Một số vụ án đã điều tra, truy tố, xét xử trên thực tế nhưng cũng còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Mục lục bài viết
- 1 1. Một số vụ án đã điều tra, truy tố, xét xử trong việc xác định là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
- 2 2. Một số vụ án sau khi tòa án tuyên trả hồ sơ để điều tra lại vì thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
- 3 3. Một số trường hợp có tính chất đặc thù về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
1. Một số vụ án đã điều tra, truy tố, xét xử trong việc xác định là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Thực tế cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn lúng túng và sai sót trong việc xác định giai đoạn phạm tội mà người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt các hành vi phạm tội để làm căn cứ miễn TNHS vì văn bản chưa hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cho người phạm tội chưa đầy đủ và chính xác. Việc xét xử, quyết định hình phạt chưa tương xứng với hậu quả mà người phạm tội gây ra hoặc đình chỉ vụ án miễn TNHS trong khi khách thể mà luật hình sự bảo vệ đã thực sự bị xâm hại.
Thực tế trong một vụ án hình sự, người phạm tội được miễn TNHS vì đã có hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ở giai đoạn khi chưa có hậu quả thực tế xảy ra nhưng có trường hợp, thực chất người phạm tội chưa đủ điều kiện để có thể miễn trách nhiệm hình sự theo điều này, vì người phạm tội thực chất vẫn mong muốn hậu quả xảy ra nhưng vì có nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn nên hậu quả mới không xảy ra, chứ bản thân người phạm tội không hề tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật đó nhưng vẫn được miễn TNHS là chưa đúng.
Bên cạnh quy định của luật chưa rõ ràng cụ thể, trình độ nhìn nhận pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế, quá trình điều tra còn sơ sài, bỏ sót chi tiết quan trọng hoặc do lời khai của người phạm tội có sự gian dối dẫn đến tình trạng đình chỉ sai án hoặc một số thành phần am hiểu pháp luật lợi dụng sơ hở này để được chạy tội.
Từ những nguyên nhân trên, quan điểm của các cơ quan chức năng còn có sự khác nhau trong việc xác định các trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nội dung cụ thể được thể hiện qua các vụ án sau:
Vụ án 1: Trong thực tiễn xét xử, vẫn có quan điểm khác nhau trong việc xác định là “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” hay “phạm tội chưa đạt”.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 03 tháng 02 năm 2009 có đăng bài: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay phạm tội chưa đạt” của tác giả Phùng Ngọc Hưng về vụ án Đỗ Sỹ Mười cùng đồng bọn phạm tội “mua bán trái phép chất ma túy”, theo quy định tại Điều 149 Bộ luật hình sự. Qua nội dung tác giả nêu có hai quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng: “Đỗ Sỹ Mười mua bán trái phép 23 bánh heroin”. Quan điểm thứ hai cho rằng: “hành vi của Đỗ Sỹ Mười phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, nhưng chỉ với số lượng 03 bánh heroin, số 20 bánh heroin không bán được là thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”.
Theo nội dung vụ án, thì hành vi của Mười đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội “mua bán trái phép chất ma túy”. Mười đã thực hiện một chuỗi hành vi như: nhận từ Vàng A Cải 23 bánh heroin để bán, thỏa thuận về tiền công (cứ bán được 01 bánh heroin thì được hưởng 100USD tiền công), gọi điện bán cho người mua hàng và thống nhất về thời gian, địa điểm, cách thức giao nhận hàng, thỏa thuận về giá cả (5.800USD/bánh)
Việc không bán được 23 bánh heroin ở lần đầu là do Sơn kiểm tra và chế chất lượng kém, nên không mua là nằm ngoài ý muốn chủ quan của Mười. Mục đích của Mười, là bán bằng được số lượng heroin trên để hưởng hoa hồng. Điều này thể hiện, sau khi những người mua quay trở về Hà Nội thì Mười kiểm tra và phát hiện có 03 bánh heroin có chất lượng tốt nên đã gọi điện cho Ngọc. Ngọc cùng đồng bọn quay trở lại nhà Mười và nhất trí mua 03 bánh heroin đó. Số 20 bánh heroin còn lại không bán được Mười trả cho Cải.
Như vậy, Mười đã thực hiện hết các hành vi cần thiết để bán 23 bánh heroin, việc không bán được 20 bánh heroin có chất lượng kém là do yếu tố khách quan xảy ra ngoài dự định của Mười. Do đó, xét về mặt khách quan và chủ quan thì Đỗ Sỹ Mười chưa đủ điều kiện để thỏa mãn trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Hành vi phạm tội của Đỗ Sỹ Mười thuộc trường hợp “chưa đạt đã hoàn thành” chứ không phải là “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”.
Vụ án 2: Vụ án Lâm Ri Na vào nhà em V (chưa đủ 13 tuổi) xin nước uống.
Thấy em ở nhà một mình, bị cáo nảy sinh ý định muốn giao cấu với em. Quay ra được một lúc, Na trở lại, ôm chặt lấy em V. đẩy vào phòng ngủ. Nạn nhân đạp vào cửa phòng gây ra tiếng động lớn khiến Na sợ bị phát hiện nên vội bỏ ra ngoài. Sau đó, Na tiếp tục quay lại, kéo nạn nhân vào phòng. Khi em V. tri hô, Na bịt miệng lại, dùng hai đầu gối kẹp chân nạn nhân và sờ ngực. Nạn nhân vùng vẫy, đạp bị cáo ngã ngửa. Sợ mọi người nhìn thấy, Na lại bỏ đi. Ngày 23/02/2012, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lâm Ri Na bảy năm tù về tội hiếp dâm trẻ em.
Vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về hướng xử lý, bản thân VKSND Thành phố Hồ Chí Minh lúc ban đầu cũng cho rằng Na không phạm tội hiếp dâm trẻ em nhưng cuối cùng vẫn ra cáo trạng đề nghị truy tố.
Một luồng ý kiến cho rằng tội hiếp dâm có cấu thành hình thức, không đòi hỏi hậu quả xảy ra. Tội phạm hoàn thành khi chủ thể chỉ cần dùng vũ lực (bắt, vật, lột quần nạn nhân) hoặc đe dọa dùng vũ lực để ép người khác quan hệ tình dục trái ý muốn là đã cấu thành tội phạm. Trừ khi chủ thể tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội thì có thể chuyển đổi sang xử lý tội danh khác hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi của Na đã đủ yếu tố cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Một luồng ý kiến khác lại cho rằng hậu quả đến đâu xử lý đến đó. Khi nạn nhân tri hô, chống cự, Na bỏ đi vì sợ bị phát hiện, bắt giữ. Hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác, không cần thiết phải khởi tố vụ án.
Ý kiến khác lại cho rằng hành vi của Na có dấu hiệu của tội dâm ô với trẻ em. Cấu thành tội phạm của tội này là người thành niên có hành vi dâm ô (không có hành vi giao cấu), có hành vi tác động trực tiếp như sờ soạng khắp người nạn nhân. Trong trường hợp này chưa xảy ra việc giao cấu. Ý thức chủ quan của Na là lúc nào cũng sợ người ta biết nên đều nửa chừng tự động ngưng. Hành vi phạm tội của Na không mang tính quyết liệt. Nếu xác định là Na có hành vi hiếp dâm thì phải có hành động lột quần hoặc có quan hệ tình dục… Na mới sờ vào ngực em V. từ bên ngoài áo nên chỉ có hành vi dâm ô…
Vụ án 3: Vụ án các bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến, Trần Đình Thoại phạm các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” trong vụ thảm sát 06
người ở tỉnh Bình Phước vào năm 2015. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Hải Dương vừa là kẻ tổ chức, chủ mưu, cầm đầu vừa là người thực hành, bị cáo Vũ Văn Tiến cùng là người thực hành. Trần Đình Thoại tham gia vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức về mặt vật chất. Ngày 17/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước có Bản án hình sự sơ thẩm số 45/2015/HSST xử phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương và bị cáo Vũ Văn Tiến hình phạt Tử hình, bị cáo Trần Đình Thoại 16 năm tù về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Vụ việc đã được nhiều chuyên gia pháp lý có ý kiến trao đổi xoay quanh vấn đề “Trần Đình Thoại không giết người, cướp của nhưng vẫn bị khởi tố về tội này và cùng thống nhất cho rằng Thoại đã cùng Dương đến nhà ông Mỹ thực hiện hành vi phạm tội, nhưng do nguyên nhân khách quan là không thể đột nhập vào nhà được nên Thoại dừng lại việc phạm tội chứ không phải tự ý giữa chừng chấm dứt việc phạm tội một cách chủ quan. Giả sử trong trường hợp tự ý giữa chừng chấm dứt việc phạm tội, đối tượng Trần Đình Thoại đã không có hành vi gì để ngăn chặn việc đối tượng Nguyên Hải Dương phạm tội như thông báo cho gia đình nạn nhân, các cơ quan pháp luật để ngăn chặn hành vi phạm tội. Do đó, hậu quả đã xảy ra do đối tượng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến gây ra thì đối tượng Nguyễn Văn Thoại vẫn phải chịu trách nhiệm chung về tội giết người và cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
Vụ án 4: Hồng Văn Vũ và chị Ngô Thị Cẩm Tiên từ năm 2015 đến năm 2018,
Có mối quan hệ tình cảm và chung sống với nhau như vợ chồng rồi chia tay. Đến tháng 10/2018, cả hai cùng vào làm việc tại xưởng cắt vải ở quận Tân Bình và lưu trú tại khu vực phòng ngủ nam, nữ khác nhau của xưởng. Sáng 25/12/2018, đôi bên phát sinh mâu thuẫn lời qua tiếng lại. Trưa đó, Vũ gọi chị Tiên ra hành lang để nói chuyện và tiếp tục tranh cãi với nhau. Vũ lấy dao đã chuẩn bị sẵn đâm một nhát vào bụng chị Tiên. Thấy chị Tiên ngồi bệt xuống đất ôm bụng, Vũ vứt dao, tri hô nhờ người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Chị Tiên bị thương tích 39%.
VKSND Thành phố Hồ Chí Minh truy tố Vũ về tội giết người và đề nghị xử phạt 8-10 năm tù. TAND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định đủ cơ sở để xác định bị cáo Vũ có hành vi dùng dao đâm nạn nhân với ý định ban đầu là tước đoạt mạng sống của bị hại. Nhưng sau khi đâm chị Tiên một nhát bị cáo lại chủ động dừng lại. Tại tòa bị cáo trình bày lý do là vì khi đó thấy bị hại bị thương, bị cáo không muốn bị hại chết nên đã chủ động dừng lại không tiếp tục tấn công (dù xung quanh không có ai ngăn cản) mà chạy đi tri hô để mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu. Do đó chị Tiên đã được kịp thời cứu chữa không tử vong. Điều này phù hợp với những lời khai của người làm chứng tại cơ quan điều tra. Do đó, HĐXX nhận thấy hành vi của bị cáo thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 BLHS. Theo đó, bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người và tuyên phạt bị cáo tám năm tù về tội cố ý gây thương tích.
Không đồng ý, VKSND Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị, đề nghị xử Vũ tội giết người thuộc trường hợp có tính chất côn đồ và tăng nặng hình phạt. Kháng nghị phân tích: “Bản án sơ thẩm nhận định bị cáo tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và xử tội cố ý gây thương tích là không đúng, bởi lẽ hành vi phạm tội của bị cáo đã hoàn thành. Bị hại không chết là do kết quả của quá trình cứu chữa của bác sĩ chứ không phải do bị cáo đâm bị hại một nhát rồi dừng lại”. TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh, sửa án sơ thẩm về tội danh đối với Hồng Văn Vũ từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người, phạt 9 năm tù. HĐXX phúc thẩm nhận định sau khi đâm, bị cáo tri hô cho mọi người đến đưa bị hại đi cấp cứu không phải là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi giết người như bản án sơ thẩm đã xét xử.
Ví dụ 5: Theo hồ sơ, ngày 11/06/2006 khi Công an thị trấn An Lộc (huyện Long Bình, tỉnh Bình Phước) can thiệp một vụ đánh nhau, quá trình điều tra tiếp theo, Công an tỉnh Bình Phước xác định:
Sau khi đi hát karaoke Hưng, Phong và M về nhà nhậu tiếp. Tại đây M đòi về nhưng Hưng khóa cửa không cho về. Nhậu một lát Hưng bỏ lên phòng khách và gọi M lên nói chuyện. Khi M đi ngang qua phòng ngủ, Hưng quàng vào cổ, đè xuống giường đòi làm bậy. Bị chống cự quẫy đạp kêu la Hưng kêu Phong lên trợ giúp. Phong bỏ nhậu và giữ hai tay M để Hưng cởi đồ. Đến đây thì có sự mâu thuẫn: Cô M khai “Hưng đã làm chuyện ấy”. Trong khi Hưng khai “thấy M kêu la khóc lóc giãy giụa nên không giao cấu nữa, kêu Phong buông tay và ngưng không thực hiện”. Thoát khỏi, M chui qua lưới rào B40 chạy ra đường, vừa khóc vừa điện cho chị H để cầu cứu. Ngay hôm đó, bệnh viện đã kết luận có vết xước ở vùng kín của M. Từ các tình tiết trên, Công an tỉnh Bình Phước đã đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can thả Hưng và Phong vì kết luận Hưng đủ điều kiện tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Do không đồng ý với quyết định đình chỉ nêu trên nên nạn nhân đã khiếu nại, Công an huyện Long Bình cũng không đồng ý việc đình chỉ bị can đối với Hưng vì cho rằng “Hung tự ý chấm dứt việc phạm tội nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành”. Theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “trường phạm phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì không có tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”. Nên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt tại Điều 18 BLHS năm 1999. Công an huyện Long Bình đã báo cáo vụ việc lên Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó, hai cơ quan tố tụng tối cao này đã xem xét và nhận định: ”Không có căn cứ chứng minh Hưng tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội mà Hưng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm Điều 111
Qua đây cho thấy, cùng một vụ việc nhưng lại có ba cách giải thích và đưa ra quyết định khác nhau trong cùng một vụ án khiến cho công việc điều tra, xét xử mất nhiều thời gian và tốn nhiều công sức. Việc không truy cứu trách nhiệm hình sự để trừng trị kẻ đã có hành vi xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ là bỏ sót tội phạm. Có một số trường hợp người bị hại do điều kiện hoàn cảnh không thể tiếp tục khiếu nại nên đành im lặng tạo cơ hội cho người thực hiện hành vi phạm tội nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật.
2. Một số vụ án sau khi tòa án tuyên trả hồ sơ để điều tra lại vì thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Một số vụ án sau khi tòa án tuyên trả hồ sơ để điều tra lại, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra vì thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội dẫn đến việc chủ thể khiếu kiện, cho là đình chỉ sai luật để né trách nhiệm:
Cơ quan điều tra hình sự ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì lý do miễn TNHS thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội song cơ quan điều tra hình sự đã không xác định là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngay từ đầu mà chuyển VKSND đề nghị truy tố, TAND đã trả lại hồ sơ để điều tra lại và cơ quan điều tra hình sự đã ra quyết định đình chỉ điều tra dẫn đến việc chủ thể khiếu kiện, cho là ra quyết định đình chỉ sai luật để né tránh trách nhiệm, dẫn đến oan sai, buộc cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại.
Vụ án thứ nhất: Vụ án ông Đặng Văn Cường, năm 2012 (trú tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, năm công dân Bàn Văn Thái, Bàn Văn Tiếp, Đặng Văn Quang, Đặng Văn Tuyên và Đặng Việt Sơn lần lượt bị bắt, khởi tố về tội giết người. Cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang quy kết năm bị can đánh nạn nhân tử vong, sau đó đưa lên đồi cho uống thuốc diệt cỏ để tạo hiện trường giả. Trải qua hơn 10 lần xét xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan, tố bị mớm cung, ép cung.
TAND tỉnh Tuyên Quang nhiều lần tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đến tháng 3/2015, CQĐT thay đổi quyết định khởi tố năm người từ tội giết người sang cố ý gây thương tích. Tại kết luận điều tra mới, CQĐT cho rằng khi phát hiện đánh nhầm người, các bị can bỏ về vì sợ bị phát hiện chứ không bàn bạc giết nạn nhân như trước nữa nên thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tiếp đó, vợ nạn nhân bất ngờ xin rút yêu cầu khởi tố, CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với cả năm công dân. Vụ án đã được cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi tội danh rồi đình chỉ điều tra sau khi TAND trả hồ sơ, có dấu hiệu sai phạm pháp luật hình sự.
Vụ án thứ hai: Vụ án Bùi Nguyên Tùng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp khởi tố điều tra về tội “Sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Tùng, VKSND đề nghị truy tố. Sau 03 lần xét xử, TAND quận Gò Vấp trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Sau một thời gian không tìm thêm chứng cứ củng cố cáo buộc, tháng 3/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Tùng theo điều 19,
Trong hai vụ án này, Cơ quan điều tra đã không ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can ngay từ ban đầu, sau khi tòa án trả hồ sơ mới ban hành quyết định.
3. Một số trường hợp có tính chất đặc thù về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Một số trường hợp có tính chất đặc thù qua thực tiễn áp dụng cần đưa vào quy định ngay trong điều luật cụ thể tại phần Các tội phạm của BLHS có tính chất như tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:
Liên quan đến điều kiện về thời điểm của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có quan điểm cho rằng:
Cần phải chấp nhận ở một số loại tội nhất định thời điểm cho phép “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”có thể ngay cả khi hành vi phạm tội đã là trường hợp tội phạm hoàn thành. Đó có thể là những loại tội (do những lý do nhất định) đã được luật hình sự xác định thời điểm hoàn thành sớm, cho nên việc hành vi phạm tội dừng lại ở thời điểm tội phạm hoàn thành vẫn có ý nghĩa cho xã hội như những trường hợp khác dừng lại ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
Loại tội hoàn thành sớm chính là loại tội được phản ánh trong CTTP cắt xén, hình thức, nghĩa là không phải phản ánh chính hành vi phạm tội mà là hành vi “hoạt động” nhằm thực hiện hành vi đó. Cụ thể tại Điều 109 BLHS năm 2015 tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 113 BLHS năm 2015 tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” là các tội có CTTP thuộc loại này.
Trong các tội này, người phạm tội chỉ cần có hành vi thành lập hoặc tham gia vào tổ chức thì đã là tội phạm hoàn thành, mà không đòi hỏi phải thành lập được tổ chức hay đã thực hiện các hành vi sau khi gia nhập tổ chức. Nhà làm luật quy định tội phạm hoàn thành sớm là do tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nếu người phạm tội tự nguyện từ bỏ sớm sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại cho xã hội, cho đất nước và con người. Do vậy, đối với các tội có thời điểm hoàn thành sớm cũng nên coi là trường hợp tương tự của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tuy nhiên, những trường hợp này không nhiều nên có thể quy định điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngay trong điều luật cụ thể trong phần Các tội phạm của BLHS. Như vậy việc áp dụng sẽ sát thực tế hơn.
Vụ án thứ nhất: Vụ án Nguyễn Văn Đài (người cầm đầu, giữ vai trò chủ mưu), Phạm Văn Trỗi, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyền đã thành lập và xây dựng “Hội anh em dân chủ” để lôi kéo những người có cùng quan điểm với mình hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân.
Ngày 05/4/2018, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án 6 bị cáo về cùng tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong đó: bị cáo Nguyễn Văn Đài (Hà Nội) 15 năm tù và phạt quản chế 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Phạm Văn Trỗi (Hà Nội) 7 năm tù, quản chế 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Trung Tôn (Thanh Hóa) và Trương Minh Đức (Kiên Giang) cùng bị phạt 12 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Bắc Truyện (TP.HCM) 11 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Lê Thu Hà (Quảng Trị) 9 năm tù, quản chế 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Trong vụ án này, Bị cáo Phạm Văn Trỗi tham gia thành lập Hội anh em dân chủ” và được bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội này từ ngày 26/4/2015 cho đến tháng 12/2016 thì rút không tham gia “Hội anh em dân chủ”. Tại phiên tòa, bị cáo Trội có thái độ khai báo thành khẩn và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, thể hiện sự ăn năn hối cải nên được Hội đồng xét xử cho áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Thêm vào đó, bị cáo Trội đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật nên đã tự bỏ không tham gia Hội, được coi là tình tiết tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định tại Điều 16 –
Đây là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội xảy ra đối với người phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” là tội có cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi tham gia đã là tội phạm hoàn thành, nên hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc tội phạm chỉ được xem xét áp dụng dưới mức khung hình phạt chứ không được miễn trách nhiệm hình sự.
Vụ án thứ hai: Vụ án xét xử 17 bị cáo là thành viên của tổ chức “Triều đại Việt” trong vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Ngày 22/9/2020, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khanh (Đồng Nai), kẻ cầm đầu vụ án, thành viên của tổ chức “Triều đại Việt” 20 năm tù về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 BLHS năm 2015 và 4 năm tù về tội “Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” theo Điều 305 BLHS năm 2015, phạt quản chế 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt 16 bị cáo cùng về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” mức án từ 2 năm đến 18 năm tù.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án xâm phạm an ninh quốc gia do tổ chức “Triều đại Việt” thực hiện, sử dụng phương pháp bạo động vũ trang, khủng bố để lật đổ chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cầm đầu tổ chức này là Ngô Văn Hoàng Hùng (thường gọi là Ngô Hùng), là kẻ phản động lưu vong ở Canada, từng mang án tử hình (sau giảm xuống chung thân) về tội “Âm mưu lật đổ chính quyền” vào năm 1979. Sau khi vượt biên sang nước ngoài, Hùng thành lập tổ chức “Triều đại Việt”, thường xuyên sử dụng mạng xã hội để lôi kéo nhiều người trong nước tham gia tổ chức, trong đó có bị cáo Nguyễn Khanh.
Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, Nguyễn Khanh là bị cáo cầm đầu vụ án, lãnh đạo tổ chức “Triều đại Việt” ở trong nước. Nguyễn Khanh được Hùng hứa hẹn phong giữ chức “Chuẩn tướng, Tỉnh trưởng tỉnh Đồng Nai”. Hùng chuyển cho Khanh tổng cộng 144 triệu đồng và 600 đô la Canada. Sau khi nhận tiền, Khanh mua 5kg thuốc nổ và 20 kíp nổ của Nguyễn Trung Trực (Đắk Nông) và lấy 7kg thuốc nổ và 25 kíp nổ đã tự mua trước đó từ Hà Văn Dương đưa hết cho Dương Bá Giang (Đồng Nai) để chế tạo 10 trái nổ, kích nổ bằng điều khiển từ xa. Sau đó, Khanh chỉ đạo cho Giang đưa 2 trái nổ cho Vũ Hoàng Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) và Dương Khắc Minh (Thanh Hóa) và hướng dẫn cách kích nổ. Ngày 20/6/2018, Nam và Minh mang theo 02 trái nổ, 01 giấu trong ba lô màu đen, 01 để trong hộp đựng quà sinh nhật tới trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình vào lúc 14h sau đó dùng điều khiển từ xa kích nổ. Ngoài vụ việc trên, Nguyễn Khanh còn giao 1 trái nổ cho Nguyễn Xuân Phương để gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng không thành do Phương sợ nên đã ném bỏ xuống khu vực cầu Suối Linh.
Ngày 23/6/2018, Nguyễn Khanh giao 03 trái nổ cho Nguyễn Minh Tấn (Hậu Giang) – “Tư lệnh Quân khu 4” do Ngô Hùng phong, giao nhiệm vụ cho Tấn gây nổ ở Công an tỉnh Hậu Giang và tỉnh Kiên Giang. Ngày 05/7/2018, Tấn trực tiếp cùng Phạm Trần Phong Vũ (Kiên Giang) dùng trái nổ gây nổ tại trụ sở Công an tỉnh Hậu Giang. Ngoài ra, Nguyễn Minh Tấn cũng giao cho Hứa Hoàng Anh (đã chết) 1 trái nổ với nhiệm vụ gây nổ ở trụ sở Công an tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, do sợ, Hứa Hoàng Anh đã đặt trái nổ gây nổ ở trụ điện gần nhà thuộc ấp Bình Lợi, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Trong vụ án này, đối tượng Nguyễn Xuân Phương, người được giao nhiệm vụ gây nổ tại trụ sở Công an phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nhưng đã không làm và vứt trái nổ xuống sông, được cơ quan điều tra miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do có tình tiết “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội”, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra.
Đây là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội xảy ra đối với người phạm tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” là tội có cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi tham gia đã là tội phạm hoàn thành, tuy nhiên, hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc tội phạm vẫn được Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh xem xét miễn trách nhiệm hình sự ngay từ giai đoạn điều tra, khác với vụ án thứ nhất nêu trên.
Qua 02 vụ án trên, chúng tôi nhận thấy rằng, đối với những tội danh đặc thù, có ý nghĩa đối với xã hội nên cần có quy định ngay tại điều luật tại phần riêng BLHS để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho những người muốn dừng hành vi phạm tội ngay từ ban đầu, hợp tác với cơ quan điều tra góp phần phá vỡ những âm mưu, thủ đoạn chống phá Nhà nước Việt Nam, giảm thiểu thiệt hại, tổn thất cho xã hội.
Một trường hợp khác có cùng tính chất như trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhưng chưa được BLHS Việt Nam quy định là trường hợp tự ý ngăn chặn tội phạm. Như đã phân tích, khi người phạm tội đã thực hiện tội phạm đến giai đoạn chưa đạt đã hoàn thành thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không được đặt ra. Ví dụ: A đã đặt mìn để hủy hoại ô tô đỗ ban đêm ngoài đường của B. Khi đã đặt quả mìn dưới gầm ô tô và bật công tắc hẹn giờ của quả mìn thì tội phạm do A thực hiện đã là tội phạm chưa đạt đã hoàn thành. A không cần làm gì tiếp thì quả mìn vẫn sẽ nổ theo hẹn giờ.
Trong trường hợp này, vấn đề “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” không còn được đặt ra. A có thể ngăn chặn được việc mìn nổ bằng cách tắt công tắc hẹn giờ để vô hiệu hóa quả mìn. Hành động “tích cực” như vậy được luật hình sự coi là trường hợp được miễn TNHS nếu hành động đó được thực hiện tự nguyện “tự mình”. Trường hợp này chưa được quy định trong
BLHS Việt Nam. Trong thực tế, nếu có trường hợp như vậy xảy ra thì có thể áp dụng Điều 16 theo nguyên tắc tương tự để miễn TNHS.
Qua 15 vụ án trên thực tế đã cho thấy, những tồn tại, hạn chế xuất phát từ việc nghiên cứu các quy phạm về chế định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội còn có nhiều quan điểm khác nhau. Phần lớn các vụ án xảy ra trên thực tế, các cơ quan tư pháp đã áp dụng đúng quy định pháp luật về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Tuy nhiên, các vụ án vẫn còn những quan điểm khác nhau, không thống nhất với hướng xét xử. Các quan điểm này chủ yếu và xoay quanh việc xác định điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Một số vụ án đã điều tra, truy tố, xét xử trên thực tế nhưng cũng còn có quan điểm khác nhau trong việc xác định là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Một số vụ án sau khi tòa án tuyên trả hồ sơ để điều tra lại, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra vì thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội dẫn đến việc chủ thể khiếu kiện, cho là đình chỉ sai luật để né trách nhiệm.
Một số trường hợp có tính chất đặc thù qua thực tiễn áp dụng cần đưa vào quy định ngay trong điều luật cụ thể tại phần tội phạm của BLHS có tính chất như tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đó là các tội có CTTP hình thức, cắt xén thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia đã được luật hình sự xác định thời điểm hoàn thành sớm, cho nên việc hành vi phạm tội dừng lại ở thời điểm tội phạm hoàn thành vẫn có ý nghĩa cho xã hội như những trường hợp khác dùng lại ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Ví dụ như: tại Điều 109 BLHS năm 2015 tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 113 BLHS năm 2015 tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” là các tội có CTTP thuộc loại này. Trong các tội này, người phạm tội chỉ cần có một trong các hành vi nhằm xúc tiến việc thành lập hoặc hành vi nhận lời tham gia vào tổ chức thì tội phạm đã hoàn thành. Việc quy định tội phạm hoàn thành sớm là do tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ xã hội, đó là sự tồn tại hay sự vững mạnh của đất nước mà luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên những trường hợp này không nhiều nên có thể quy định điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội ngay trong điều luật cụ thể trong phạm các tội phạm của BLHS. Như vậy việc áp dụng sẽ sát thực tế hơn.