Quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau và luôn luôn tìm ẩn khả năng phát sinh tranh chấp. Dưới đây là một số hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng phổ biến nhất.
Mục lục bài viết
1. Một số hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng phổ biến:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 138 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về hợp đồng xây dựng, theo đó hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự độc lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên, sự thỏa thuận của các bên được ghi nhận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà các bên sẽ không thể tránh khỏi được những hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng. Có thể kể đến một số hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng phổ biến như sau:
Thứ nhất, vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng. Tranh chấp do hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng xây dựng là loại vi phạm phổ biến nhất trong lĩnh vực hợp đồng nói chung và hợp đồng xây dựng nói riêng. Các bên tranh chấp có thể là chủ đầu tư với nhà thầu hoặc giữa nhà thầu chính với các nhà thầu phụ. Đặc trưng chung của cả hai mối quan hệ này đó là đều xuất phát từ việc các nhà thầu đã hoàn thành xong nghĩa vụ thi công theo hợp đồng xây dựng, tuy nhiên chủ đầu tư và các nhà thầu chính lại không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán theo khối lượng mà các nhà thầu đã thi công hoặc tìm cách gây khó khăn và chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thanh toán, từ đó gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà thầu, sau đó dẫn đến các tranh chấp phát sinh.
Thứ hai, hành vi không đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng của công trình trong hợp đồng xây dựng. Trong lĩnh vực thi công công trình xây dựng thì vấn đề tiến độ và chất lượng công trình là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu, đây được xác định là yếu tố quan trọng nhất được quy định chặt chẽ trong các hợp đồng xây dựng được ký kết giữa nhà đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình thi công do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố chủ quan và vô tố khách quan như thời tiết, dịch bệnh, điều kiện về vốn, điều kiện về nhân lực … Từ đó, đã dẫn đến việc các nhà thầu thi công công trình xây dựng không đảm bảo tiến độ và không đảm bảo chất lượng công trình mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng. Vấn đề này cũng dẫn tới tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư và các nhà thầu thi công công trình xây dựng về việc phạt vi phạm hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng gây ra.
Thứ ba, hành vi không thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với công trình xây dựng trên thực tế. Theo quy định của pháp luật về xây dựng, thời hạn bảo hành đối với các công trình xây dựng và hạng mục trong công trình xây dựng hiện nay được quy định là từ 12 tháng đến 24 tháng trở lên tùy thuộc vào từng cấp công trình và nguồn vốn đầu tư khác nhau được tính kể từ ngày nghiệm thu đưa công trình xây dựng và sử dụng trên thực tế. Theo đó để đảm bảo cho việc bảo hành thì khi các bên tiến hành thủ tục ký kết hợp đồng xây dựng, các bên đã thỏa thuận giữ lại tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng nhất định, tuy nhiên thông thường sẽ là 3% đến 5% để có thể bảo đảm tối đa cho nghĩa vụ bảo hành công trình xây dựng khi đã đưa công trình đó vào sử dụng. Trường hợp sau khi đưa công trình vào sử dụng trên thực tế, trong thời hạn bảo hành công trình xây dựng, chủ đầu tư phát hiện ra một số lỗi kĩ thuật của công trình nên đã yêu cầu các nhà thầu sửa chữa và bù đắp vào các khiếm khuyết của công trình xây dựng, tuy nhiên lúc này thì các nhà thầu lại không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các lỗi và phục hồi đầy đủ các khiếm khuyết của công trình xây dựng, không đảm bảo và thực hiện theo đúng nghĩa vụ bảo hành mà các bên đã quy định trong hợp đồng xây dựng, các nhà thầu đã cố tình kéo dài thời gian cho đến khi hết thời hạn bảo hành để từ đó có thể yêu cầu chủ đầu tư thanh toán nốt số tiền còn lại trong quá trình sửa chữa các khiếm khuyết của công trình xây dựng, dẫn đến trường hợp các bên xảy ra tranh chấp.
Thứ tư, một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng trước thời hạn trái với sự thỏa thuận của các bên được quy định trong hợp đồng xây dựng. Trong quá trình thi công công trình xây dựng, việc chủ đầu tư và các nhà thầu mâu thuẫn xung đột với nhau về lợi ích là vấn đề không thể tránh khỏi, không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng xây dựng từ đó dẫn đến tranh chấp, hoặc vì những lý do riêng mà một trong các bên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng trước thời hạn. Khi một bên trong quan hệ hợp đồng đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng trước thời hạn có thể xảy ra thiệt hại cho bên còn lại, hệ quả tất yếu đó là tranh chấp sẽ xảy ra về vấn đề yêu cầu xử phạt vi phạm hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những thiệt hại xảy ra trên thực tế.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng hiện nay:
Thông thường, khi một trong các bên trong hợp đồng xây dựng có hành vi vi phạm hợp đồng xây dựng thì sẽ xảy ra tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng sẽ được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau. Có thể kể đến một số phương thức phổ biến để giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng hiện nay như sau:
Thứ nhất, thương lượng. Thương lượng được xem là phương thức được áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Một bên xét đề nghị gặp mặt bên còn lại để trực tiếp trao đổi và thương thảo để đưa ra phương án giải quyết. Hoặc các bên có thể thương lượng gián tiếp thông qua điện thoại để thỏa thuận và thống nhất giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp với nguyện vọng của các bên. Thương lượng được xem là phương thức vô cùng linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho các bên trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên chưa có cơ chế bắt buộc đối với hoạt động thương lượng khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Vì vậy các bên có thể thương lượng hoặc không thương lượng khi xảy ra tranh chấp, đồng thời việc giải quyết và thực hiện kết quả thương lượng cũng được thực hiện dựa trên sự tự nguyện và thiện chí của các bên.
Thứ hai, hòa giải. Hòa giải được xem là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng với sự tham gia của bên thứ ba, độc lập với tòa án. Trường hợp các bên không thể tự thương lượng được với nhau thì có thể nhờ đến cá nhân hoặc tổ chức thứ ba để đứng ra hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng. Các bên sẽ thống nhất lựa chọn một bên thứ ba để hòa giải tranh chấp trong trường hợp này. Ưu điểm của phương thức hòa giải đó là nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho các bên nếu như các bên hòa giải thành công. Tuy nhiên kết quả hòa giải trong trường hợp này lại không có phương án đảm bảo thi hành trên thực tế. Thời gian hòa giải có thể kéo dài, ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của các bên khi hết thời hiệu khởi kiện.
Thứ ba, khởi kiện tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Khởi kiện tại tòa án là phương thức truyền thống được các bên lựa chọn khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng xây dựng. Việc giải quyết tại tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trước khi khởi kiện thì nguyên đơn cần xác định đúng thẩm quyền của tòa án để giải quyết và nộp đơn. Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, tòa án sẽ triệu tập các đương sự lên để làm việc, tổ chức buổi hòa giải và giao nộp chứng cứ. Nếu hòa giải thành công thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Trong trường hợp hòa giải không thành công thì tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ việc ra xét xử, sau đó mở phiên tòa xét xử. Tuy nhiên phương thức khởi kiện tại tòa án được xem là phương thức truyền thống và phổ biến nhưng lại có những nhược điểm đó là quá trình giải quyết kéo dài do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khiến cho quá trình giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng xây dựng tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.
3. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Văn bản hợp nhất Luật xây dựng năm 2020 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể như sau:
– Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của pháp luật về xây dựng;
– Khởi công thi công công trình xây dựng khi chưa đáp ứng được đầy đủ điều kiện khởi công theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Xây dựng các công trình trong khu vực cấm xây dựng, xây dựng các công trình lớn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, di tích lịch sử văn hóa và các khu vực khác theo quy định của pháp luật, xây dựng các công trình ở các khu vực cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngoại trừ các công trình để khắc phục những hiện tượng thiên tai đó;
– Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền, ngoại trừ những trường hợp có giấy phép xây dựng, vi phạm chỉ giới xây dựng, vi phạm cốt xây dựng, xây dựng các công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Lập hoặc thẩm định, phê duyệt thiết kế và phê duyệt dự án của công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước trái quy định của pháp luật;
– Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng không đáp ứng đầy đủ điều kiện năng lực để hoạt động trong lĩnh vực xây dựng;
– Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đáp ứng đầy đủ năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng;
– Xây dựng các công trình không phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng cho công trình xây dựng đó;
– Có hành vi sản xuất hoặc sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng và môi trường;
– Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng;
– Sử dụng các công trình không đúng với mục đích, không phù hợp với công năng, xây dựng hoặc lấn chiếm diện tích không gian đang được quản lý và sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác trong xã hội hoặc của các khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung cho cộng đồng;
– Đưa hoặc nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng, lợi dụng pháp nhân khác để tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng, thông đồng làm sai lệch kết quả của dự án khảo sát thiết kế và giám sát thi công công trình xây dựng;
– Lạm dụng chức vụ quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng, bao che và chậm xử phạt các đối tượng vi phạm;
– Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH 2020 hợp nhất Luật Xây dựng.