Quy định của pháp luật TTDS về chứng minh và chứng cứ đã có những thay đổi phù hợp hơn so với pháp lệnh TTDS trước đây. Tuy nhiên do thực tiễn về vấn đề này vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, khái niệm “chứng cứ” quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự cần được sửa đổi để trở nên hợp lý và khoa học hơn. Cụm từ “những gì có thật” còn mang tính chung chung, khó xác định, đồng thời có thể gây nhầm lẫn trong việc hiểu và áp dụng.
Do vậy, cụm từ trên trong điều 81 cần được sửa đổi thành “những tình tiết, sự kiện phản ánh sự thật khách quan”.
Thứ hai, tồn tại nhưng mâu thuẫn trong quy định về chứng cứ và nguồn chứng cứ tại các điều 82 và 83 Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể:
“Điều 82. Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được;
2. Các vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
…”Điều 83. Xác định chứng cứ
1. Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận.
2. Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
3. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
4. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên toà.…”
Như vậy, điều 82 liệt kê ra các loại nguồn chứng cứ mà từ đó có thể rút ra chứng cứ, đồng thời phân biệt rõ ràng “chứng cứ” và “nguồn chứng cứ”. Tuy nhiên, Điều 83 lại quy định các loại nguồn đó được coi là chứng cứ trong các trường hợp cụ thể, hay nói cách khác là đồng nhất khái niệm “chứng cứ” và “nguồn chứng cứ”. Sự mâu thuẫn này dẫn đến những khó khăn trong việc thực hiện pháp luật.
Do vậy, có thể thêm từ “nguồn” liền trước các cụm từ “chứng cứ” trong điều 83 để khắc phục hạn chế này.
Thứ ba, pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định cụ thể về thời hạn giao nộp chứng cứ mà chỉ giới hạn trong quá trình
>> Luật sư
qua tổng đài: 1900.6568 tư vấn pháp luật trực tuyến
Theo đó, pháp luật cần phải quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ và thời hạn đó phải kết thúc trước một khoảng thời gian hợp lý (1 tuần, 10 ngày…) cho tới khi phiên tòa diễn ra. Trong trường hợp chứng cứ được giao nộp ngoài thời hạn đó thì chứng cứ chỉ được chấp nhận khi đương sự đưa ra lý do chính đáng. Ngoài ra, pháp luật cần quy định chế tài đối với những hành vi cố ý chậm giao nộp chứng nhằm mục đích cản trở, gây khó khăn trong việc giải quyết vụ việc.
Thứ tư, quy định về việc yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ tại mục 4 phần I Nghị quyết số 04/2005/NQ–HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS 2004 về chứng minh và chứng cứ còn có điểm chưa hợp lý. Cụ thể:
“4. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu thấy chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đủ cơ sở để giải quyết, thì Toà án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của BLTTDS. Khi yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ, Toà án cần phải nêu cụ thể chứng cứ cần giao nộp bổ sung.”
Theo đó, nếu tòa án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ thì đồng thời Tòa án phải có nghĩa vụ “nêu cụ thể chứng cứ cần giao nộp bổ sung”. Điều này có thể gây khó khăn trong thực tiễn xét xử vụ việc dân sự, bởi lẽ các quan hệ pháp luật dân sự diễn ra rất đa dạng, phong phú, trên nhiều lĩnh vực. Do đó nếu Tòa án phải nêu cụ thể chứng cứ cần giao nộp bổ sung thì cần phải hội tụ kiến thức chuyên môn của rất nhiều lĩnh vực khác nhau và yêu cầu này không phải bao giờ cũng được đáp ứng trên thực tiễn. Bên cạnh đó, có những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhưng được cấu thành từ những sự kiện, tình tiết rất khó xác định mà bản thân các đương sự cũng không thể giao nộp thêm chứng cứ, ví dụ như những tranh chấp mà có tình tiết, sự kiện duy nhất xác định được là sự thỏa thuận bằng lời nói của hai bên chủ thể, thì Tòa án gần như không thể chỉ ra được chứng cứ cụ thể cần bổ sung.
Do vậy, cần sửa đổi cụm từ “cần phải” trong quy định trên thành “cân nhắc về việc” thì sẽ hạn chế được những khó khăn nêu trên.
Thứ năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn, còn tồn tại những hạn chế sau:
– Điều kiện về kinh tế, xã hội của các địa phương ở vùng nông thôn, trung du, miền núi, Tây Nguyên… còn chưa cao dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận pháp luật cũng như thực hiện pháp luật. Do vậy cần phải có các giải pháp đầu tư tài chính, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống bổ trợ tư pháp mạnh mẽ hơn, tuyên truyền giáo dục pháp luật dân sự và tố tụng dân sự…
– Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật vẫn cố tình trì hoãn việc cung cấp chứng, không thiện chí hợp tác với các đương sự, Tòa án trong việc giải quyết vụ việc. Do vậy, cần có các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các cơ quan, tổ chức cùng với các chế tài xác đáng để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết vụ việc dân sự.
Còn tồn tại sự kém hiệu quả trong hoạt động ủy thác tư pháp của Tòa án, như việc không thực hiện ủy thác hoặc không có thực hiện nhưng không nhận được kết quả… khiến cho việc giải quyết vụ việc tiếp tục kéo dài.