Để đáp ứng cho việc quy hoạch thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất ở các vùng, các địa phương tuỳ thuộc vào dự án quy hoạch bao gồm đất thổ cư, đất lâm nghiệp,…Vậy mức giá đền bù thu hồi đất lâm nghiệp là bao nhiêu? Giá đền bù đất rừng được tính như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các loại đất lâm nghiệp:
Đất lâm nghiệp là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp bao gồm các nhóm đất nhỏ như đất rừng tự nhiên; đất trồng rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng; đất khoanh nuôi tu bổ tái sinh phục hồi rừng và đất để nghiên cứu thí nghiệm về rừng.
Theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất lâm nghiệp được chia thành các loại sau: đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất rừng đặc dụng. Cụ thể như sau:
– Đất rừng phòng hộ là những diện tích đất lâm nghiệp được dùng để chống xói mòn, sạt lở, giảm thiểu những thiệt hại gây ra bởi thiên tại và điều hoà khí hậu. Đất rừng phòng hộ bao gồm 02 loại đó là: Đất rừng phòng hộ để chắn
– Đất rừng đặc dụng là diện tích đất lâm nghiệp được dùng vào mục đích giữ gìn và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó đất rừng đặc dụng còn được dùng cho việc thí nghiệm, nghiên cứu liên quan đến rừng và các loại động vật, thực vật sinh sống trong rừng. Một số trường hợp khác được dùng để phục vụ du lịch kết hợp nghỉ dưỡng và được bảo tồn làm di tích lịch sử quốc gia như vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khi vườn thực vật, rừng giống quốc gia;…
– Đất rừng sản xuất là diện tích đất lâm nghiệp được dùng vào mục đích sản xuất và cung ứng lâm sản phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của con người. Nói về vấn đề kinh doanh, một số đất rừng sản xuất còn được sử dụng với mục đích cung cấp dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí.
2. Điều kiện để được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất lâm nghiệp:
Theo quy định tại Điều 26 Luật Đất đai năm 2013, khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu đất để phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội, phát triển vì lợi ích quốc gia, công công thì người sử dụng đất sẽ được Nhà nước bồi thường về tiền và được hỗ trợ theo quy định.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà không đền bù được quy định tại Điều 82 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể các trường hợp như sau:
– Đất lâm nghiệp bị thu hồi do vi phạm quy định pháp luật về đất đai;
– Đất lâm nghiệp không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật Đất đai hiện hành(trừ trường hợp đất lâm nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp);
– Đất lâm nghiệp được Nhà nước giao người dân để quản lý;
– Các trường hợp thu hồi đất lâm nghiệp do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước;
– Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
– Đất được Nhà nước cho thuê và trả tiền thuê đất hằng năm, đất thuê và trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất (ngoại trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng);
– Đất được nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp.
3. Mức giá đền bù thu hồi đất lâm nghiệp là bao nhiêu?
Mức giá đền bù bồi thường khi thu hồi đất lâm nghiệp được thực hiện theo đúng nguyên tắc và mức mà địa phương quy định. Theo quy định tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi được thực hiện như sau: Bồi thường bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng đất bị thu hồi. ở đây là đất lâm nghiệp. Trong trường hợp không có đất cùng mục đích để bồi thường thì sẽ được Nhà nước bồi thường bằng tiền mặt theo giá đất cụ thể của từng loại đất, ở đây là đất lâm nghiệp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định về mức giá cụ thể đối với đất lâm nghiệp mà chỉ quy định mức giá do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Theo đó, tuỳ từng địa phương mà có mức giá bồi thường đất khác nhau. Do đó, khi có thắc mắc về mức giá đền bù thu hồi đất lâm nghiệp thì người dân nên xem xét kỹ trong kế hoạch thu hồi đất của địa phương hoặc hỏi trực tiếp cán bộ địa chính của địa phương mình.
Bên cạnh đó, đất lâm nghiệp khi bị thu hồi mà có gây thiệt hại đối với cây trồng trên đất thì cũng được Nhà nước bồi thường đối với cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013. Việc bồi thường đối với cây trồng trên đất được thực hiện như sau:
– Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được việc bồi thường sẽ là bồi thường cho chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;
– Đối với cây hằng năm, mức tiền bồi thường sẽ được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;
– Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất trong đó không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;
– Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức quản lý, trồng trọt, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây. Số tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, bảo vệ và chăm sóc theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Như vậy, không chỉ được đền bù về đất lâm nghiệp đủ điều kiện được bồi thường mà người dân còn được đền bù về cây trồng trên đất bị thiệt hại.
4. Giá đền bù đất rừng được quy định như thế nào?
Hiện nay pháp luật có quy định giá đất rừng sản xuất cụ thể phù hợp với từng vùng, từng địa phương theo quy định tại Nghị định số 96/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Đối với vùng trung du và miền núi Bắc bộ, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 7.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 33.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã trung du: mức giá tối thiểu là 4.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 45.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 2.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 25.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng đồng bằng sông Hồng, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 12.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 82.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã trung du: mức giá tối thiểu là 11.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 75.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 9.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 60.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng Bắc Trung bộ, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 3.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 30.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã trung du: mức giá tối thiểu là 2.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 20.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 1.500 đồng/m2 và mức giá tối đa là 18.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng duyên hải Nam Trung bộ, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 4.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 60.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã trung du: mức giá tối thiểu là 3.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 45.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 1.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 40.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng Tây Nguyên, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 1.500 đồng/m2 và mức giá tối đa là 50.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng Đông Nam bộ, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 9.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 190.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã trung du: mức giá tối thiểu là 12.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 110.000 đồng/m2;
+ Thuộc xã miền núi: mức giá tối thiểu là 8.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 150.000 đồng/ m2.
– Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, mức giá được quy định:
+ Thuộc xã đồng bằng: mức giá tối thiểu là 8.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 142.000 đồng/m2.
Căn cứ pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 19/12/2019 quy định về khung giá đất.