Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các mặt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Vậy hiện nay có những bất cập nào trong việc bảo hộ nhãn hiệu?
Mục lục bài viết
1. Một số các bất cập trong việc bảo hộ nhãn hiệu hiện nay:
1.1. Bất cập trong khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu:
– Việc tra cứu nhãn hiệu trước khi đăng ký chưa được hiệu quả: Việc cho ra đời một nhãn hiệu để sản phẩm, dịch vụ của mình có thể tiếp cận được thị trường, các doanh nghiệp đã tốn rất nhiều về thời gian, công sức và tiền bạc để tạo ra một mẫu nhãn hiệu độc đáo và ấn tượng. Trước khi thực hiện nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp có thể thực hiện tra cứu đánh giá về khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, loại trừ đối chứng với những nhãn hiệu đã đăng ký. Tuy nhiên, số lượng của bản ghi hiển thị khi tra cứu bị giới hạn, người tra cứu không thể nắm bắt được hết các nhãn hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu mà mình dự định đăng ký. Hơn nữa, người tra cứu cũng sẽ không thể tra cứu được những nhãn hiệu vừa mới nộp đơn đăng ký chưa hiển thị ở trên công báo của Cục Sở hữu trí tuệ. Do vậy, mặc dù là đã thực hiện tra cứu đánh giá trước khi đăng ký bảo hộ nhưng mà tỉ lệ nhãn hiệu nộp đơn đăng ký bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì “vướng” phải những nhãn hiệu đối chứng đã đăng ký trước đó vẫn rất cao.
– Những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành còn khá cứng nhắc: Điều 90 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ quy định rằng trong trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc là tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc là không khác biệt đáng kể với nhau thì văn bằng bảo hộ sẽ chỉ được cấp cho sáng chế hoặc kiểu dáng công nghiệp ở trong đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc là ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng những điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ. Quy định này đã dẫn đến việc gây ảnh hưởng đến lợi ích của những doanh nghiệp đã sử dụng hoạt động lâu năm. Vì vậy, cần phải có thêm các cơ chế bảo vệ đối với các doanh nghiệp này.
– Thời gian đăng ký nhãn hiệu quá lâu:
+ Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành, thời gian đăng ký nhãn hiệu từ lúc nộp hồ sơ cho đến khi được cấp văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế việc đăng ký nhãn hiệu có thể kéo dài lên đến từ 18 – 24 tháng. Thậm chí là đến thời điểm hiện tại có thể lên đến gần 36 tháng. Nguyên nhân chính là do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu đang bị quá tải, việc xử lý và thẩm định đơn của những chuyên viên bị kéo dài thời gian. Chưa kể đến việc đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung hay là bị bên thứ ba phản đối cấp thì thời gian xử lý còn có thể kéo dài hơn rất nhiều. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho những doanh nghiệp để gia nhập thị trường. Những doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng do dự, không dám phát triển, đưa vào sản xuất hàng loạt các sản phẩm dập logo thương hiệu công ty vì không biết rằng nhãn hiệu của chính mình có được cấp văn bằng bảo hộ hay không. Sợ rằng nếu như cứ xây dựng thương hiệu, sản xuất hàng loạt, đến khi mà việc bảo hộ nhãn hiệu bị từ chối trong khi sản phẩm của mình vừa được những người tiêu dùng biết đến đã bị các bên khác làm nhái sản phẩm hoặc là đánh cắp thương hiệu. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị thất thoát không nhỏ một số tiền bỏ ra để sản xuất, quảng bá sản phẩm, đồng thời là uy tín của doanh nghiệp cũng bị thất thoát nặng nề.
+ Việc thời gian đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nhãn hiệu gây hạn chế rất cho nhiều cơ hội, thời gian và tiền bạc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu đó là xuất phát từ nguyên nhân khách quan.
1.2. Bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng:
Thứ nhất, định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng chưa khái quát được các đặc điểm, bản chất của nhãn hiệu nổi tiếng. Đó là danh tiếng, uy tín gắn liền với nhãn hiệu như là: danh tiếng, uy tín của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ; chất lượng của hàng hoá, dịch vụ; bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng (chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi…). Hơn nữa, định nghĩa này cũng được cho là đặt ra yêu cầu quá cao so với các điều ước quốc tế chứa đựng những cam kết về nhãn hiệu nổi tiếng (Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Hiệp định về những khía cạnh thương mại của quyền SHTT – TRIPs). Chẳng hạn như, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì nhãn hiệu nổi tiếng phải được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, trong khi đó Hiệp định TRIPs chỉ đặt ra yêu cầu đối với bộ phận công chúng liên quan.
Thứ hai, quy định các tiêu chí xác định về nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng. Điều 75 Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ có quy định 8 tiêu chí được xem xét khi thực hiện đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nhưng lại không quy định rõ để một nhãn hiệu được công nhận chính là nổi tiếng thì phải thoả mãn được tất cả các tiêu chí này hay chỉ một hoặc một số tiêu chí.
Thứ ba, thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng được trao cho Toà án và Cục SHTT nhưng lại thiếu đi những quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng.
2. Một số giải pháp trong việc bảo hộ nhãn hiệu hiện nay:
Thứ nhất, để khắc phục được các bất cập trong khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cần phải:
– Có sự phối hợp từ phía cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp. Cụ thể, những doanh nghiệp khi có ý định thành lập, kinh doanh các sản phẩm thì cần thiết phải thực hiện ngay việc đăng ký ngay bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Như vậy, những doanh nghiệp có thể rút ngắn được thời gian chờ cấp văn bằng khi mà có dự định đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Bên cạnh đó, thì để việc đăng ký không bị gián đoạn và mất thêm thời gian xử lý, những doanh nghiệp nên tìm cho mình một bên trung gian có uy tín, hiểu biết pháp luật sở hữu trí tuệ để giúp cho doanh nghiệp mình thực hiện việc đăng ký ngay từ khâu tra cứu và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thẩm định đơn.
– Cơ quan tiếp nhận đơn nên tìm ra những phương hướng giải quyết tình trạng quá tải đơn, dẫn đến việc thời gian để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị kéo dài. Có thể bằng việc cơ cấu lại về bộ máy nhân sự hoặc số hóa những thông tin đơn nhãn để đẩy nhanh nhất có thể thời gian thẩm định đơn, cấp văn bằng bảo hộ giúp cho những doanh nghiệp không bị “thời gian chết” khi phải đợi đủ các điều kiện để bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử lớn.
– Thủ tục và thời gian đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam đang là một trong các trở ngại khiến cho doanh nghiệp còn do dự khi mà đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền của mình. Tuy nhiên thì việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đồng nghĩa với nguy cơ rất lớn việc đánh mất đi thương hiệu, mất đi khoản lợi nhuận trong tương lai. Vì vậy, những doanh nghiệp vẫn nên ưu tiên chú trọng việc đăng ký độc quyền nhãn hiệu.
Thứ hai, để khắc phục được các bất cập trong bảo hộ và thực thi quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì:
– Cần có định nghĩa rõ ràng hơn về nhãn hiệu nổi tiếng, giảm nhẹ các yêu cầu đặt ra đối với chính đối tượng này và phải thể hiện được đặc thù của nhãn hiệu nổi tiếng.
– Các yếu tố đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng nên được quy định theo hướng cụ thể hoá về 2 điều kiện/tiêu chí được xác định trong định nghĩa nêu trên, đó chính là: được biết đến rộng rãi bởi bộ phận những người tiêu dùng có liên quan tại Việt Nam; và có danh tiếng ở tại Việt Nam. Theo đó, cần xem xét một số yếu tố như là:
+ Mức độ biết đến hoặc là công nhận nhãn hiệu bởi bộ phận công chúng có liên quan;
+ Thời gian, quy mô và khu vực địa lý của bất kỳ hoạt động sử dụng, quảng bá nhãn hiệu bao gồm có quảng cáo hoặc quảng bá, giới thiệu tại những triển lãm, hội chợ đối với hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Thời gian và khu vực địa lý mà nhãn hiệu đã được đăng ký và/hoặc là đã được nộp đơn đăng ký;
+ Hồ sơ thực thi thành công quyền độc quyền nhãn hiệu, đặc biệt là phạm vi mà nhãn hiệu đã được công nhận là nổi tiếng bởi cơ quan có thẩm quyền.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 11/VBHN-VPQH 2022 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ.