Mức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện mới nhất. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng bao nhiêu tiền một tháng? Mức hưởng là bao nhiêu?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện có vai trò quan trọng trong việc cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Căn cứ vào mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của những người lao động có thu nhập thấp, không ổn định khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện họ sẽ được hưởng lương hưu khác nhau, điều này giúp người lao động chủ động và ổn định đời sống ở thời điểm khi đã qua tuổi lao động. Hình thức bảo hiểm này có tính an toàn cao vì được Nhà nước bảo trợ.
Tư vấn quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 87
“1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.”
Như vậy, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tùy thuộc vào đối tượng đóng khác nhau mà họ sẽ được hưởng các mức hỗ trợ đóng từ Nhà nước khác nhau.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP có quy định về Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo đó người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10
+ Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
+ Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Việc nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội là một biện pháp thể hiện tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội. Giúp hỗ trợ những người lao động nghèo có thể tham gia bảo hiểm xã hội nhằm giúp họ được hưởng quyền lợi tốt nhất khi về già. Mặt khác, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội của nhà nước đối với những đối tượng đặc biệt là một biện pháp “kích cầu” nhằm tăng số lượng người đóng bảo hiểm, từ đó giúp cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai. Nhà nước cũng có những biện pháp khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, chính phủ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp nhất. Theo thống kê của Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), trong năm đầu thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2008 cả nước có khoảng 6,110 người tham gia, đến năm 2015 tăng lên 225,240 người và con số này đạt 291,000 người tính đến năm 2017. Điều đó cũng có nghĩa rằng, với những chính sách “kích cầu” của nhà nước và công tác tuyên truyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mà số lượng người lao động tham gia bảo hiểm ngày càng tăng. Tuy nhiên, so với lực lượng lao động trong cả nước thì tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất thấp. Phụ thuộc vào khả năng tài chính của mình mà người lao động có thể nộp bảo hiểm xã hội dựa trên các phương thức sau:
+ Trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng;
+ Trong 03 tháng đối với phương thức đóng 03 tháng một lần;
+ Trong 04 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần;
+ Trong 07 tháng đầu đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
2. Quyền lợi được hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí, chế độ tử tuất khi đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng bảo hiểm như:
a. Chế độ hưu trí:
– Điều kiện hưởng lương hưu: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
– Mức hưởng lương hưu:
+ Tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% (Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội)
– Ngoài ra, người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội).
– Nếu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thể làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mức hưởng được quy định tại Khoản 2, 3 điều này (Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội).
b. Chế độ tử tuất:
– Trợ cấp mai táng (Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội)
+ Đối tượng: thân nhân của người lao động có thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên và người đang hưởng lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp mai táng khi người đó mất.
+ Mức trợ cấp: 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó mất. (năm 2018 sẽ là 1.390.000 x 10 = 13.900.000đ)
– Trợ cấp tuất (Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội): Khác với người tham gia BHXH bắt buộc, chế độ tuất của người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có tuất một lần.
+ Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
+ Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức trợ cấp tuất một lần bằng số tiền đã đóng nhưng mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; trường hợp người lao động có cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện thì mức hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
+ Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa rất sâu sắc, giúp đảm bảo cuộc sống ổn định khi về già cho người lao động. Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện (2008-2017), thực tế cho thấy chính sách này chưa thực sự thu hút được sự tham gia của người dân, số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn khiêm tốn.
Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động nhưng do thói quen không tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động nên quá trình vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhà nước, các cơ quan bảo hiểm xã hội cần phải tăng cường vận động hơn nữa mới có thể thay đổi nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
3. Mua bảo hiểm y tế tự nguyện ở đâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho cháu hỏi là chồng cháu đi làm công ty tư nhân nên không được tham gia bảo hiểm xã hội nên cháu muốn mua bảo hiểm xã hội cho chồng cháu. Hiện tại cháu đang ở trọ phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì cháu có thể mua bảo hiểm xã hội ở đâu được. Cháu xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, chỉ đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 thì người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu chồng bạn ký hợp đồng lao động trên 03 tháng thì người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Chồng bạn không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Căn cứ Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
* Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
* Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
– Hằng tháng;
– 03 tháng một lần;
– 06 tháng một lần;
– 12 tháng một lần;
– Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.
Như vậy, chồng bạn có quyền lựa chọn mức đóng và phương thức đóng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
* Hồ sơ đăng ký lần đầu hoặc đăng ký lại sau thời gian dừng đóng bảo hiểm xã hội như sau:
– Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện (mẫu A02-TS);
– Ảnh màu 3×4 cm (02 ảnh- 01 ảnh dán trên tờ khai tham gia BHXH, BHYT; 01 ảnh lưu cùng hồ sơ tham gia để xây dựng cơ sở dữ liệu);
– Sổ BHXH đối với người đã tham gia BHXH trước đó.
* Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận Một cửa – Cơ quan bảo hiểm xã hội quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
4. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang làm công nhân, năm nay 49 tuổi, đã đóng BHXH được 12 năm 6 tháng. Nay tôi muốn xin nghỉ công nhân chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tôi phải làm như thế nào, mức đóng BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, bạn đang làm công nhân, 49 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội được 12 năm 6 tháng. Nay muốn xin nghỉ việc và chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trước tiên, bạn chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi bạn đang làm việc. Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động bạn được người sử dụng lao động chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Sau khi có sổ bảo hiểm xã hội bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP. Về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, được quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Như vậy, bạn có thể chọn một trong các phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện như trên để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp tờ khai cá nhân cho Phòng lao động thương binh xã hội nơi cư trú. Mẫu tờ khai cá nhân do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Điêu 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
– Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
– Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng 22%/tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.
– Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
– Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
– Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP mà trong thời gian đó Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.
– Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:
+ Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
+ Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định 134/2015/NĐ-CP;
+ Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong trường hợp dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
Người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện ít nhất là sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:
+ Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
+ Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
+ Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Bạn tham khảo quy định trên để lựa chọn phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sao cho phù hợp với tình hình của bạn.