Thực tế trong xã hội hiện nay, rất nhiều vụ án xảy ra do đối tượng là người dưới 18 tuổi thực hiện. Vậy khi xử lý, với người dưới 18 tuổi thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Người dưới 18 tuổi phạm tội áp dụng các hình phạt nào?
Lứa tuổi dưới 18 tuổi là lứa tuổi còn trẻ, thậm chí còn chưa đủ hiểu biết khi thực hiện các hành vi phạm tội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào từng trường hợp cụ thể và yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm để đưa ra những hình phạt cụ thể. Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 2015, các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi bao gồm:
Thứ nhất, phạt cảnh cáo:
Hình phạt cảnh cáo là sự răn đe của Nhà nước đối với người phạm tội. Cảnh cáo sẽ được Tòa án thực hiện ngay tại phiên tòa xét xử hình sự. Hình phạt cảnh cáo có thể coi là một trong những hình phạt nhẹ nhất, thường chỉ áp dụng đối với những tội ít nghiêm trọng cũng như có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự hay có nhiều hành động khắc phục hậu quả, thân nhân tốt,…
Thực tế, biện pháp này không gây ra việc thiệt hại về tài sản hay hạn chế sự tự do của người thực hiện hành vi phạm tội nhưng cũng mang tính chất nghiêm khắc của Nhà nước nhằm cho người dưới 18 tuổi phạm tội nhìn nhận lại hành vi sai trái của mình, ngẫm nghĩ và từ đó có sự thay đổi làm lại cuộc đời theo đúng hướng. Đây cũng thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước đối với những đối tượng dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ hai, phạt tiền:
Theo căn cứ tại Điều 99 Bộ luật hình sự 2015, hình thức phạt tiền sẽ được áp dụng là hình phạt chính đối với các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong trường hợp cá nhân đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Về mức phạt tiền: pháp luật quy định không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Thứ ba, cải tạo không giam giữ:
Căn cứ tại Điều 100 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng đối với đối tượng trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi:
– Phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý.
– Phạm tội ít nghiêm trọng.
– Phạm tội nghiêm trọng.
Hoặc được áp dụng với người trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Lưu ý: thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.
Và khi áp dụng cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi thì thu nhập sẽ không khấu trừ.
Thứ tư, phạt tù có thời hạn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 101 Bộ luật hình sự 2015, áp dụng hình phạt tù có thời hạn với người dưới 18 tuổi như sau:
– Trường hợp đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi:
+ Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù: trường hợp điều luật áp dụng có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A vì mâu thuẫn phát sinh đã thực hiện hành vi đổ thuốc sâu vào nước canh cho mẹ uống để lấy được tiền đi chơi game. Khi thực hiện hành vi phạm tội A mới có 17 tuổi. A bị truy tố về tội giết người tại điểm đ Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 về hành vi giết mẹ.
Theo quy định, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Dựa theo căn cứ trên, thì mức phạt dành cho A cao nhất được áp dụng sẽ không quá 18 năm tù.
+ Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định: trường hợp điều luật áp dụng quy định là tù có thời hạn.
Ví dụ 2: B (đủ 16 tuổi) phạm tội đánh bạc theo quy định tại Khoản 2 Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, mức hình phạt tại Khoản 2 là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Trường hợp A là người dưới 18 tuổi thì sẽ chỉ áp dụng mức hình phạt cao nhất là không quá 3/4 của 03 năm đến 07 năm.
– Trường hợp đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi:
+ Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù: trường hợp điều luật áp dụng có quy định phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ 3: Cũng tương tự như Ví dụ 1, thay đổi về độ tuổi của A, khi thực hiện hành vi phạm tội A mới có 15 tuổi thì mức hình phạt cao nhất áp dụng cho A trong trường hợp đó là không quá 12 năm tù.
+ Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định: nếu như điều luật áp dụng là tù có thời hạn.
Ví dụ 4: cũng tương tự như ví dụ 2, lúc thực hiện hành vi phạm tội B mới đủ 14 tuổi thì mức hình phạt áp dụng cao nhất đối với B là không quá 1/2 của 03 năm đến 07 năm.
2. Mức hình phạt cao nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Như trên đã phân tích trong trường hợp áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì:
– Với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, mức phạt cao nhất:
+ Không quá 18 năm tù nếu phạm vào điều luật có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.
+ Không quá ¾ mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn.
– Với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, mức phạt cao nhất:
+ Không quá 12 năm tù nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt chung thân hoặc tử hình.
+ Không quá ½ mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn.
Do vậy, theo quy định trên thì mức phạt cao nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là không quá 18 năm tù.
3. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, trên tinh thần nhân đạo mà Nhà nước đưa ra những nguyên tắc áp dụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi như sau:
– Khi xử lý phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi, nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
– Người dưới 18 tuổi nếu như phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng; trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự năm 2015.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự năm 2015.
+ Trường hợp người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
– Để xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi áp dụng trong những trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ, xem xét đến nhân thân, các tính chất nguy hiểm cũng như công tác phòng ngừa tội phạm.
– Trường hợp khi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cũng như áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng nếu như không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa thì sẽ áp dụng xử lý truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Đối với người dưới 18 tuổi sẽ không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
– Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu thấy việc áp dụng hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa thì Tòa án sẽ áp dụng hình phạt tù có thời hạn.
– Trường hợp áp dụng hình phạt tù có thời hạn, nếu người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ được áp dụng hình phạt tù nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.
– Với người dưới 18 tuổi phạm tội thì sẽ không áp dụng hình phạt bổ sung.
– Với những người chưa đủ 16 tuổi thì án đã tuyên sẽ không dùng để tính là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
4. Chính sách xét giảm thời hạn phạt tù đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
Căn cứ quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự năm 2015, trường hợp giảm mức hình phạt đã tuyên được áp dụng như sau:
– Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù được giảm khi:
+ Có tiến bộ.
+ Đã chấp hành được 1/4 thời hạn.
– Trường hợp bị tuyên hình phạt tù, nếu bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên thì mỗi lần giảm được giảm đến 04 năm.
– Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù được xét giảm ngay hoặc được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại khi:
+ Lập được ông.
+ Mắc bệnh hiểm nghèo
– Trường hợp bị phạt tiền có thể được giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại: khi trong tình trạng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn có đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.