Mua xe máy không phải của chủ sở hữu. Thủ tục mua bán xe máy.
Mua xe máy không phải của chủ sở hữu. Thủ tục mua bán xe máy.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, cho em hỏi là ngày 15/5 em có mua 1 chiếc xe máy đến ngày 19/5 em và người bán ra ủy ban phường công chứng hợp đồng mua bán xe để sang tên nhưng không được vì tên chủ xe không phải là người bán cho em. Đến chiều cùng ngày em tìm đến nhà chủ cũ của chiếc xe thì được người nhà cho biết chiếc xe này là chủ cũ bị 1 người lừa gạt lấy mất và gia đình chủ cũ đã trình báo mất xe. Sau đó em và gia đình chủ cũ ra công an phường làm biên bản và gia đình chủ cũ đã nhận lại chiếc xe. Nhưng công an lại không giải quyết cho em vụ việc em mua lại của anh kia mà không biết đó là xe gian (vì anh có đưa em cavet xe +giấy CMND photo +hộ khẩu photo + cùng giấy viết tay xe chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu có xảy ra tranh chấp). Cho em hỏi giờ em phải làm gì để có thể lấy lại tiền của mình hay là em sẽ mất trắng. Còn phía công an em nghĩ sẽ rất lâu mới được giải quyết vì em có hỏi hướng giải quyết nhưng họ không nói gì và kêu em để lại số điện thoại thôi. Nếu em khởi kiện thì cho em hỏi chi phí sẽ như thế nào thủ tục ra sao ? Em cám ơn!?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ Luật dân sự năm 2005.
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 122 Bộ Luật dân sự năm 2005 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Đối với trường hợp của bạn, do bạn mua xe mà không biết xe này là xe có được do chủ cũ bị lừa gạt cho nên, giao dịch mua bán xe giữa bạn và người bán được coi là vô hiệu. Theo Điều 127 Bộ Luật dân sự năm 2005 , khi giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 nêu trên thì vô hiệu. Theo đó, Điều 137 Bộ Luật dân sự năm 2005 Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định:
"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường."
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là: Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Do vậy, trường hợp này, người bán phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của bạn.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể nói chuyện và phân tích với người bán để yêu cầu được hoàn tiền. Nếu người bán không chấp nhận, bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện nơi người bán cư trú.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Hồ sơ khởi kiện gồm các giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện
– CMND, Sổ hộ khẩu (Bản sao)
– Giấy mua bán xe (Bản sao)
– Các tài liệu có liên quan đến vụ kiện (nếu có)
– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện