Khái quát về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em ở Việt Nam. Một số tác động của biến đổi khí hậu đối với với quyền trẻ em Việt Nam trong các lĩnh vực.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái quát về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em ở Việt Nam:
- 2 2. Một số tác động của biến đổi khí hậu đối với với quyền trẻ em Việt Nam trong các lĩnh vực:
- 2.1 2.1. An ninh lương thực và dinh dưỡng:
- 2.2 2.2. Chăm sóc sức khỏe:
- 2.3 2.3. Nước sạch và vệ sinh môi trường:
- 2.4 2.4. Giáo dục:
- 2.5 2.5. Vấn đề di cư:
- 2.6 2.6. Các tác động tâm lý xã hội:
- 2.7 2.7. Bảo trợ xã hội:
- 2.8 2.8. Tác động và thách thức kép của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đối với trẻ em:
1. Khái quát về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em ở Việt Nam:
Các hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu bao gồm lượng mưa thay đổi dẫn đến hạn hán và lũ lụt, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn, cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, đều có tác động đáng kể đến trẻ em. Những tác động này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, và ảnh hưởng đến an ninh lương thực, dinh dưỡng, sức khỏe, bệnh tật, nước và vệ sinh cũng như giáo dục và tình trạng di cư. Hơn bao giờ hết, thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa về tỷ lệ bệnh tật cao hơn do biến đổi khí hậu gây ra, tình trạng mất an ninh lương thực và khan hiếm nước – tất cả những điều này, ở một mức độ nào đó, có thể đảo lộn những thành tựu về sức khỏe và sự phát triển của trẻ em đã đạt được trong 30 năm qua. Theo WHO, hơn 88% các bệnh do biến đổi khí hậu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt, bệnh tiêu chảy, nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi, đã gây ra 361.000 ca tử vong ở trẻ em trên toàn cầu mỗi năm do không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường. Chất lượng và sự sẵn có của nước sạch, an ninh lương thực và y tế cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái môi trường – bao gồm ô nhiễm không khí, nguồn nước và mất đa dạng sinh học – cùng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu mực nước biển dâng cao 1 mét, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, thành phố Hồ Chí Minh bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Việt Nam nằm trong 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua vì bão, lũ và sạt lở đất theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu do tổ chức Germanwatch (Đức) công bố tháng 12/2015. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh).
Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1 mét, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Theo thống kê của UNCEF năm 2017, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi là 7,4 triệu người (chiếm 8% tổng dân số cả nước), tổng số trẻ em dưới 18 tuổi là 26,2 triệu người (chiếm 28% tổng dân số cả nước, trong đó có 2,79% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi từ 2-17 tuổi, hơn 1/4 số trẻ em khuyết tật sống trong các hộ gia đình nghèo đa chiều. Trong bối cảnh đó, thế hệ trẻ em Việt Nam đang lớn lên, phải đối mặt với nhiều rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu do trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương trong các tình huống khẩn cấp nhất bởi hạn chế về thể chất, tâm lý, khả năng tiếp cận dịch vụ, sự phụ thuộc vào người lớn. Trẻ em Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ bị tổn thương nhiều mặt cũng như sự bất bình đẳng về quyền mà trẻ em đang phải gánh chịu. Thiên tai kéo dài như hạn hán và xâm nhập mặn đã để lại hậu quả lâu dài cho phúc lợi trẻ em trong các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội. Ở những vùng hay bị thiên tai, trẻ em phải trả một giá đắt khi thiên tai trở thành thảm họa.
Nghiên cứu thực địa tại Ninh Thuận vào năm 2018 cho thấy trẻ em luôn là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ biến đổi khí hậu, ví dụ như tác động của hạn hán khiến trẻ em có sức khỏe kém do nóng nực, bụi bẩn ô nhiễm đường hô hấp; vệ sinh an toàn thực phẩm kém dẫn đến các bệnh tiêu hóa đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, hạn hán khiến cha mẹ bỏ đi làm xa để kiếm sống khiến trẻ em không được quan tâm đầy đủ khi ở lại với ông bà dẫn đến tai nạn thương tích như đuối nước, bị bỏ đói.
2. Một số tác động của biến đổi khí hậu đối với với quyền trẻ em Việt Nam trong các lĩnh vực:
2.1. An ninh lương thực và dinh dưỡng:
Ở Việt Nam hiện nay, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi lượng mưa thay đổi (dẫn đến hạn hán và lũ lụt), nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Những tác động này đối với ngành nông nghiệp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ mất mùa hoàn toàn đến năng suất giảm triền miên và thu nhập thấp hơn cho các hộ gia đình, tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực và dinh dưỡng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong 50 năm tới, khoảng 50% diện tích canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng và xâm nhập mặn, và hàng triệu cư dân sẽ bị thiệt hại do mất nhà ở hoặc mất sinh kế. Năm 2020, tổng số người dự kiến bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 685.558 người, trong đó có 141.781 trẻ em. Nhiệt độ đại dương cao hơn cùng với quá trình axit hóa có thể khiến các hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học gặp rủi ro – điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của các cộng đồng ven biển tại Việt Nam, nơi phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ. Việc giảm sản lượng đánh bắt có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực đối với trẻ em và các gia đình, cả về nguồn thực phẩm và thu nhập từ bán cá.
Trẻ em đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực, vì những giai đoạn thiếu dinh dưỡng có thể góp phần làm chậm quá trình phát triển, trẻ em được đi học ít hơn do thu nhập hộ gia đình thấp hơn, và tăng khả năng mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này. Tình trạng không đảm bảo an ninh lương thực cũng đe dọa sức khỏe bà mẹ, điều này có liên quan mật thiết đến khả năng sống sót và phát triển của trẻ trong những năm đầu đời. Hiện nay, Việt Nam đã có thể đảm bảo an ninh lương thực mặc dù những thách thức gần đây về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có thể duy trì và tăng sản lượng gạo và thủy sản. Tuy nhiên tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn rất cao ở nhóm trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi (32% so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 17.1%). Tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh lương thực xảy ra ở những khu vực có tính tổn thương cao bao gồm địa bàn có nhiều nhóm dân tộc thiểu số và người nghèo như khu vực miền Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Một nghiên cứu của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trương năm 2017 cho thấy biến đổi khí hậu góp phần làm gia tăng tình trạng di cư của người nông dân, điều này có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực cho trẻ em, vì khả năng tiếp cận thực phẩm có thể giảm đi khi các gia đình rời bỏ đồng ruộng.
2.2. Chăm sóc sức khỏe:
Hạn hán, khan hiếm nước và lũ lụt được cho là làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, bệnh lây truyền qua véc-tơ truyền bệnh và bệnh truyền qua thực phẩm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và sốt rét. Lũ lụt dẫn đến thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì họ có ít cơ hội học bơi hơn nam giới. Các dấu hiệu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở Việt Nam và được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Lũ lụt được coi là thiên tại lớn liên quan đến khí hậu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em tại Việt Nam. Sự gia tăng số ca trẻ em nhập viện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có liên quan đáng kể đến tình trạng lũ sông theo mùa, và tình trạng này càng thêm nghiêm trọng khi lũ lụt làm gia tăng lượng mưa, những ca nhập viện dự kiến sẽ tăng lên. Nhiệt độ môi trường cao hơn cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai cũng đã cho thấy làm tăng tỷ lệ mắc một số bệnh ở trẻ em. Ví dụ, nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C có liên quan đáng kể đến nguy cơ tiêu chảy tăng 0,4%, bệnh lỵ trực khuẩn tăng 2,5%, bệnh quai bị tăng 0,9%, nguy cơ cúm tăng 1,1%, nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 5%, nguy cơ mắc bệnh sốt rét tăng 0,4% và nguy cơ mắc bệnh dại tăng 2%. Các tài liệu hiện nay cho thấy trẻ em rất dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với nhiệt độ cao và rõ ràng là phụ nữ mang thai và trẻ em chưa sinh cũng dễ bị tổn thương hơn bởi tình trạng tiếp xúc với nhiệt độ cao. Sự gia tăng tiếp xúc với nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu được cho là sẽ làm tăng tỷ lệ sinh non, giảm trọng lượng khi sinh và tăng tỷ lệ thai chết lưu. Vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
2.3. Nước sạch và vệ sinh môi trường:
Lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu theo nhiều cách khác nhau, bao gồm các tác động tiêu cực đến nguồn nước và chất lượng nước uống, cũng như việc cung cấp các dịch vụ vệ sinh và môi trường, và tác động đến việc đầu tư và cơ sở hạ tầng và các cộng đồng phụ thuộc vào những quyết định này. Việt Nam đã đạt vượt mức các chỉ tiêu Thiên niên kỷ về nước sạch và vệ sinh môi trường với 82% và 68% dân số được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường được cải thiện. Hiện nay, 98% của tổng dân số (khoảng 97 triệu người) được tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 78% dân số sử dụng nhà tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù vậy, vẫn cần ghi nhận rằng chỉ khoảng 10% người dân nông thôn và 61% người dân thành thị được tiếp cận nước máy. Số lượng và chất lượng nước uống bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi, cường độ mưa và nhu cầu sử dụng và tác động tới nguồn nước ngầm trong thời gian dài hơn. Tác động của biến đổi khí hậu có thể khá nghiêm trọng đối với người dân nông thôn do tình trạng tự cung cấp nước (41% dân số nông thôn ở Việt Nam). Nhóm người dân này đối mặt với sự thiếu nước do biến đổi khí hậu do việc cấp nước không ổn định và khả năng tích trữ của hộ gia đình để vượt qua giai đoạn khó khăn khi việc cung cấp nước bị gián đoạn. Chất lượng của nước tự cung cấp thường không được đảm bảo do việc thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của chất lượng nước và sự hạn chế trong lựa chọn xử lý nước ở cấp hộ gia đình. Việc tự cấp nước có ảnh hưởng tiêu cực bởi các sự kiện khí hậu khắc nghiệt như lụt lội cũng như việc ô nhiễm do phân bón nông nghiệp và vệ sinh môi trường không an toàn. Một loạt lũ lụt và bão đã ảnh hưởng đến chất lượng nước thông qua làm hỏng các đường ống dẫn nước và và giếng tự đào, làm giảm sự sẵn có và tăng sự nhiễm bẩn nguồn nước và chi phí vận hành. Nước không hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh kém góp phần làm gia tăng bệnh tật, như tiêu chảy, nguyên nhân lớn thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, tình trạng khan hiếm nước uống an toàn và thiếu vệ sinh càng trở nên trầm trọng, và có khả năng làm suy yếu những thành tựu đạt được về sức khỏe và sự sống còn của trẻ em, cũng như tác động đến việc đầu tư và cơ sở hạ tầng. Tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Những tiến bộ trong lĩnh vực này đã đem lại tiến bộ đã đạt được trong quá khứ về ngăn ngừa tình trạng tử vong ở trẻ em. Ở khu vực nông thôn của Việt Nam, phụ nữ phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ nước cho gia đình. Do vậy, các dịch vụ vệ sinh và nước sạch không đảm bảo đã ảnh hưởng trầm trọng tới thời gian của phụ nữ nghèo, an toàn thể chất, năng suất cũng như khả năng tạo thu nhập và tiếp cận giáo dục cho người lớn. Điều đáng chú ý là khoảng 65% hộ gia đình ở Việt Nam thiếu nguồn nước tại hộ gia đình, phụ nữ và trẻ em gái được coi là có trách nhiệm đi lấy nước sạch, gánh nặng này đặc biệt lớn hơn đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (cao hơn 10% ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số). Ngoài ra, mặc dù phụ nữ vẫn là người sử dụng nước sinh hoạt chính, nhưng họ ít có khả năng tham gia vào việc ra quyết định đối với nguồn cấp nước sinh hoạt hoặc nước công cộng. Biến đổi khí hậu sẽ gây thêm căng thẳng trong việc duy trì sức khỏe cộng đồng và các kết quả liên quan đến phúc lợi xã hội. Bên cạnh đó, các tác động về nước sạch và vệ sinh còn ảnh hưởng tới việc học tập của các bé gái tại trường học. Việc thiếu các công trình vệ sinh khiến cho các bé gái ở tuổi dậy thì lỡ các buổi học và có thể có nguy cơ bị bạo lực thể xác. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ giúp cho việc cải thiện công tác quản lý và kết quả trong lĩnh vực này.
2.4. Giáo dục:
Cơ sở hạ tầng trường học bị mất mát hoặc hư hại thường do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng gây ra, điều này có thể khiến trường học phải đóng cửa và giáo dục bị ảnh hưởng. Hạn hán, kéo theo tình trạng khan hiếm nước cũng có thể ảnh hưởng đến giáo dục nếu chất lượng và lượng nước sẵn có tại các trường học bị ảnh hưởng. Tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt cao hơn cùng với căng thẳng do nắng nóng có thể làm giảm khả năng học tập của trẻ và ảnh hưởng đến khả năng giảng dạy của giáo viên trong lớp học. Nhiệt độ cao hơn, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, có thể tiếp tục làm suy giảm chất lượng không khí, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn và các bệnh khác mà trẻ em đặc biệt dễ mắc phải, do đó có thể khiến trẻ em đi học ít hơn. Biến đổi khí hậu cũng có thể tác động gián tiếp đến giáo dục: khi cây trồng bị ảnh hưởng và sản lượng nông nghiệp giảm, thu nhập hộ gia đình thấp hơn và việc trang trải chi phí học tập trở nên khó khăn hơn. Trẻ em cũng có thể phải phụ giúp thêm công việc nhà nông, và do đó có thể không được đến trường. Ngoài ra, do sự phân công lao động theo giới, trẻ em gái thường có nguy cơ phải làm các công việc nhà nông nhiều hơn, dẫn đến tình trạng nghỉ học nhiều hơn và tỷ lệ bỏ học sớm cao hơn. Tác động của lốc xoáy đối với ngành giáo dục được thể hiện rõ qua dữ liệu tổng hợp về thiệt hại do lốc xoáy và lũ lụt gây ra như Bão Xangsane (2006) làm hư hỏng 5.236 phòng học ở miền Trung Việt Nam; Bão Damrey (2005) phá hủy 3.922 phòng học; Lũ lụt năm 2001 và 2000 đã làm hư hỏng lần lượt 5.315 phòng học và 12.909 phòng học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Lũ lụt năm 1999 đã phá hủy 5.915 phòng học ở miền Trung Việt Nam; Bão Linda (1997) đổ bộ vào phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long gây tác động tới 21 tỉnh phía Nam với 1424 phòng học bị đổ sập, 5727 phòng học bị hư hỏng. Năm 2020, trước sự ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử tại miền Trung, bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07 tháng 10 năm 2020 đến đầu tháng 12 năm 2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã khiến nhà cửa bị tàn phá, mùa màng và sinh kế bị phá hủy, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Tại nhiều địa phương, các trường học đã bị hư hại tạm ngừng hoạt động, sách vở và các tài liệu học tập khác bị nước phá hủy. Do đó, gần 1,2 triệu học sinh đã phải nghỉ
học và việc học tập của các em bị gián đoạn. Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, học trực tuyến là giải pháp được đưa ra cho ngành giáo dục Việt Nam và áp dụng ở tất cả các cấp học từ tiểu học đến đại học. Tuy nhiên điều này chưa thể toàn diện khi khả năng tiếp cận Internet để truy cập và kết nối của trẻ em ở các vùng miền là khác nhau. Điều này gây hạn chế, và ảnh hưởng đến quyền giáo dục của trẻ em ở ở những vùng nông thôn, miền núi còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
2.5. Vấn đề di cư:
Thiên tại liên quan đến biến đổi khí hậu bao gồm mất bờ biển do nước biển dâng và triều cường, lốc xoáy có thể gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng và góp phần trực tiếp làm gia tăng tình trạng di cư. Trên toàn cầu, mỗi năm, có tới 50 triệu người phải di dời do thiên tai và biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm Giám sát di dân nội bộ, với hơn một triệu người phải di dời trong giai đoạn 2008-2012, Việt Nam xếp thứ 17 trong số 82 quốc gia phải di dời nhiều nhất do thiên tai. Cụ thể, các hiện tượng thiên tai cực đoan có tác động tiêu cực đến sinh kế của mỗi hộ gia đình và do đó, các bậc cha mẹ thường phải rời khỏi quê hương để kiếm sống và hậu quả là con cái không được cha mẹ quan tâm, chăm sóc đầy đủ. Một nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu và tình trạng di cư: dựa trên 400 cuộc phỏng vấn tại hai tỉnh (là nơi có lượng người nhập cư cao nhất đến Thành phố Hồ Chí Minh), phân tích thống kê cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đến các hoạt động sản xuất; chất lượng cuộc sống; chất lượng môi trường là những yếu tố góp phần vào quyết định di cư của những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Có mối tương quan giữa tác động của biến đổi khí hậu và quyết định di cư (p<0,05), và quyết định di cư tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Có mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và di cư, đồng thời nhấn mạnh các tác động nhiều mặt của tình trạng di cư liên quan đến khí hậu đối với trẻ em được đề cập ở trên, bao gồm tác động đến sức khỏe, tỷ lệ đi học thấp, bảo vệ trẻ em và các vấn đề tâm lý xã hội. Sinh kế và các cơ chế trợ giúp xã hội (bảo trợ xã hội) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng di dời do di cư, điều này có thể làm tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước các vấn đề phân biệt đối xử, xâm hại, bạo lực, nghèo đói và bóc lột. Tác động của di cư có thể bao gồm sự chia tách gia đình, gián đoạn việc học tập và gián đoạn mạng lưới xã hội. Các tác động đến sức khỏe như bùng phát các bệnh truyền nhiễm cũng có thể có nguyên nhân từ tình trạng di cư. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi cha mẹ buộc phải di cư để tìm việc làm, tỷ lệ trẻ bị sao nhãng và xâm hại cũng như tỷ lệ bỏ học tăng lên. Trong các trường hợp chuyển chỗ ở và di cư, trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực và bóc lột cao hơn, bao gồm cả xâm hại tình dục và xâm hại thể chất trong và sau khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những rủi ro này càng tăng cao khi các em đi lấy thức ăn, nước uống và củi hoặc trong thời gian ở nhà tạm lánh hoặc trại tị nạn. Ngoài ra, khi một gia đình gặp khó khăn về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra, các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tảo hôn có thể tăng lên. Các bé trai thường phải làm việc trong các lĩnh vực đòi hỏi thể chất (bốc than, đánh bắt cá hoặc bán ma túy) và không được đi học.
2.6. Các tác động tâm lý xã hội:
Tuy có rất ít nghiên cứu về mối tương quan giữa bảo vệ trẻ em và tác động của biến đổi khí hậu, nhưng có một số xu hướng đáng chú ý. Tổ chức Plan International và Viện phát triển nước ngoài (ODI), với hỗ trợ từ một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đã phát hiện rằng trẻ em ở các cộng đồng bị thiệt thòi đang ở trong tình trạng không an toàn do tác động của biến đổi khí hậu. Trẻ em thường bị xâm hại nhiều hơn trong các tình huống nhân đạo, vì một số lý do, nhưng chủ yếu là do di cư và di dời. Áp lực lên sinh kế (như mất thu nhập từ hoạt động nông nghiệp hoặc phải di dời) đã và đang làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình và đặc biệt là đối với trẻ em. Nhiều em phải bỏ học để phụ giúp cha mẹ kiếm tiền hoặc kết hôn sớm như một giải pháp về kinh tế cho gia đình. Việc bảo vệ trẻ em cũng có thể bị đe dọa khi trẻ em tiếp xúc với các mối nguy hiểm về môi trường tại trường học, như các tòa nhà không an toàn về cấu trúc, không đủ nước sạch và thiết bị vệ sinh, và các mối quan tâm về an toàn khác trong hoặc gần khuôn viên trường học, như chất thải nguy hại. Những phát hiện này kết hợp với tình trạng biến đổi khí hậu đã được dự báo cho thấy tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển tổng thể và liên tục của trẻ em. Ngoài việc phá vỡ môi trường bảo vệ vật chất, thiên tại có thể làm nảy sinh các vấn đề bảo vệ liên quan tới tâm lý xã hội. Những thay đổi môi trường đột ngột và nghiêm trọng này có thể ảnh hưởng đến khả năng trẻ em tiếp cận giáo dục chất lượng và cũng làm tăng tỷ lệ bạo lực đối với trẻ em. Việc di chuyển hoặc gián đoạn nơi ở hoặc trường học và các thói quen thường ngày có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên bị tổn thương về sức khỏe tâm thần hoặc tâm lý xã hội. Ví dụ, khi thanh niên rời khỏi cộng đồng của mình để kiếm việc làm, nhiều người làm việc mà không được đăng ký, họ phải làm việc nhiều giờ, được trả lương rất ít, và kết quả là có thể bị căng thẳng và xâm hại về thể chất và tinh thần. Do hậu quả của các tình huống biến đổi khí hậu khắc nghiệt, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có thể trải qua một loạt cảm xúc và phản ứng như mất hứng thú và gặp khó khăn trong việc hoàn thành một số công việc, từ bỏ, phản đối các quy tắc và có hành vi hung hăng.
2.7. Bảo trợ xã hội:
Trợ giúp bằng tiền mặt là nền tảng cốt lõi của hệ thống bảo trợ xã hội có lồng ghép rủi ro thiên tai và ứng phó với các cú sốc. Một cơ chế trợ giúp bằng tiền mặt được phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, cùng hệ thống cung cấp dịch vụ hiệu quả có thể giúp tối đa hóa các nguồn lực, hỗ trợ kịp thời cho trẻ em và người chăm sóc trẻ ở các khu vực bị ảnh hưởng, từ đó giúp các em có khả năng ứng phó tốt hơn với các cú sốc. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Đề án Đổi mới và Phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 với tầm nhìn đến 2030” (MPSARD) với ba hợp phần bao gồm: Các chương trình trợ giúp xã hội thường xuyên thực hiện chuyển tiền mặt hàng tháng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi mục tiêu; Chăm sóc xã hội thực hiện dịch vụ chăm sóc đặc biệt cho những người cần được bảo vệ đặc biệt, như nạn nhân của nạn buôn bán người hoặc bạo lực gia đình và Các chương trình trợ giúp khẩn cấp thực hiện trợ giúp khẩn cấp ngắn hạn ngay sau thiên tai, thông qua trợ giúp bằng hiện vật và tiền mặt. Thiên tai xảy ra với cường độ, tần suất, và mức độ nghiêm trọng ngày càng cao tại Việt Nam, điều đó cho thấy rằng thiên tai không còn là những hiện tượng bất thường và bất ngờ nữa, mà thực chất đã đi kèm với biến đổi khí hậu theo quá trình lâu dài. Do đó, hệ thống bảo trợ xã hội cần được tăng cường không chỉ để ứng phó với các tình huống thiên tai riêng lẻ, mà còn tính đến các rủi ro khác nhau để chuẩn bị ứng phó với tác động kinh tế và xã hội lâu dài đối với gia đình và trẻ em. Một thách thức chính đối với hệ thống trợ giúp khẩn cấp bằng tiền hiện nay của Việt Nam là hệ thống này tập trung chủ yếu vào việc cứu trợ khẩn cấp ngắn hạn ngay sau khi xảy ra thiên tai thông qua trợ giúp bằng hiện vật và tiền mặt. Hệ thống này chưa nhạy cảm với trẻ em, cũng chưa mang tính ứng phó với các cú sốc, do năng lực địa phương còn yếu kém chưa thể đánh giá thiệt hại và xác định nhu cầu của người dân. Hệ thống này dựa trên một khuôn khổ cứng nhắc, điều này làm cản trở việc đưa ra trợ giúp kịp thời, bao gồm thực hiện hành động sớm. Hệ thống cung cấp dịch vụ cũng còn yếu kém, mức độ trợ giúp chưa đầy đủ, sự phối hợp giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo. Hơn nữa, các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn rời rạc và thiếu quy định về trường hợp khẩn cấp để linh hoạt các chương trình hiện có trước những rủi ro hiệp biến như biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và đại dịch. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và do đó, đang và sẽ tiếp tục là nguồn phát thải khí nhà kính lớn trong khu vực, cũng như góp phần chính gây ô nhiễm không khí, cho đến năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chủ đạo. Theo dự báo, lượng phát thải ròng từ năm 2010 đến năm 2030 ở Việt Nam sẽ tăng gấp 4 lần. Chỉ số hiệu quả Môi trường năm 2020 (EPI, do Đại học Yale phát triển và giám sát) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 159 trong số 178 quốc gia về chất lượng không khí và đứng thứ 141 thứ hạng chung với tổng điểm là 33.4 (điểm cao nhất là 82.5 và điểm thấp nhất là 22.6). Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức nghiêm trọng, với tỷ lệ số ngày có Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 101–200 (mức không tốt cho các nhóm nhạy cảm) dao động từ 40% đến 60% tổng số ngày quan trắc từ năm 2013 đến năm 2014. Báo cáo cũng cho thấy nồng độ trung bình hàng ngày của khí NO2, ozone (O3), lưu huỳnh đioxit (SO2) và các chất dạng hạt thường cao hơn mức đề xuất của WHO đưa ra.
2.8. Tác động và thách thức kép của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đối với trẻ em:
Đại dịch COVID-19 cùng với biến đổi khí hậu có những tác động nhiều mặt và phức tạp đối với trẻ em, đặc biệt là những trẻ em bị thiệt thòi nhất. Rất nhiều hộ gia đình vốn đã bị thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, đại dịch cũng kéo theo khả năng mất thu nhập, vì vậy các gia đình thậm chí còn ít có khả năng chi trả các nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và nước uống. Trẻ em bị giảm khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải trong việc xử lý các trường hợp trong đại dịch. Giáo dục bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa; trong khi nhiều trẻ em có cơ hội học tập trực tuyến, khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam khó tiếp cận bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật bị hạn chế hoặc không tiếp cận được các nền tảng học tập này và do đó mất cơ hội học tập. Giáo dục trực tuyến là vô cùng khó khăn đối với người dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật.
Các vấn đề về bảo vệ trẻ em có thể trở nên nghiêm trọng hơn do các tác động của đại dịch và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột và xâm hại nhiều hơn. Tóm tắt chính sách chung của UNICEF và ILO cũng chỉ ra rằng khủng hoảng COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng lao động trẻ em lần đầu tiên sau 20 năm với những tiến bộ. Lao động trẻ em có thể tăng lên khi các hộ gia đình sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chống chọi với việc mất thu nhập, mất mùa và khi đói nghèo gia tăng. Nghiên cứu cũng cho rằng các biện pháp khóa cách ly và cung cấp nhà tạm lánh cũng kéo theo nguy cơ trẻ em chứng kiến hoặc chịu các hành vi bạo lực và xâm hại cao hơn.
Trẻ em và các gia đình dễ bị tổn thương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn, và càng trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu, đang phải chịu thêm những thách thức và tác động do COVID-19 gây ra. Trong khi các biện pháp phòng chống quan trọng đối với virus này là rửa tay thì hơn 35% trạm y tế xã ở các tỉnh Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum và Ninh Thuận cũng cho biết về vấn đề nước uống không đủ hoặc không an toàn, và khoảng 30% trường học trên khắp Việt Nam không có nước máy. Điều này có thể khiến trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác dễ bị nhiễm COVID-19 hơn.
Những thách thức do COVID-19 mang lại có những tác động: Một là, COVID-19 mang lại nhiều vấn đề phức tạp hơn do sự không chắc chắn ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu trong quá trình chuyển đổi từ ứng phó sang phục hồi. Điều này dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong việc quản lý các cú sốc kéo dài, đồng thời vẫn chuẩn bị cho việc phục hồi và giải quyết tất cả các thách thức đã có từ trước về nghèo đói và bất bình đẳng. Hai là, Ngân sách của Chính phủ có thể phải chi quá mức để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế lớn và kéo dài do COVID-19 gây ra trong khi vẫn phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bao gồm thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đã có từ trước. Khu vực tư nhân có thể bị giảm lợi nhuận và tăng trưởng và ít có khả năng đóng góp đầy đủ cho các mục tiêu quốc gia. Bà là, có thể có khoảng cách về kiến thức và năng lực giải quyết cuộc khủng hoảng kép giữa các cán bộ cơ quan trung ương và địa phương cũng như giữa các cộng đồng và gia đình, chưa nói đến kiến thức cơ bản để chuẩn bị và quản lý các vấn đề khí hậu và thiên tai. Bốn là, các yêu cầu về giãn cách xã hội có thể hạn chế công tác ứng phó tại chỗ, đánh giá nhanh và giám sát các thảm họa thiên tai và khí hậu.
Mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng đại dịch COVID-19 cũng tạo ra một số cơ hội như: Đại dịch đã giúp chính phủ và người dân nhận ra rằng việc xây dựng khả năng chống chịu quan trọng hơn bao giờ hết. Dù nhiều người cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em, đại dịch đã khiến cho tác động đó nhân lên gấp bội. Việc xây dựng khả năng chống chịu bằng cách nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội chất lượng có thể được tăng cường trong bối cảnh xã hội phục hồi sau đại dịch và khi phòng ngừa, chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Những nỗ lực xây dựng khả năng chống chịu sẽ củng cố thêm chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ nhất, những kỹ thuật tốt đã được phát triển trong thời gian đại dịch để tìm hiểu và ứng dụng công nghệ sáng tạo đổi mới, bên cạnh đó còn có các phương pháp để giao tiếp, thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu từ xa hoặc qua mạng; Thứ hai, cách tiếp cận đa ngành và phối hợp liên bộ được tăng cường để ứng phó với COVID-19, cải thiện này có thể được áp dụng trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Thứ ba, tăng cường hệ thống để lồng ghép rủi ro thiên tai và tăng khả năng chống chịu với khí hậu của ngành y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bảo trợ xã hội; Thứ tư, trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu tăng cường năng lực của địa phương rất cấp thiết để ứng phó hiệu quả và kịp thời trong tình huống cán bộ trung ương không thể đến khu vực bị ảnh hưởng. Những năng lực được tăng cường sẽ hỗ trợ quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu.