Điều kiện học theo chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và một số vấn đề liên quan.
Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; đào tạo viên chức theo nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
1. Đối tượng cử tuyển
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 134/2006/NĐ-CP Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (được sửa đổi tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 49/2015/NĐ-CP), những đối tượng sau cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân:
a) Công dân Việt Nam thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tính theo hộ khẩu trường trú) được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc có thời gian 4 năm học trung học cơ sở ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được cử tuyển vào trung cấp; ưu tiên xét cử tuyển đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao;
b) Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trú ở khu vực III, II (có thể xét cả đối tượng ở khu vực I trong trường hợp dân tộc thiểu số đó có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi cả nước hoặc việc cử tuyển đối với các đối tượng này ở khu vực III, II không đủ chỉ tiêu được giao) từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh.
2. Chỉ tiêu cử tuyển
Chỉ tiêu cử tuyển được xác định theo từng năm, trong kế hoạch tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp của Nhà nước và được cơ quan có thẩm quyền giao theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo.
Chỉ tiêu cử tuyển đối với đối tượng thuộc trường hợp thứ hai ở trên phải được giao riêng trong tổng chỉ tiêu cử tuyển giao hàng năm cho các địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
3. Tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển
Tiêu chuẩn người được hưởng chế độ cử tuyển gồm:
– Tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) đối với đối tượng được cử tuyển vào đại học, cao đẳng và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đối với đối tượng được cử tuyển vào trung cấp; xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khóa) đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với người dân tộc Kinh.
– Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển.
– Không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.
– Không thuộc biên chế Nhà nước.
4. Tổ chức đào tạo
4.1. Đào tạo dự bị đại học, cao đẳng
a) Người được cử tuyển để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng phải học một năm dự bị. Việc tổ chức đào tạo và xét tuyển vào học chính thức tại các cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Sau khi kết thúc một năm học dự bị, nếu người học không đủ điều kiện tuyển vào học chính thức tại các cơ sở giáo dục thì được học lưu ban không quá một năm. Trong năm học lưu ban, người học được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ như năm học thứ nhất.
4.2. Đào tạo chính thức
a) Khi học chính thức tại các cơ sở giáo dục, người học theo chế độ cử tuyển được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy và bố trí học chung với các người học khác của cơ sở giáo dục theo ngành đào tạo đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt hàng với các cơ sở giáo dục;
b) Việc tổ chức đào tạo, xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
5. Kinh phí đào tạo
Kinh phí đào tạo cho người học theo chế độ cử tuyển được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo hàng năm của địa phương. Cụ thể:
– Người học theo chế độ cử tuyển tại cơ sở giáo dục do địa phương quản lý: Ngân sách địa phương đảm bảo 100% chi phí đào tạo theo chế độ quy định.
– Người học theo chế độ cử tuyển tại cơ sở giáo dục do Trung ương quản lý: địa phương chủ động cân đối kinh phí thực hiện trong ngân sách địa phương; các địa phương có khó khăn trong việc cân đối ngân sách năm 2008 báo cáo cụ thể gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ ngoài dự toán đã giao; từ năm 2009, kinh phí hỗ trợ (nếu có) được cân đối chung trong dự toán chi ngân sách nhà nước được giao hàng năm.
6. Tiếp nhận, phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp
Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ và xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ thông báo xét tuyển tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 12 tháng không nhận được thông báo xét tuyển theo quy định thì người học theo chế độ cử tuyển không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.
7. Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo
Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo:
– Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận.
– Người không chấp hành sự phân công công tác theo quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP sau khi tốt nghiệp.
– Người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
– Người bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.