Điều kiện nào để ra quyết định truy nã tội phạm và cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định?
Theo quy định của pháp luật, truy nã là việc cơ quan điều tra ra một quyết định truy tìm tung tích, bắt giam trở lại đối với người vi phạm pháp luật hình sự, khi có dấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hoặc nơi thi hành án, đến một địa bàn khác, với các thủ đoạn khác nhau như thay đổi tên gọi, thay đổi hình dáng, thông tin cá nhân… để trốn tránh pháp luật. Theo Khoản 3 Điều 49, Khoản 3 Điều 50, Khoản 4 Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp bị can, bị cáo là người đang được tại ngoại mà có hành vi bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc không biết rõ bị đang ở đâu; người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình có hành vi bỏ trốn khỏi trại giam thì cơ quan điều tra sẽ quyết định truy nã.
Như vậy, có thể thấy đối tượng của truy nã đó là:
– Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu;
– Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn;
– Người bị kết án phạt tù bỏ trốn;
– Người bị kết án tử hình bỏ trốn;
– Người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn.
Trong thời gian 24 giờ từ khi xác định đối tượng bỏ trốn hoặc không xác định được đối tượng đang ở đâu, cơ quan có thẩm quyền quản lý đối tượng bỏ trốn phải ra quyết định truy nã và nhanh chóng gửi đến cơ quan công an các cấp nơi đối tượng có thể ẩn náu hoặc lẩn trốn để truy bắt. Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết ở những nơi công cộng để mọi người biết, phát hiện, tố giác và bắt giữ đối tượng. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại mục 1 nêu trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;
– Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Khi có đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu mà trước đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đã ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà không bắt được thì Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định truy nã; trường hợp chưa có lệnh bắt bị can; bị cáo để tạm giam thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam mà Cơ quan điều tra tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện kiểm sát, Tòa án ra ngay quyết định truy nã.
Công tác phát hiện, truy bắt đối tượng truy nã rất cần đến sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan ban, ngành, đoàn thể và nhất là quần chúng nhân dân. Đối tượng truy nã là những người đang trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật vì vậy khi người dân có nghi ngờ hoặc phát hiện đối tượng truy nã có thể liên hệ thông báo trực tiếp đến cơ quan công an tại nơi mình cư trú hoặc thông qua hòm thư tố giác tội phạm tại cơ quan công an địa phương.