về hành vi cản trở giao thông đường thủy, đặc biệt là trong những trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đối với con người và tài sản.
3. Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải được quyền xử phạt người đánh bắt thủy sản gây cản trở giao thông đường thủy nội địa không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 và khoản 2 Điều 46 Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải như sau:
Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa như sau:
– Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Trưởng đoàn thanh tra Sở Giao thông vận tải, Trưởng đoàn thanh tra Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Trưởng đoàn thanh tra Chi cục Đường thủy nội địa, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa, Trưởng đoàn thanh tra Cảng vụ Đường thủy nội địa có các quyền sau đây:
+ Ra quyết định phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền có giá trị đến 37.500.000 đồng;
+ Thực hiện tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tiến hành tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 75.000.000 đồng;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả dựa theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
Theo đó, đối với người đánh bắt thủy sản gây cản trở giao thông đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 3.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải được quyền xử phạt người này.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.