Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoặc là chưa biết đến trọng tài thương mại hoặc là chưa có đủ kỹ năng cần thiết để tham gia quá trình tố tụng.
Thực tiễn xét xử các tranh chấp phát sinh trong kinh doanh quốc tế bằng trọng tài thương mại ở Việt Nam những năm qua, đặc biệt là từ đầu những năm 2000, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực cho thấy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoặc là chưa biết đến trọng tài thương mại hoặc là chưa có đủ kỹ năng cần thiết để tham gia quá trình tố tụng, vì thế, chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam chưa ngang tầm khu vực và quốc tế. Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh quốc tế bằng trọng ài thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm cơ bản sau đây:
– Xác định đúng tổ chức trọng tài thương mại có thẩm quyền
Hiện nay, ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới có thể có nhiều tổ chức trọng tài thương mại khác nhau. Tính đến hết năm 2009, ở Việt Nam có 7 tổ chức trọng tài thương mại là: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài thương mịa Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Á châu, Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ và Trung tâm Trọng tài thương mại Viễn Đông. Về nguyên tắc, các trung tâm này đều có thể tham gia xét xử các tranh chấp thương mại. Vì thế, trước khi đưa đơn kiện đến trọng tài thương mại cần xác định rõ tổ chức trọng tài nào có thẩm quyền để bảo đảm đơn kiện sẽ được thụ lý và vụ việc sẽ được xét xử đúng thẩm quyền.
– Xác định rõ thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết
Thông thường luật pháp các nước cũng như Việt Nam đều quy định rõ thời hiệu khởi kiện đối với các loại vụ việc, trong đó khi theo kiện cả nguyên đơn và bị đơn cần phải xem xét kỹ thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết. Việc giải quyết tranh chấp kể cả bằng tòa án hoặc trọng tài cũng chỉ được coi là hợp pháp khi chưa hết thời hiệu khởi kiện.
– Chuẩn bị đủ hồ sơ kiện
Thực tế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam cho thấy không ít doanh nghiệp cứ thấy lợi ích của mình không đạt được như ý muốn là tính đến chuyện kiện tụng mà không biết rằng yêu cầu của mình chỉ có thể được thỏa mãn khi có đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ có giá trị pháp lý. Một trong những nguyên tắc xét xử quan trọng của trọng tài thương mại là trọng tài không có nghĩa vụ xác minh thu thập chứng cứ mà chỉ có thể dựa vào các chứng cứ do các bên cung cấp. Vì vậy, muốn thắng kiện, nguyên đơn bắt buộc phải có đủ hố sơ khởi kiện.
– Nắm vững trình tự tố tụng
Trình tự tố tụng tại trọng tài thương mại Việt Nam hiện nay được quy định trong Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 (Thay thế cho Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003) và trong quy tắc tố tụng của các tổ chức tố tụng trọng tài. Vì thế, muốn theo kiện một các tốt nhất, các bên tranh chấp cần nghiên cứu kỹ các trình tự này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Có thiện chí trong giải quyết tranh chấp và tự nguyện thi hành quyết định của trọng tài
Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ thực sự có hiệu quả khi các bên trong tranh chấp thực sự có thiện chí trong quá trình xử lý vụ việc và đặc biệt là phải tự nguyện thi hành quyết định của trọng tài. Về mặt pháp lý, nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành quyết định của trọng tài thì bên thắng kiện có quyền thực hiện trình tự cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án ở Việt Nam hiện còn rất thấp. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp có đạt hiệu quả như mong muốn hay không tùy thuộc rất nhiều vào thiện chí của các bên tranh chấp.