Tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu công nhận mối quan hệ đồng giới từ cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đang ngày càng tăng cao.
Tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu công nhận mối quan hệ đồng giới từ cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đang ngày càng tăng cao. Nhất là kể từ khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trong một quyết định có số hiệu 5-4 trên toàn bộ 50 bang vào ngày 26/6/2015.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì đã bỏ quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, nhưng vẫn chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới. Như vậy, tại Việt Nam, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Việc thay đổi như trên của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể nói là một tin vui đối với những người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung ở Việt Nam, bởi vì, họ đã được kết hôn, chung sống dưới cùng một mái nhà bên người mình yêu thương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết quan điểm của người dân Việt Nam vẫn hiểu rằng khái niệm kết hôn là sự kết hợp giữa nam và nữ để duy trì nòi giống, còn gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau. Và họ đặt ra các câu hỏi rằng liệu hôn nhân cùng giới có làm suy thoái đạo đức, thay đổi chuẩn mực truyền thống hay không? Hôn nhân cùng giớ liệu sẽ làm suy thoái nòi giống, đi ngược lại giá trị của cuộc sống hay không? Thực tế, những quan điểm này không hề sai, nhưng liệu rằng những tác giả đặt ra các câu hỏi này có khi nào tự đặt mình vào những người đang, sẽ và mong muốn kết hôn cùng giới để suy nghĩ chưa?
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong xã hội hiện đại, do áp lực của cuộc sống, mục tiêu được con người kỳ vọng nhất trước ngưỡng cửa hôn nhân là gia đình trở thành một “mái ấm”, là nơi an toàn, yên ổn, là nơi con người được thỏa mãn nhất những nhu cầu tâm lý tình cảm. “Quyền được mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền quan trọng nhất của con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Mỗi con người, dù với những bản dạng tình dục khác nhau, đều có quyền kiếm tìm hạnh phúc. Vì thế, không riêng ai cả, đều có quyền có được một cuộc sống hạnh phúc, được thỏa mãn những nhu cầu tâm lý của bản thân và những người thuộc cộng đồng LGBT hoàn toàn có được những quyền này.
Việc thừa nhận hôn nhân cùng giới cũng không thể làm suy thoái nòi giống như ý kiến của nhiều người bởi thực ra như đã nêu, người đồng tính chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng dân số của xã hội, và họ hoàn toàn có thể nhờ mang thai hộ hoặc nhận con nuôi.
Cũng có quan điểm đặt ra rằng Điều 36 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau” là mở đường cho hôn nhân cùng giới. Thực ra quy định này vẫn khẳng định hôn nhân theo nguyên tắc một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Trong khi đó, dù không được định nghĩa trong pháp luật nhưng thông thường mọi người vẫn ngầm hiểu vợ là phái nữ còn chồng là phái nam. Vì vậy, nếu đã sử dụng hai thuật ngữ này thì quy định trên vẫn nghiêng về quan điểm kết hôn khác giới hơn là ngầm ủng hộ kết hôn cùng giới.
Cuối cùng, có thể khẳng định rằng việc theo đuổi, ghi nhận quyền bình đẳng đầy đủ của cộng đồng người LGBT còn cần rất nhiều thời gian với nhiều thử thách nữa. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, giá trị nhân văn của pháp luật dẫu nhanh hay chậm cũng sẽ ngày càng được bồi đắp, và một ngày nào đó cộng đồng người LGBT sẽ được công nhận đầy đủ các quyền bình đẳng của mình.